Bài 2: Nữ chủ của nhóm Mẫu Hoàng Thiên với ký ức 10 năm "ngây dại"

12/07/2022 15:30

Trong nhiều năm qua, dù ngày rằm, mùng một, ngày có khóa lễ lớn hay ngày bình thường, tại đền Mẫu Hoàng Thiên ở thôn Phù Niệm 3 (xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) thường có rất đông người lui tới. Tại đây, bà Hoàng Tố Hường- trong vai trò “nữ chủ”- thường cho rằng mình là người “được truyền lời Mẫu” để thực hiện công việc rao giảng, hỗ trợ tâm linh, cầu khấn giúp mọi người...

Từng bị đuổi bắt, trói lại lôi về

Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh ở hiện tại, người ta sẽ thấy bà Hường thường xuất hiện với dáng người cao gầy, khỏe mạnh, phong thái chậm rãi, ung dung. Khi tiếp xúc với mọi người, đôi mắt bà sáng, đầy tin cậy, giọng nói truyền cảm... Những hình ảnh này khác hẳn với bà trong quá khứ.

"Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn nghèo, gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Nhà tôi đông anh chị em (6 người). Tôi là con thứ 3. Vào năm 28 tuổi, tôi lấy chồng. Gia đình nhà chồng cũng không khá giả gì. Một năm sau kết hôn, tôi mang bầu. Đây cũng là lúc đời sống kinh tế khó khăn, thân thể tôi lại ốm liên miên và cũng là thời điểm nhà chồng nói tôi "bị điên". Tôi không nhận thức được điều đó, cũng không suy nghĩ gì nhưng càng ngày, đời sống càng lục đục, hôn nhân trắc trở. Khi tôi sinh con gái mới được 12 ngày tuổi thì quan hệ vợ chồng đứt đoạn. Bản thân tôi bắt đầu phải đi chữa trị, nằm viện dài ngày. Con gái phải đến ở nhà ông bà ngoại, xa cha, thèm sữa mẹ... Nhìn cuộc sống khi ấy của tôi thật buồn hận, vô vọng...

Ngày con khoảng 2 tuổi, những đợt điều trị bệnh, ở viện dài ngày của tôi thưa dần, tôi về ở cùng bố mẹ đẻ. Nhưng, việc trở về, không phải do tôi khỏi bệnh, mà mọi thứ xảy ra với bản thân... ngày càng tồi tệ hơn. Trong khoảng 10 năm đó tôi trải qua những đợt ốm đau liên miên, nhiều lần thập tử nhất sinh, có đến bệnh viện cũng không tìm ra bệnh. Có những thời điểm bản thân có những hành vi kỳ quặc như hay đi lang thang, chạy, hát... rồi bị người ta đuổi bắt, trói lại lôi về; đó là những lúc chân yếu tới mức bị liệt không thể đi lại được, chủ yếu phải nằm một chỗ; mắt thì bị mờ, nhìn không rõ… Trong những tháng ngày thần kinh lộn xộn ấy, cũng có lúc tôi thấy mình tỉnh táo. Khi ấy, một mình ngồi trên giường, đôi mắt mù lòa nhưng tôi vẫn không kìm được những cơn khóc nức nở, nước mắt như mưa.

Để giúp tôi khuây khỏa và cũng hy vọng có thêm kế sinh nhai, người thân trong nhà quyết định mở cho tôi một quán nhỏ để bán hàng tạp hóa. Người dân xung quanh biết tôi bệnh tật, "bị điên", mù mắt... nên cũng tốt bụng. Khi tìm đến quán, họ thấy cảnh tôi luôn nằm liệt trên cái giường nhỏ bên trong. Vì vậy, họ cần mua gì thì tự ý vào lấy đồ, tự chắt rượu, chắt mắm... rồi tự thả tiền lại với mức mà họ cho là tương xứng, không ai hỏi gì về giá cả, đắt rẻ... Ban đầu, việc bán hàng của tôi cũng có lãi, nhưng dần dần, bản thân tự cảm thấy hình như mình không làm việc thiện, không nên lấy lãi, không nên nợ ân nghĩa ai, cần rũ hết vật chất, bụi trần... Vì vậy, tôi quyết định đóng cửa quán, quay về nhà với nguồn sống chủ yếu dựa vào em gái làm giày da và đồng lương hưu của bố...

Bài 2: Nữ chủ của nhóm Mẫu Hoàng Thiên với ký ức 10 năm "ngây dại" - Ảnh 1.

Tỷ lệ "nữ chủ" chiếm khoảng 70% trong tổng số những người sáng lập/đứng đầu của các hiện tượng tôn giáo mới (Ảnh minh họa)

Một đêm kia, trong tôi bỗng có "mộng hồng". Tôi ngủ và mơ nhìn thấy Phật Mẫu hiện về đứng trên mái nhà, báo cho tôi là nếu xây đền thờ Mẫu, Mẫu sẽ độ cho… Trong giấc ngủ, tôi cũng mơ gặp được những lời dạy học lễ, học văn, học cúng, học hát, học chữa bệnh, dạy ăn mặc gọn gàng đói cho sạch, rách không thơm, dạy cách sống thanh tịnh trong 49 ngày chỉ ăn cơm muối trắng, uống nước mưa...

Ban đầu, có thể do hoàn cảnh chưa phù hợp, hoặc tôi kể lại giấc mơ mà không có người tin... nên có chút chần chừ. Sau đó, tôi lại bị "trời hành", phải thức thâu suốt 9 ngày đêm không ngủ. Tôi bị kiệt sức mệt, lúc này mạng sống lại rơi vào cảnh thập tử nhất sinh một lần nữa...".

