Bài 3: “Nữ chủ” của hiện tượng tôn giáo mới và những điểm chung

13/07/2022 15:30

Theo các nhà quản lý và nghiên cứu tôn giáo, ở nước ta chỉ có một số ít các hiện tượng tôn giáo mới do nam giới lập ra. Còn lại, hầu hết các hiện tượng đều do phụ nữ trong vai trò nữ chủ (người sáng lập) hoặc làm trưởng nhóm và bản thân họ hoặc nhóm của họ có khá nhiều đặc điểm trùng lặp nhau...

Tôn giáo mới do nam giới lập ra gồm Nhất Quán đạo (của ông Vương Giác Nhất), Canh Tân Đặc Sủng (của ông Võ Quốc Khánh), Pháp lý Vô vi khoa học huyền bí (ông Đỗ Thuần Hậu), Vô vi khoa học huyền bí Phật pháp (ông Lương Sĩ Bằng), Trường ngoại cảm Tố Dương (ông Trịnh Thái Bình)...

Đa phần là phụ nữ trung niên, cao niên và học vấn thấp:

Bà Đào Thị Minh (sáng lập nhóm Long Hoa Di Lặc, Hà Nội) sinh năm 1927; bà Nguyễn Thị Lương (Nhân Nghĩa Ân Nghĩa, Hải Phòng) sinh năm 1942; bà Nguyễn Thị The (Hội Phật Mẫu, Hải Dương) sinh năm 1945; bà Phạm Thị Xuyến (Đạo Trời nước Việt Nam – Đạo Tâm linh đặc biệt, Hải Dương) sinh năm 1948; bà Nguyễn Thị Điền (Hoàng Thiên Long, Hà Nội) sinh năm 1960…

Họ đều là những phụ nữ có tuổi, đã sống qua thời kỳ kinh tế bao cấp, chứng kiến thời kỳ biến động của đổi mới, của nền kinh tế thị trường hiện nay; hầu hết có trình độ học vấn chỉ từ từ lớp 2/10 đến 7/10, thậm chí không biết chữ; về nghề nghiệp, đa phần là công nhân, nông dân và buôn bán nhỏ, số lượng là cán bộ, giáo viên không nhiều…

Bài 3: “Nữ chủ” của hiện tượng tôn giáo mới và những điểm chung - Ảnh 2.

Nơi thờ tự của các hiện tượng tôn giáo mới đa số được đặt trong nhà riêng của người sáng lập hoặc được xây trong khuôn viên gia đình

Họ thường là những phụ nữ gặp vấn đề về sức khỏe (thể chất và tâm lý) hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, hôn nhân đổ vỡ:

Bà Nguyễn Thị Lương- người sáng lập Nhân Nghĩa Ân Nghĩa - đã bị bệnh chữa nhiều nơi không khỏi, năm 1991 bị chết lâm sàng.

Bà Nguyễn Thị Xuyến trước khi lập Đạo Trời nước Việt Nam - Đạo Tâm linh đặc biệt luôn bị đau đầu, ngất, thường mơ được bay lên Trời, thấy nhiều vị thần tiên.

Bà Nguyễn Thị Điền (Hà Nội) trước khi sáng lập Hoàng Thiên Long, bà bị bệnh nặng, bệnh viện từng trả về chuẩn bị lo hậu sự.

Bà Nguyễn Thị Nhung (Hải Dương) trưởng nhóm Hội uống nước nhớ nguồn - Tâm linh đất Việt từng bị chồng bạo hành nhiều năm, 02 lần kết hôn đều đổ vỡ, 03 lần bị mù, phải đi chạy chữa nhiều nơi không khỏi...

Họ thường tự cho mình có khả năng nói chuyện với các thánh, thần, tiên, Phật, vong linh các anh hùng dân tộc (nhân vật lịch sử và nhân vật huyền thoại)...; là người được cử xuống trần gian, hoặc giáng nhập để cứu vớt loài người:

Bà Nguyễn Thị The (Hội Phật Mẫu) tự cho mình là người đầu tiên được Mẫu Âu Cơ giao trọng trách tiếp đón và phục hóa chân linh các đời vua và người có công với đất nước về thờ cúng, giúp cho đất nước Việt Nam hùng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Điền (Hoàng Thiên Long) tự nhận có khả năng nhận được giáng linh trực tiếp từ Hồ Chí Minh, là thư ký của Bác, có thể nghe được tâm sự của các danh nhân, thánh thần Việt Nam.

Bà Đặng Thị Trinh hay còn gọi là bà Thanh Hải (Thanh Hải Vô Thượng Sư) tự xưng mình là Nữ vương, Sư phụ, Minh sư, Vô thượng sư, Đấng tái thế…

Ngoài ra, họ cũng thường là người có khả năng thuyết giảng trước đám đông, xuất khẩu thành thơ, nói năng lưu loát hấp dẫn người nghe. Họ cũng tự cho mình có khả năng chữa bệnh không cần dùng thuốc, cách thức chữa bệnh phổ biến là đọc kinh, cho người bệnh uống nước lã, nước đun sôi để nguội cúng trên bàn thờ hoặc sử dụng cách thức chữa bệnh dựa vào "phép lạ"…

Tổ chức hoạt động và thực hành nghi lễ của họ đa số khá đơn giản, lỏng lẻo:

Nhiều nhóm có xu hướng tách, nhập, thay đổi hình thức hoạt động, tên gọi và hầu hết chưa được thừa nhận tư cách pháp nhân hoạt động và việc nhận diện, quản lý rất khó khăn.

Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, nơi thờ tự của các hiện tượng tôn giáo mới thường nằm trong nhà riêng của người sáng lập hoặc trưởng nhóm theo dạng biến một phần ngôi nhà đang ở thành nơi thờ tự hoặc xây nơi thờ tự trong khuôn viên gia đình, có tên gọi riêng hoặc không… Nhiều nhóm đã và đang gửi văn bản, hồ sơ lên chính quyền đăng ký sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc thực hành nghi lễ, quy định của các nhóm có nhiều điểm chung:

Đồ lễ đơn giản, thường là đồ chay, hoa quả, bánh kẹo, nước đun sôi để nguội hoặc nước lã, không đốt vàng mã... (Nhân Nghĩa Ân Nghĩa, nhóm thờ cúng Hồ Chí Minh…).

Nhóm ảnh hưởng từ đạo Mẫu, Phật giáo thường thực hành nghi lễ vào những dịp trọng đại - giỗ Địa Mẫu, Phật đản, Phật Tổ đắc đạo…

Nhóm thờ cúng Hồ Chí Minh chọn những ngày lễ lớn của dân tộc: ngày sinh, mất của Bác Hồ, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh 2/9… Nhiều nhóm thường tổ chức hoạt động cúng, lễ kết hợp thăm quan di tích lịch sử, đền, chùa, danh lam thắng cảnh…

"Kinh sách" và "giáo lý" của các "nữ chủ" đều mang tính bình dân, lộn xộn, pha tạp. Hầu hết các nhóm không có giáo lý, giáo luật, tổ chức rõ ràng, chủ yếu "vay mượn" từ các tôn giáo, tín ngưỡng khác và được phân thành 3 nhóm:

- Nhóm kết hợp giữa kinh sách của một tôn giáo truyền thống với kinh sách do người sáng lập, trưởng nhóm sáng tác (Long Hoa Di Lặc sử dụng một phần kinh của Phật giáo).

- Nhóm có kinh sách thuần túy do người sáng lập, trưởng nhóm sáng tác (Nhân Nghĩa Ân Nghĩa, Đường lối Tâm linh Hồ Chí Minh…).

- Nhóm không viết ra thành kinh sách chỉ là những lời thuyết giáo của người sáng lập, trưởng nhóm (Đạo bà Cấm/Dương Thị Cấm)…

Gợi ý 5 dấu hiệu nhằm nhận biết các hiện tượng tôn giáo mới mang khuynh hướng nguy hại, cực đoan

Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng an ninh thường nhấn mạnh, gọi các hiện tượng tôn giáo mới là "tà đạo/tà giáo" khi chúng có một vài hay đầy đủ các đặc trưng:

(1) Tham gia hoặc dính líu tới chính trị;

(2) Phản đối xã hội hiện thực một cách cực đoan, điên cuồng;

(3) Sự mê tín, dị đoan có xu hướng chính trị;

(4) Đe dọa an ninh công cộng và trật tự xã hội;

(5) Có sự dung túng và hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.