Ấm tình cha nuôi biên phòng

Khánh Linh
16/04/2022 - 08:51
Ấm tình cha nuôi biên phòng

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phó Bảng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, hướng dẫn các con nuôi học bài

3 chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu và Vàng Thị Chở, ở thôn Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang), mồ côi cha từ năm 2014. Người mẹ qua biên giới làm thuê rồi lập gia đình riêng, để 3 con côi cút nơi miền núi đá.
Chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ

Từ ngày được Bộ đội biên phòng đồn Phó Bảng (huyện Đồng Văn) nhận về nuôi dưỡng, 3 chị em Chá đã có mái ấm thứ hai, được chăm sóc, dạy dỗ bởi tình thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh.

Ngày cuối tuần, 3 chị em Vàng Thị Chá dậy sớm như thói quen, xuống bếp xem các chú bộ đội nấu ăn. 3 chị em ríu rít nói cười khi được hướng dẫn cách nhặt rau, cách phân biệt các loại rau ăn hằng ngày. 

Nhìn các con gái nuôi vui vẻ làm việc trong bếp, thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phó Bảng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, nhớ lại: "Đầu năm 2016, trong quá trình rà soát địa bàn, chúng tôi thấy hoàn cảnh của 3 cháu: Vàng Thị Chá (SN 2004), Vàng Thị Sáu (SN 2007), Vàng Thị Chở (SN 2009) ở thôn Sả Phìn A, xã Sả Phìn, huyện Đồng Văn, rất đáng thương. Do mâu thuẫn gia đình, mẹ các cháu bỏ nhà đi, để lại 3 cô con gái nhỏ cho chồng nuôi. Nhưng không may sau đó, người chồng ấy mắc bệnh hiểm nghèo, đã không qua khỏi. 3 chị em Chá sớm mồ côi cha, phải về sống với bác ruột. Gia đình người bác ruột lại thuộc diện hộ nghèo và đang nuôi 2 con nhỏ cùng 1 người mẹ già đau yếu, cuộc sống cả nhà đều cơ cực. Đảng uỷ Đồn Biên phòng Phó Bảng đã họp bàn tìm cách giúp đỡ 3 cháu bé này. Nhiều biện pháp được đưa ra nhưng cuối cùng Đồn đã thống nhất nhận 3 cháu làm con nuôi và đưa về Đồn chăm sóc".

Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng cùng chính quyền địa phương đến nhà ông Chơ, bác ruột của 3 cháu, bày tỏ mong muốn. Lúc đầu, ông Chơ không đồng ý vì lo ngại cho 3 cháu lên Đồn ở sẽ mất luôn cháu. Cán bộ Đồn phải nhiều lần thuyết phục, cam kết trả các cháu về với gia đình khi các cháu đủ 18 tuổi, gia đình mới thuận lòng.

Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, ngày 26/3/2016, đơn vị đã đón 3 cháu về Đồn nuôi dưỡng. Việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt thường ngày cho 3 chị em là trách nhiệm chung của tất cả cán bộ trong đơn vị. Đảng uỷ, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Phó Bảng giao cho Đội vận động quần chúng là nòng cốt trong việc chăm lo, dạy bảo 3 cháu. Hằng tháng, mỗi cán bộ đơn vị tự nguyện đóng góp 40.000 đồng, chiến sỹ 10.000 đồng để mua đồ dùng học tập, sinh hoạt và sử dụng vào lúc các cháu ốm đau. Ngoài ra, đơn vị còn lập 1 sổ tiết kiệm để làm vốn khi các cháu trưởng thành.

Ấm tình cha nuôi biên phòng - Ảnh 1.

Bộ đội Đồn Biên phòng Phó Bảng hướng dẫn các con nuôi cách gấp chăn, màn

Kêu gọi sự hỗ trợ của "mẹ nuôi"

Thiếu úy Vàng Mí Sùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, tâm sự: "Hồi đầu khi đưa các cháu về Đồn nuôi dưỡng, có rất nhiều khó khăn như: Các cháu còn nhỏ, nhận thức hạn chế, cháu Chở tuy là chị lớn nhưng chưa nói được tiếng phổ thông nhiều. Đặc biệt, các cháu là con gái, đơn vị lại chỉ có đàn ông, nên việc chỉ bảo các cháu trong nếp ăn, nếp ở có nhiều bất tiện. Đơn vị phải nhờ các chị em là vợ của cán bộ ở gần đơn vị đến động viên, tâm sự, hướng dẫn các cháu trong sinh hoạt. Các cháu sinh hoạt tập trung cùng cán bộ, chiến sỹ nên đồ ăn, thức uống đảm bảo, không phải đi làm nương, cắt cỏ như ở nhà trước đây. Các cháu được tạo điều kiện học hành. Các buổi tối đều có cán bộ kèm cặp các cháu học tập".

Thời gian đầu, cán bộ trong đơn vị phân công nhau đưa các cháu đi học và đón về. Khi đã quen, các cháu đã tự đi học cùng các bạn. Vượt qua những khó khăn, rụt rè ban đầu, các cháu đã làm quen với nề nếp, chế độ sinh hoạt của đơn vị. Ba chị em Vàng Thị Chá đã tự chủ động được trong nếp sinh hoạt hằng ngày cùng đơn vị.

Bà Sùng Thị Máy, ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, là bác của 3 chị em Vàng Thị Chá. Bà Sùng Thị Máy cho biết: "Tôi bây giờ tuổi đã cao. Thấy các cháu ở trên đồn cuộc sống không vất vả thì tôi mừng lắm. Tôi mong các chú bộ đội thương lấy các cháu, động viên các cháu cố gắng học hành, sau này có việc làm".

Từ ngày trở thành con nuôi đồn Biên phòng, 3 chị em Vàng Thị Chá đã có mái ấm thứ hai, được chăm sóc, dạy dỗ bởi tình yêu thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh. Những ngày đầu, các em còn bỡ ngỡ, chuyện chăm lo sinh hoạt, học tập, vui chơi cho các con nuôi khiến các bố nuôi biên phòng phải quan tâm nhiều hơn.

Món quà lớn với các cha nuôi

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phó Bảng, vui vẻ nói: "Ngày ngày, các bố nuôi Biên phòng đưa đón các con đến lớp, rồi mỗi tối lại cần mẫn dạy các con học bài. Vàng Thị Chở nhỏ tuổi nhất và cũng nhút nhát nhất. Ban đầu, học lực các con đều yếu và không dám chơi với các bạn cùng trang lứa. Mỗi lần đưa đón Chở đến trường, các bố nuôi phải tranh thủ gặp giáo viên để nắm tình hình học tập, trao đổi phương pháp kèm cặp, giúp con tiến bộ. Qua thời gian, Chở đã tiếp thu bài tốt hơn, mạnh dạn phát biểu, đạt học sinh Khá của lớp".

Với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng, sự tiến bộ của các con nuôi chính là niềm vui vô bờ bến. Sau hơn 3 năm ở đơn vị, thành tích học tập của các em đã có sự tiến bộ, được nhận nhiều giấy khen của nhà trường và phòng giáo dục. Cô chị cả Vàng Thị Chá từ một học sinh trung bình khá đã phấn đấu vươn lên thành học sinh giỏi. Năm học 2019-2020, em còn đại diện cho trường Phổ thông dân tộc nội trú Phó Bảng đi thi học sinh giỏi Văn cấp huyện và cấp tỉnh. Kết quả đó chính là món quà lớn với các cha nuôi khi được chứng kiến ước mơ làm cô giáo dạy Văn của con nuôi dần được hiện thực hóa.

Để các con nuôi nhanh chóng hòa nhập, đơn vị thường xuyên cắt cử cán bộ hằng ngày hướng dẫn, tạo thói quen sinh hoạt trong môi trường quân đội, từ cách thức gấp chăn, màn vuông vắn đến tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà.

Thiếu úy Vàng Mí Sùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, chia sẻ: "Việc quan tâm, chăm sóc cho các con hàng ngày không đơn giản vì các con đều là con gái. Hơn nữa, các con đang ở độ tuổi tâm sinh lí thay đổi. Do vậy, chúng tôi luôn tế nhị cân nhắc trong việc dạy bảo phù hợp với lứa tuổi của các con, thường xuyên trao đổi với cô giáo, thậm chí nhờ các cô lên đơn vị để hướng dẫn cho các con cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh lý nữ. Các con đã dần ý thức được, có quyết tâm vươn lên trong học tập và xác định cho tương lai sau này của mình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm