8 năm mang “mì gói có tôm” cho học trò của cô giáo vùng cao

An An
25/11/2023 - 18:29
8 năm mang “mì gói có tôm” cho học trò của cô giáo vùng cao

Các em học sinh tại điểm trường thôn Cao Đường (trường PTDT bán trú Tiểu học Yên Thuận) vui mừng khi được cô Hoài cùng giáo viên trong trường trao tặng thực phẩm thiết yếu cũng như đồ dùng học tập. Ảnh: NVCC

Đúng 11h trưa, hồi trống báo hiệu giờ tan học vừa dứt, cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài (trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận) gác lại giáo án, tranh thủ vào bếp chuẩn bị suất ăn cho hơn 50 học trò bữa thì cơm thịt cá, bữa tô mì có tôm.

Đều đặn tuần 3 đến 4 buổi, những em học sinh tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) lại có được những suất ăn đặc biệt hơn thường ngày vì có cô Hoàng Thị Thu Hoài đứng bếp. Cô cho biết, trường chia thành 6 điểm ở các thôn, các em bán trú ở điểm trường chính sẽ có bếp ăn, điểm còn lại thường tự mang cơm trưa.

"Nhìn đứa tay cầm nắm cơm trắng, đứa để bụng đói, tôi nhớ về tuổi thơ thiếu thốn của mình và muốn bù đắp cho các em, trước mắt là về bữa ăn giấc ngủ", cô giáo 30 tuổi nói.

8 năm mang “mì gói có tôm” cho học trò của cô giáo vùng cao- Ảnh 1.

Cô giáo Thu Hoài tranh thủ thời gian nghỉ cuối tuần đến thăm và tặng quà cho nhà học sinh khó khăn trong trường. Ảnh: NVCC

Ước mơ gieo chữ ở vùng cao

Cô giáo Hoài sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, có mẹ là giáo viên dạy ở vùng cao trên địa bàn tỉnh. Trong một lần theo mẹ tới trường, cô khóc òa vì thấy những đứa trẻ tay chân lấm lem bùn đất, sách vở không có để đến trường nhưng vẫn say sưa học tập. Hình ảnh đó khiến cô Hoài nhớ mãi và sau tốt nghiệp đại học, năm 2015, cô từ bỏ ước mơ tới các thành phố lớn phát triển bản thân và chọn trường PTDT bán trú Tiểu học Yên Thuận để dạy học.

Theo cổng thông tin nhà trường, trường có hơn 90% học sinh là dân tộc Dao, Tày, Mông và đa số đều có hoàn cảnh đặc biệt. Ông Lý Văn Thịnh, Trưởng thôn Cao Đường cũng cho biết, điểm trường cô Hoài dạy thuộc thôn Cao Đường, là một trong hai thôn thuộc vùng 135 của xã Yên Thuận. Từ đầu năm 2019, điện mới được kéo về thôn, trước đó cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như điều kiện đến trường của các em cũng gặp nhiều khó khăn.

Mong muốn xua tan đói nghèo bằng con đường tri thức cho các em, cô quyết tâm vượt hơn 40km từ nhà tới trường để đi dạy. Thời gian đầu cô vừa đi xe máy vừa dắt bộ ba bốn tiếng mới tới nơi vì đường đất trơn trượt, một bên là vách núi một bên vực thẳm hiểm trở, cô phải trang bị thêm đôi ủng, dụng cụ vá xe, đèn pin đi đường để ứng phó với nguy hiểm.

Tới lớp, cô giáo trẻ bỡ ngỡ khi phải ngồi đợi ba mươi phút đến cả tiếng mới có lác đác vài em tới. Hỏi ra mới biết, các em nhà xa, đi bộ đường núi 9-10km từ 4 giờ sáng mà hơn hai, ba tiếng sau mới tới nơi. Đa số các em không thạo tiếng Kinh, sợ người lạ, có đứa còn trốn lên mái nhà, chạy ra sân trường, việc giảng dạy dường như khó khăn hơn với cô giáo bộ môn tiếng Anh này.

Tuy nhiên, đến giờ ăn, cô Hoài rưng rưng khi thấy cảnh các em đứa bốc tay ăn nắm cơm nguội, đứa ăn kẹo thay cơm, có em đói lả đi không có tinh thần học tập. Buổi học sau, cô tập trung các lớp ghép ở điểm trường, chừng hơn 50 em để tổ chức ăn trưa.

Biết các em thích ăn mì tôm, để bữa ăn đủ chất, cô chọn mua những con tôm to, chắc thịt và thêm chút rau cải nấu cho các em, vừa ngon vừa tiết kiệm thời gian không để các em chờ lâu. Thấy mấy đứa mắt sáng lên nhìn những con tôm, cô giáo trẻ lại nghĩ tới mình ngày xưa chỉ ăn mì với tép qua bữa.

"Mấy cô trò cùng ăn trưa, cùng giải lao chơi trò chơi và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, nhờ thế mà các em học nhanh hơn và cởi mở hơn với tôi", cô giáo Hoài nói.

