Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ thêu đồng bào dân tộc Dao” của thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, có 23 hộ gia đình với hơn 30 phụ nữ tham gia.

70 TUỔI VẪN ĐEO KÍNH NGỒI THÊU

Câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ thêu đồng bào dân tộc Dao" của thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, có 23 hộ gia đình với hơn 30 phụ nữ tham gia.

Các thành viên CLB đều là nữ từ 30 đến 70 tuổi, họ rất yêu nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình từ những nghi lễ cổ, làn điệu dân ca, màn múa hát và đặc biệt là nghề thêu truyền thống của người Dao.

Sắc màu văn hóa thêu của người Dao Sơn Động - Ảnh 1.

Chị Triệu Thị Ba - Chủ nhiệm CLB

Đã hoạt động được nhiều năm, hàng ngày, các chị em đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thêu, sau khi làm nương rẫy, sau bữa cơm chiều.  Với họ nghề thêu giống như một thú chơi, giải trí hàng ngày sau những lúc đi làm nương rẫy, ruộng đồng  mệt nhọc.

Sắc màu văn hóa thêu của người Dao Sơn Động - Ảnh 2.

Các thành viên đều chủ động sáng tạo duy trì nghề thêu ren truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình

"Cứ rảnh là thêu, có lúc thêu ở nhà, khi lại tập trung ở nhà văn hoá thôn. Những dịp đó chúng tôi  ngồi đông quây quần với nhau, thêm câu chuyện gia đình, con cái. Vui lắm" - chị  Triệu Thị Ba, Chủ nhiệm CLB hào hứng nói.

Các thành viên CLB có độ tuổi từ 30 đến 70. Trước đây, trẻ em gái được học thêu từ nhỏ nên 10 tuổi đã có thể thêu thành thạo.

Chị cũng cho biết thêm, để thêu đủ một bộ đồ của người dân tộc Dao gồm rất nhiều món như áo, quần, mũ, khăn, giầy, thắt lưng, túi, hoa đính cài... Và nếu làm miệt mài mỗi ngày thì khoảng 2 đến 5 tháng mới xong một bộ đồ hoàn chỉnh. Nếu làm dông dài có khi phải 2 năm mới xong, nên giá thành của những bộ đồ này khá cao. Phần lớn các thành viên đều thêu cho bản thân, gia đình, con cái hay thêu do đặt hàng chứ không thêu để bán ngoài chợ.

Chị Ba cũng chia sẻ thêm: "Giờ người đồng bào không mặc đồ dân tộc nhiều mà để dành mặc vào dịp lễ, tết, đi ăn cỗ. Thêu mất công lắm, không dám diện đâu. Cả năm làm còn không được 1 bộ mà. Nhưng những dịp được mặc lên người bộ đồ của dân tộc Dao thấy mình đẹp, diện và oách hơn người không mặc".

Sắc màu văn hóa thêu của người Dao Sơn Động - Ảnh 5.

"Con gái đi lấy chồng phải mang theo 1 bộ đồ của dân tộc Dao nên bố mẹ nào không có thời gian làm cho con gái thì phải đi mua. Khoảng mấy chục triệu một bộ"- một thành viên CLB cho biết

Ngày nay, từ chất liệu vải cho đến chỉ thêu cũng có phần thay đổi, giờ vải không phai màu như trước và chỉ được thêu bằng len cũng đẹp, bền và mượt mà hơn.

Sắc màu văn hóa thêu của người Dao Sơn Động - Ảnh 6.

Bà Đinh Thị Tuyết (bìa phải), Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là người rất tâm huyết với các hoạt động lưu giữ phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số tại địa phương

"Bây giờ người trẻ không biết thêu và ngại ngồi thêu vì mất nhiều thời gian và công sức. Thời gian đó, những người trẻ sẽ đi chơi hoặc làm những việc khác. Họ bảo không thích như người già, cứ ngồi cần mẫn làm như vậy. Họ mặc đồ người Kinh, nhẹ mát và không đắt đỏ"- một thành viên CLB nói.

Từng đường thêu rất kỹ lưỡng và chuẩn xác khi xếp đan các màu xen kẽ. Độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ từ những chi tiết nhỏ như ống tay, cổ áo.

Sắc màu văn hóa thêu của người Dao Sơn Động - Ảnh 9.

Các thành viên của CLB

Chủ nhiệm CLB nuối tiếc: Nhiều khi tôi lo lắng bởi mai kia nếu thế hệ chúng tôi không còn nữa thì có ai thêu không và người Dao còn có trang phục cổ truyền để diện Tết nữa không? Trong CLB chúng tôi, có người 70 tuổi vẫn đeo kính, ngồi thêu và thấy vui vẻ, phấn khởi khi còn làm được điều đó. Mỗi khi ngồi thêu mà đông đủ chị em, chúng tôi còn hát tiếng Dao cho nhau nghe. Ấm áp và thân tình lắm. Hiện tại, CLB thêu chúng tôi vẫn đang cố gắng vận động các con, cháu duy trì và bảo tồn được nghề thêu, để giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình mãi mãi cho các thế hệ sau này".


An Khê
05/04/2023 09:00