Từ cõi chết trở về...

Với tình trạng bà Hường bị kiệt sức nặng, gia đình cũng lo đứng ra chạy chữa từ tây y, đông y tại các bệnh viện đến con đường cúng bái. Bà bảo, người nhà đã cậy nhờ đến 23 hay 24 thầy cúng giúp đỡ, cũng lên chùa bốc chân nhang về thờ... nhưng mọi cố gắng vẫn không hiệu quả. Bà vẫn có những dấu hiệu của các cơn điên, tâm thần...

Lúc này bố, mẹ cùng anh chị em trong gia đình quyết định giúp bà "nghe lời Mẫu". Họ xây, lập cho bà một ngôi đền ở trong khuôn viên của gia đình. Ngày hoàn thiện, bà đặt tên đền là "Đền thờ Mẫu Hoàng Thiên" và kể từ đó thì chính thức đi vào con đường tâm linh, tu tập....

Cũng kể từ đó, "10 năm ngây dại" của bà đã kết thúc. Bà bảo bản thân như được tái sinh, tay chân đang tê liệt bỗng tập được các động tác thể dục nhẹ nhàng. "Đôi mắt tôi dần nhìn rõ hơn, trong người thoải mái, ăn nói nhẹ nhàng, tinh thần sáng suốt, cảm thấy mình thông minh trí tuệ về tâm linh và là người ‘được chọn’, ‘được nhận truyền lời Mẫu...’".

Bài 2: Nữ chủ của nhóm Mẫu Hoàng Thiên với ký ức 10 năm "ngây dại" - Ảnh 2.

Một số dòng "tâm thư" của nữ chủ Đền Mẫu Hoàng Thiên chia sẻ về những ngày xưa cũ...

Để thực hiện "sứ mệnh" và cũng là để cảm tạ ơn, trong những năm qua, bà Hường thấy mình phải có trách nhiệm "cứu độ" giúp cho mọi người. Tại ngôi Đền của mình, bà hay tổ chức các khóa lễ theo một cách riêng: đồ lễ (chủ yếu là hương, hoa), không dùng vàng mã, giảm giấy sớ, dâng lễ. Bà hướng dẫn mọi người học, đọc kinh thờ Mẫu (không phải kinh riêng của nhà Đền mà do đệ tử lấy từ một số chùa về) và khi mọi người nhờ, bà sẽ làm lễ khấn, cầu xin Mẫu độ giúp cho họ điều gì đó…

Có những buổi lễ, số "đệ tử" tìm đến tin/theo nhà đền đông nhất là khoảng 170-180 người, trong đó chủ yếu là người dân ngay tại địa phương, số ít còn lại là từ các địa bàn lân cận... Ngoài ra, nhóm của bà cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hành lễ kết hợp với đi tham quan đền, chùa, di tích...

Giờ đây ngoảnh lại, có lẽ đã 20 năm trôi qua, bà Hường bảo nếu như trước đó đi đâu cũng bị người đời xa lánh, hắt hủi gọi là "điên", giờ đây họ lại "kính nể" mình. Khi họ gặp khó khăn, khốn khổ trong cuộc sống, đặc biệt là về hôn nhân, gia đình... mà không biết làm thế nào thì họ lại tìm đến nhờ mình giúp họ...; cứ như vậy thì hãy tạm coi mọi thứ là thuộc về số phận...

Qua nắm bắt mới đây của Hội Phụ nữ tại khu vực miền Bắc, trong tổng số 51 hiện tượng tôn giáo mới đang hoạt động thì có tới gần 70% có người sáng lập/trưởng nhóm là phụ nữ.

Phổ biến tại Hà Nội có Long Hoa Di Lặc/còn có các tên gọi khác là Long Hoa Chính Pháp, Long Hoa Tam Muội, Long Hoa Tam Hội, Hội Phật Tiên Long Hoa Di Lặc (của bà Đào Thị Minh, Sóc Sơn); Hoàng Thiên Long của (bà Nguyễn Thị Điền, Ứng Hòa), Tín ngưỡng đạo gia phong dân tộc Lạc Việt/tên gọi khác là Lương Giáo Hội Lạc Hồng (của bà Lê Thị Bình, Ứng Hòa)...;

Tại Hải Phòng: Nhóm Tâm linh Hồ Chí Minh (của bà Hoàng Thị Mai, An Lão); Đạo Nhân Nghĩa Ân Nghĩa (tên gọi khác Đạo Ơn Nghĩa và Nhân Nghĩa (bà Nguyễn Thị Lương, An Lão); đạo Đức bà Phật Quan Thế Âm Bồ Tát (bà Đỗ Thị Thúy, Kiến An); Đạo Trời Thái bình (bà Đặng Thị Xèng, Thủy Nguyên); Đạo Mẫu Ngọc Phật (bà Phạm Thị Sâm, huyện Vĩnh Bảo);

Tại Hải Dương: Đạo Mẹ Hiền (của bà Lê Phùng Trí Dũng, Chí Linh); Đạo Thần tiên Việt Nam (bà Trần Thị Hạnh, huyện Gia Lộc); Hội Phật Trời Vua cha Hoàng (bà Vũ Thị Mùi, huyện Thanh Hà); Đạo Thiên nhiên (bà Vũ Thị Vẻ, Thị trấn Thanh Miện); Nhóm Đạo Trời nước Việt Nam - Đạo Tâm linh đặc biệt (bà Phạm Thị Xuyến, Chí Linh)...

Bài 3: "Nữ chủ" của hiện tượng tôn giáo mới và những điểm chung

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.