8 năm mang “mì gói có tôm” cho học trò của cô giáo vùng cao- Ảnh 2.

Cô giáo Thu Hoài chụp ảnh kỷ niệm cùng học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận. Ảnh: NVCC

Hành trình 8 năm lo cho trò từ bữa ăn đến cuộc sống

Cứ thế suốt năm đầu đi dạy, cô Hoài dành dụm và trích nửa số tiền lương của mình để cho các em được ăn ngon mỗi tuần vài bữa, những món lạ mà các em chưa thử qua cô đều trổ tài nấu nướng.

Cho đến năm thứ hai, cô nhen nhóm ước mơ làm thật nhiều hoạt động "mì gói có tôm", không chỉ là những bữa ăn mà còn muốn lo cho các em cả trong học tập cũng như cuộc sống.

Cô cùng giáo viên trong trường quyên góp, người mua đồ dùng học tập, người mua quần áo, sách vở, gạo, người ủng hộ tiền. Cô Bùi Thị Khuê, 48 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3,4 ở điểm trường thôn Cao Đường cho biết, nhiều em bố mẹ đi làm xa, các em đều phải tự nấu cơm và lo việc học. Từ ngày có cô Hoài tổ chức kêu gọi, phụ huynh và học sinh ai nấy đều phấn khởi.

"Sinh ra ở vùng cao có nhiều thiệt thòi, bản thân giáo viên chúng tôi cũng coi học trò như con cháu trong nhà, ai cũng muốn lo lắng và dạy dỗ các em nên người", cô Khuê nói.

Mấy năm nay, cô Hoài đều dành ngày nghỉ cuối tuần để đến thăm nhà học trò thay vì về quê như trước. Cả cô và trò đi bộ mấy tiếng mới đến nơi, đổi lại cô Hoài không thấy mệt mỏi thậm chí thấy vui vì hiểu hơn về cuộc sống của học trò và được các em yêu thương.

Cô nhớ như in ngày 20/11 năm ngoái, cậu bé Giàng Seo Sình (thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, Hàm Yên) học sinh lớp ghép 3-4, thập thò ngoài cửa tay cầm bó hoa tự hái trên đồi kèm với tờ giấy ghi "Em chúc cô luôn vui vẻ mạnh khỏe, cô như người mẹ thứ hai của em". Nhận được món quà, cô Hoài ôm chầm lấy Sình, đứa bé mồ côi mẹ nhưng hiếu học, cô thấy ánh mắt sáng trong veo của Sình còn chứa cả tương lai rộng mở phía trước. Giây phút đó cô nhận ra, không chỉ Sình mà còn rất nhiều em ngoài kia cần cô giúp đỡ và xứng đáng có được cuộc sống tốt hơn.

Hai tháng nay, tranh thủ sau buổi dạy, cô Hoài bắt đầu tập livestream bán nông sản, dưới sự hỗ trợ của bà con trong làng. Ngồi giữa sân trường, cô Hoài tay cầm sản phẩm giới thiệu đan xen với kể chuyện cuộc sống của mấy cô trò để thu hút người xem, cứ thế suốt ba, bốn tiếng đồng hồ.

Được biết buổi đầu bán hàng, cô có hơn 500 người xem nhưng doanh thu bán chỉ được vài trăm ngàn. Những buổi sau có thêm kinh nghiệm, thu nhập khá hơn, khoảng vài triệu đồng mỗi ngày. Cô cho biết sẽ dùng toàn bộ số tiền bán được để giúp các em học sinh trong trường có cuộc sống tốt hơn.

Là khán giả thường xuyên theo dõi cô Hoài livestream, những câu chuyện cô trò ở vùng cao khiến anh Nguyễn Xuân Thịnh (28 tuổi, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cũng chung tay kêu gọi quyên góp hàng ngàn bộ quần áo ấm cũng như sách vở để các em đủ ấm tới trường vào mùa đông.

"Hiện tại tôi đã nhận được hơn 600 chiếc mũ len và 12 bao đồ quần áo, tôi mong từ giờ đến cuối năm đạt đủ chỉ tiêu để được đến tận nơi trao cho các em", anh Thịnh nói.

Không chỉ anh Thịnh, những đoạn clip do cô Hoài đăng tải trên mạng xã hội về cuộc sống của các em thu hút cũng khiến cho nhiều người xúc động và để lại hàng trăm bình luận như: "Cô giáo như người mẹ thứ hai của các em", "Cô trò vùng cao thật phi thường", "Điều đơn giản của người bình thường lại là điều tuyệt vời của các em nơi khó khăn", "Mong được liên lạc với cô giáo để giúp đỡ các em"…

Cô Hoài hạnh phúc nhân đôi khi ngày càng có nhiều người biết tới điểm trường và ghé thăm học trò. Tuy vậy, hơn 8 năm nay, cô giáo trẻ vẫn luôn đau đáu nghĩ đến cảnh các em phải bỏ học giữa chừng vì thiếu thốn. Cô cho biết sẽ cố gắng hỗ trợ cho các em học để tốt nghiệp cấp 3, cùng các em thắp sáng ước mơ thành tài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm