An cư kiết hạ - mùa gieo trồng căn lành Phật pháp

Ni sư Quan Âm tu viện quận Phú Nhuận (TPHCM) tác pháp An cư kiết hạ Phật lịch 2565 (2021) ngày 25/5 (14/4 âm lịch), thời điểm dịch Covid chưa bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố. Ảnh: giacngo.vn

Ni sư Quan Âm tu viện quận Phú Nhuận (TPHCM) tác pháp An cư kiết hạ Phật lịch 2565 (2021) ngày 25/5 (14/4 âm lịch), thời điểm dịch Covid chưa bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố. Ảnh: giacngo.vn

An cư kiết hạ là một hình thức sinh hoạt đặc thù của những người con Phật vốn có từ thời Đức Phật còn tại thế, được ghi trong giới luật của nhà Phật.

Tuân thủ lời dạy của Đức Phật, Phật giáo Việt Nam trong 2000 năm tồn tại, phát triển chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác như Đạo giáo, Nho giáo và chịu ảnh hưởng của các yếu tố hiện đại hóa, nhưng những nghi lễ truyền thống của Phật giáo từ thời Đức Phật vẫn giữ được tính nguyên bản, trong đó thực hành An cư kiết hạ luôn quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi chư tăng, ni và tăng đoàn.

Có một số cách giải thích về thuật ngữ An cư như sau: Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma sớ giải thích An cư nghĩa là "thu nhiếp thân tâm yên tính là an, thời kỳ phải ở lại là cư", còn theo Luật tư trì ký định nghĩa: "Lập tâm một chỗ gọi là kiết" hay "An kỳ tâm, cư kỳ hạn định". Như vậy, An cư có nghĩa là thân ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập cho tâm được an lạc, thanh tịnh.

Chế định An cư do Đức Phật lập ra nhằm mục đích tạo cơ hội tốt để chư tăng, ni có thời gian tập trung vào sự tu tập, trau dồi Giới - Định - Tuệ, thêm tinh tấn trên đường tu tập, giải thoát. An cư kiết hạ là nền tảng căn bản cho người tu tập hướng tới sự giác ngộ của mỗi cá nhân, bảo hộ sức sống của tăng đoàn và ý nghĩa sâu sa hơn chính là sự tồn tại của chính pháp. Vì vậy, việc thiết lập An cư không chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích cho cá nhân mỗi chư tăng, ni mà còn làm tăng thêm tinh thần hòa hợp và niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng.

Đức Phật quy định có hai thời điểm của mùa An cư đó là Tiền An cư và Hậu An cư: "Tiền An cư thì nên nhằm vào ngày kế của ngày trăng tròn, còn Hậu An cư thì nên vào khi ngày trăng tròn đã trôi qua một tháng". Ở Việt Nam, theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông, thực hiện Tiền An cư bắt đầu sau lễ Phật đản từ 16/4 (ngày trăng tròn) và kết thúc vào 16/7 hàng năm và chỉ khi nào do duyên sự không thực hiện được thì phải dời việc An cư lại sau ngày trăng tròn gọi là Hậu An cư, bắt đầu vào 17/4 đến 17/5 và kết thúc Hậu An cư sau khi đủ 3 tháng tu tập như Tiền An cư. Còn theo truyền thống của Phật giáo Nam Tông, Tiền An cư được thực hiện từ 16/6 đến 16/9 và Hậu An cư từ 16/7 đến 16/10 hàng năm (những ngày trên được tính theo âm lịch).

An cư kết hạ-mùa gieo trồng căn lành Phật pháp - Ảnh 1.

Thực hành An cư kiết hạ luôn quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi chư tăng, ni và tăng đoàn

Quy định về thời điểm An cư ở các truyền thống Phật giáo khác nhau như trên cho thấy tính linh hoạt, "tùy duyên" của Phật giáo. Mặc dù thời điểm thực hiện Tiền hoặc Hậu An cư có sự khác nhau giữa các truyền thống Phật giáo, nhưng nội dung, ý nghĩa và mục đích An cư là giống nhau đều hướng đến việc "thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức".

Một năm có 12 tháng, trừ 3 tháng An cư kiết hạ, còn lại 9 tháng tăng, ni thực hiện dấn thân, đem đạo vào đời theo tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian pháp", dẫn đến thể lực và nội lực vơi dần, năng lực tâm linh suy giảm cho nên 3 tháng An cư kiết hạ chính là thời gian cần thiết để tăng, ni tu tập, thiền định, thỉnh những vị cao tăng có kinh nghiệm trên con đường tu tập dạy bảo, học tập lẫn nhau, ôn tầm lời Phật dạy, phục hội nội lực và năng lực tâm linh.

Trong 3 tháng An cư kiết hạ, chư tăng, ni dành trọn thời gian tập trung vào một trường hạ hoặc một tự viện, tịnh xá để chuyên tâm cho việc đạo và tu học theo đúng chính pháp, chuyên tâm vào công phu thiền định nhằm phát huy đạo lực tu tập, trưởng dưỡng lòng từ bi, duy trì và phát triển sự hòa hợp của tăng đoàn. Sau mỗi mùa An cư là lễ Tự tứ, chư tăng, ni lại tăng trưởng thêm một tuổi đạo, tuổi đạo cũng là để phân biệt thứ bậc lớn nhỏ trong đạo, để giữ truyền thống uy nghiêm, trật tự và bình đẳng trong sinh hoạt của tăng đoàn. Nếu chư tăng, ni nào không thực hiện việc An cư kiết hạ hoặc thực hiện không đúng theo quy định thì sẽ không được tính thêm tuổi đạo.

An cư kết hạ-mùa gieo trồng căn lành Phật pháp - Ảnh 2.

Hoạt động An cư đã có từ thời Đức Phật để tạo điều kiện cho hàng đệ tử gieo trồng căn lành với Phật pháp

Hoạt động An cư đã có từ thời Đức Phật để tạo điều kiện cho hàng đệ tử gieo trồng căn lành với Phật pháp, noi theo đường hướng của Đức Phật trên tinh thần "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh", việc thực hành An cư kiết hạ hàng năm luôn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm và ra thông bạch không chỉ hướng dẫn việc tổ chức, nhằm giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội mà còn hướng dẫn nội dung sinh hoạt trong 3 tháng An cư đó là thực hiện các thời khóa tụng niệm, tọa thiền; trích giảng những vấn đề trong Kinh, Luật; thực hiện bồi dưỡng trụ trì, công tác hành chính đạo, tổ chức tu chỉnh Hiến chương; phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới…

Những nội dung sinh hoạt trong thời gian An cư của chư tăng, ni hiện nay vẫn thể hiện tinh thần "thúc liễm trau dồi giới đức" trong đó bổ sung thêm các nội dung mới phù hợp với bối cảnh thời đại đúng tinh thần "khế lý, khế thời" của Phật giáo nhằm xây dựng tăng đoàn thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện phương châm hành đạo "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".

Năm nay, mùa An cư kiết hạ diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì vậy, việc tổ chức An cư kiết hạ không thể diễn ra như thông lệ mà tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương để tổ chức mùa An cư kiết hạ phù hợp cho chư tăng, ni. Ví như ở TPHCM - một điểm nóng về Covid-19, Ban Trị sự các quận, huyện đăng ký tổ chức An cư kiết hạ được tập trung với số lượng không quá 20 tăng, ni và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi thực hiện An cư kiết hạ.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng An cư kiết hạ là một sinh hoạt đặc thù vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng truyền thống Phật giáo, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các yêu cầu trong phòng chống dịch Covid - 19 của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương để có được mùa An cư kiết hạ không chỉ đạt thành tựu trong tu học, tăng trưởng trí tuệ và sự đoàn kết trong tăng đoàn, mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe của mỗi chư tăng, ni trong đại dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.