Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động, mô hình hay có hiệu quả cao được các cấp Hội lan tỏa đã góp phần giúp cho đời sống của bà con các dân tộc ngày càng phát triển.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp sức cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động, mô hình hay có hiệu quả cao được các cấp Hội lan tỏa đã góp phần giúp cho đời sống của bà con các dân tộc ngày càng phát triển.

Mô hình hay giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) có khoảng hơn 2.200 hộ/hơn 9.400 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 16 xã - thị trấn, chiếm tỷ lệ 5,79% dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Chơro với 1.226 hộ/5.141 khẩu. Hội viên dân tộc thiểu số là 1.120 người, chiếm tỷ lệ 0,31% tổng số hội viên trên toàn huyện.

Từ thực tế đó, các cấp Hội đã cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, hướng cho chị em chăm lo phát triển kinh tế gắn với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ về mục tiêu, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc. Các mô hình, tổ hợp tác như tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, tổ hợp tác nuôi dê sinh sản, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…  được nhân rộng để giúp chị em phát triển kinh tế.

Được thành lập cách đây 2 năm với 6 thành viên, tổ hợp tác nuôi bò tại thôn Tân Châu (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đã ngày càng phát huy được hiệu quả, giúp đời sống của các thành viên là chị em phụ nữ dân tộc Chơro ngày càng tốt hơn. Chị Đào Thị Long (43 tuổi) cho biết, từ nguồn vốn vay, chị đã sử dụng để mua con giống nuôi bò sinh sản. Hiện nay, chị đang có 2 con bò mẹ sinh sản và 4 con bò tơ. Tuy việc nuôi bò còn gặp nhiều khó khăn do giá thành giảm, bị bệnh nhưng tổ hợp tác thật sự đã góp phần giúp cho kinh tế gia đình, đời sống của chị cùng các thành viên trong tổ ngày càng phát triển.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều mô hình, hoạt động hay giúp phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế. 

Theo Hội LHPN huyện Châu Đức, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở thường xuyên tập trung quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động các cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc tích cực học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia các phong trào thi đua của Hội và các cuộc vận động ở địa phương. Đặc biệt là chú trọng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các hình thức sinh hoạt như văn hoá văn nghệ, hội thi, hội thao... do các cấp Hội tổ chức đã thu hút đông đảo phụ nữ các dân tộc tham gia.

Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu: Tùy vào điều kiện thực tế của từng nơi mà Hội triển khai các hoạt động, mô hình phù hợp. Việc phát triển các mô hình kinh tế còn tạo động lực cho các chị em tham gia vào tổ chức Hội; giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế một cách bền vững.

Các chị em phụ nữ dân tộc có chí làm ăn thì làm rất tốt. Khi thành lập các mô hình, tổ hợp tác thì Hội đều tiến hành rà soát, tập huấn, giới thiệu vay vốn ngân hàng… để mô hình đạt hiệu quả cao nhất. Có nhiều chị em đồng bào dân tộc cũng làm công tác xã hội rất tốt, nhiều gương rất đáng khâm phục.

Giúp phụ nữ dân tộc mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống

Tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ cùng với chính quyền địa phương cũng đã thực hiện nhiều hoạt động, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Các xã, phường thường xuyên rà soát, nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện, nhu cầu của từng hộ dân tộc thiểu số để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến rõ rệt, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Minh (62 tuổi, ngụ phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian qua, bản thân bà luôn được chính quyền địa phương, Hội phụ nữ các cấp quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Từ các kiến thức có được từ các chương trình tập huấn, cũng như nguồn vốn vay đã giúp cho bà thực hiện trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế. "Việc trồng rau sạch không chỉ phục vụ cho bữa ăn hằng ngày cho gia đình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà từ đó, tôi còn có thể bán để giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống", bà Minh cho hay.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng phát triển.

Trong khi đó, tại huyện Xuyên Mộc, Hội LHPN các cấp cũng rất chú trọng đến việc thu hút, tập hợp phụ nữ dân tộc thiểu số; thành lập các tổ phụ nữ chuyên biệt, gắn với đặc thù của địa phương. Nếu như trước đây, đa phần chị em người dân tộc trên địa bàn chỉ ở nhà làm nội trợ và lên rẫy; thì khi chị em được vận động tham gia vào các tổ phụ nữ dân tộc, các mô hình đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được trang bị để chăm sóc bản thân, gia đình, nuôi dạy con, phát triển kinh tế. Trong quá trình tham gia các hoạt động, đã xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ dân tộc tiêu biểu trong các lĩnh vực. Từ đó, không chỉ giúp cho kinh tế gia đình ngày càng tốt hơn mà còn giúp các phụ  nữ dân tộc ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống, xã hội.

Có thể thấy rằng, cùng với cấp chính quyền, các hoạt động, mô hình mà các cấp Hội LHPN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai trong thời gian qua đã góp phần giúp cho đời sống kinh tế và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chị em phụ nữ được cải thiện và không ngừng phát triển. Các giải pháp hỗ trợ giành cho người đồng bào như hỗ trợ về vốn, cây con giống, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ… đều được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ nâng cao đời sống của người dân, đồng bào dân tộc mà còn góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng hơn 25.700 người dân tộc thiểu số, với 38 thành phần dân tộc như: Hoa, Chơro, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Chăm, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Stiêng, Ê đê, Ba Na... Đồng bào dân tộc đa số di cư từ các vùng khác nhau đến định cư, sinh sống xen kẽ với cộng đồng người kinh và tập chung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu.
Minh Châu (thực hiện)