9X người dân tộc S’ Tiêng vượt định kiến để tìm lối đi riêng

30/10/2021 07:03
Cô gái dân tộc Thị Tý chọn nhiếp ảnh để lập nghiệp

Cô gái dân tộc Thị Tý chọn nhiếp ảnh để lập nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng gió Bình Phước với những vườn cao su bạt ngàn, Thị Tý - cô gái dân tộc S’ Tiêng - đã nỗ lực để trở thành một nhiếp ảnh gia độc lập tại TPHCM.

Nhà của Thị Tý (sinh năm 1996) nằm trong vùng xa xôi hẻo lánh của thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng (Bình Phước), cả làng chỉ có 1 lớp học mà số học sinh ít ỏi vẫn phải chia ca học sáng, chiều. Hàng ngày, cả giáo viên và học sinh phải đi quãng đường vài chục cây số để đến lớp.

Những ngày thơ ấu được cắp sách tới trường cũng là những ngày gian khổ nhất đối với cô bé Thị Tý, khi con đường đến trường là đường đất, ngày mưa trơn trượt, mùa khô thì bụi mịt mù khiến những chiếc áo đồng phục luôn nhuốm bụi, bùn đất. Đến cấp 2, Thị Tý phải xa nhà để lên xã học. Nhưng bao khó khăn vất vả ấy cũng không làm nhụt chí cô bé dân tộc can đảm và nghị lực.

Thị Tý kể lại, khi còn đi học, không biết bao lần cô buồn tủi vì hay bị bạn bè trêu đùa, kỳ thị. Học lên cao hơn một chút, cô lại phải chịu áp lực từ hàng xóm nơi bản làng khi họ bàn ra tán vào rằng "Sao con bé này học nhiều thế, chưa lấy chồng à?". Ở tuổi của cô, những cô gái trong bản đều đã đi lấy chồng, sinh con, bỏ dở việc học hành. Sự "khác người" của Thị Tý khiến cô không ít lần hoang mang, song cũng là động lực để cô cố gắng học tập, tìm cho mình một lối đi riêng.

9X người dân tộc S’ Tiêng vượt định kiến để tìm lối đi riêng - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng gió Bình Phước với những vườn cao su bạt ngàn, Thị Tý - cô gái dân tộc S’ Tiêng - đã nỗ lực để trở thành một nhiếp ảnh gia độc lập tại TPHCM.

"Mãi đến hôm nay, khi đã 25 tuổi, nhìn lại một quãng đường không dài mà cũng không ngắn, tôi đã và đang mỗi ngày một bước đến gần hơn với niềm đam mê nhiếp ảnh. Đây là nghề nghiệp mà dường như khi tốt nghiệp và cả khi bắt đầu chọn ngành học, tôi cũng chẳng mảy may nghĩ đến vì nó quá xa lạ", Thị Tý chia sẻ.

Năm học lớp 8, với năng khiếu thể thao, Thị Tý được tuyển vào đội cầu mây và theo đội tuyển vào TPHCM để tập luyện. Trong thời gian này, cô tiếp tục học Trung học phổ thông tại trường Ernst Thalmann. Thị Tý tâm sự, ngày ấy gia đình chỉ nghĩ cô sẽ học về thể thao, sư phạm, kế toán hay một ngành nghề nào đó được cho là ổn định. Đứng giữa những trăn trở của đam mê hay nghe theo gia đình, khi ấy cô đã đặt ra một câu hỏi cho bản thân: "Mình muốn gì và trở thành ai?".

Năm học lớp 12, Thị Tý rời đội tuyển cầu mây và cũng là năm cô tốt nghiệp trường THPT Ernst Thalmann. Cô quyết định theo đuổi ngành học Thiết kế đồ họa tại trường FPT Polytechnic. Trong quá trình học tập, cô nhận ra niềm đam mê thiết tha của mình với nhiếp ảnh. Cho đến nay, Thị Tý đã có hơn 2 năm theo đuổi lĩnh vực nhiếp ảnh thời trang và chân dung.

"Dù ở độ tuổi nào thì bất kỳ ai cũng có thể đưa ra một quyết định sáng suốt hoặc không. Tôi lo lắng, trăn trở nhiều hơn khi những ngày đầu học nhiếp ảnh mà không kiếm ra tiền. Tôi từng nghi hoặc bản thân đã lựa chọn sai và có lúc cảm thấy niềm tin vào tương lai trở nên lung lay như như đôi tay dưới nhiệt độ âm của thời tiết. Nhưng bạn biết đấy, khi đã đứng trước sự lựa chọn, dù là A hay B, dù kết quả là gì thì cũng chỉ có chính bản thân mình mới có thể cứu vãn tình hình. Vì vậy, dù có nghi ngờ thì tôi cũng không từ bỏ. Tôi chọn cách học tập, tìm hiểu mỗi ngày, chấp nhận thay đổi và cố gắng bước ra khỏi chính sự nghi ngờ đó. Cho đến giờ, điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất là mình đã có thể vượt qua những khó khăn để tiếp tục với đam mê. Mặc dù chưa phải là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, có thành tựu nhưng tôi đã vượt qua được chính mình - đó là "giải thưởng" danh giá nhất mà tôi nhận được".

Bằng khát khao và đam mê dấn thân, cô gái trẻ người dân tộc S’ Tiêng đã trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, nhất là những cô gái dân tộc thiểu số đang muốn vươn lên để khẳng định bản thân. Thị Tý tâm sự: "Dù chưa thể trả lời rằng mình là ai ở ngoài kia nhưng tôi đã tìm được đáp án cho câu hỏi "mình muốn gì?" và tôi sẽ cố gắng hơn nữa. Có thể tôi đã không trở thành một ai đó như gia đình đã mong đợi nhưng tôi đã chọn cách lắng nghe và tôn trọng quyết định của bản thân".

Hoàng DuyThị Tý là 1 trong số 55 tác giả hưởng ứng chiến dịch #KeepingGirlsinthePicture - "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái" trong khuôn khổ dự án "Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn", thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Dự án do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Ủy ban Dân tộc triển khai, với sự hỗ trợ của tập đoàn CJ của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận...

Chiến dịch khuyến khích những câu chuyện đời thực từ cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của chúng ta, nhất là với trẻ em gái. UNESCO sẽ là cầu nối mang những câu chuyện đó đến những trẻ em gái và trẻ em trai dân tộc thiểu số, những bậc phụ huynh và cộng đồng trong địa bàn dự án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.