"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng

24/12/2023 10:00
Từ khi đường bê tông, điện lưới và nước sạch về từng hộ gia đình, cuộc sống sinh hoạt của người dân đã chuyển biến theo hướng tích cực

Từ khi đường bê tông, điện lưới và nước sạch về từng hộ gia đình, cuộc sống sinh hoạt của người dân đã chuyển biến theo hướng tích cực

Sau 20 năm sinh sống ổn định và phát triển kinh tế tại khu tái định canh định cư thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng), những người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đã có cuộc sống khởi sắc với nếp sống văn minh "3 không": không rượu, không thuốc lá, không tệ nạn.

Từng bước ổn định kinh tế

Tây Nguyên những ngày này cà phê chín nhuộm đỏ cả một vùng đất. Những vườn cà phê xanh bát ngát báo hiệu một mùa bội thu. Trước cửa nhà chị Trương Thuý Phương (thôn 5, xã Rô Men), người mua người bán tấp nập không ngừng nghỉ từ sáng sớm. Chị là một trong số những người thu mua cà phê của bà con để giao lại cho các thương lái. "Năm nay cà phê được giá hơn một chút, nhìn chung là tốt hơn so với thời kỳ dịch bệnh rồi", chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi chị chỉ là cô bé mới 8 tuổi, cả gia đình rời Hà Giang di cư tự do vào Tây Nguyên. Ban đầu, họ nghe theo những người quen đi trước vào tận trong tiểu khu 179 (thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, nay là huyện Đam Rông) để sinh sống. Vì là vùng đất thuộc đất rừng sản xuất, người dân không được phép cư trú nên trong tiểu khu 179 lúc bấy giờ không có điện, nước sạch, đường sá hay cơ sở vật chất gì có thể đáp ứng được các nhu cầu cuộc sống. Để có thể sinh tồn, người dân phải chặt cây làm nhà, phá rừng làm nương rẫy.

"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 1.

Gia đình chị Trương Thuý Phương (trái) buôn bán ổn định tại khu tái định cư thôn 5, xã Rô Men

Trước tình trạng đó, năm 2003, tỉnh Lâm Đồng đã vận động bà con, di dời khoảng 70 hộ người Mông đang phá rừng làm rẫy, du canh du cư trong các cánh rừng thuộc xã Liêng S'Rônh về khu tái định canh định cư, nay là thôn 4 và thôn 5 thuộc xã Rô Men, huyện Đam Rông. Nhà nước đã đầu tư đồng bộ điện, đường, trường, trạm và có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân làng Mông dần ổn định cuộc sống. Đến nay toàn thôn có hơn 170 hộ với khoảng 800 nhân khẩu.

Là 1 trong số 70 hộ dân chuyển ra khu tái định cư lúc bấy giờ, chị Phương cho biết gia đình mình được cấp đất ở, đất trồng trọt. "Cán bộ đến hướng dẫn bố mẹ mình trồng trọt, trẻ con thì được cho đi học. Sau này lớn lên lấy chồng rồi vẫn cứ tiếp tục sinh sống ở đây thôi. Mình bây giờ vừa bán tạp hoá, vừa thu mua cà phê, công việc ổn định rồi", chị Phương phấn khởi.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Xuân Tháy, Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Rô Men, trước kia, khi mới về khu tái định cư sinh sống, bà con ở đây cũng chỉ trồng ngô và đi làm thuê đổi gạo sống qua ngày. Được Nhà nước hỗ trợ cây trồng, con giống, dần dà người Mông có những thay đổi để phù hợp với nơi ở mới, chẳng hạn như học cách trồng cà phê để tăng thu nhập, nuôi thêm các loại gia súc gia cầm như dê, bò, lợn, gà.

"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 2.
"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 3.

Người dân tại thôn 5, xã Rô Men, chủ yếu trồng cà phê để nâng cao thu nhập

Đặc biệt, từ khi đường bê tông, điện lưới và nước sạch về từng hộ gia đình tại thôn, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều biến chuyển. Các gia đình chủ động tưới tiêu, trồng thêm lúa nước. Các máy móc phục vụ thu hái cà phê cũng ngày một nhiều trong các khu vườn. Sau 20 năm phấn đấu, hầu hết các gia đình ở thôn 5 đã có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các công tác xã hội chung trên địa bàn.

Xây dựng nếp sống văn minh "3 không"

Không chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế cho bà con, công tác giáo dục cũng được ưu tiên ngay khi khu tái định cư được thành lập. Từ những lớp học đơn sơ thuở mới "lập làng", hiện nay Trường tiểu học Rô Men đã được xây dựng khang trang với cơ sở vật chất hiện đại. Trong các lớp học, phương tiện, thiết bị phục vụ bài giảng đều được trang bị và thiết kế phù hợp theo từng bài giảng, đảm bảo cho các em học sinh được tiếp cận với tất cả những kiến thức mới nhất theo đúng quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Ngay kế bên trường tiểu học, trường THCS Rô Men cũng đang được xây dựng.

"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 4.
"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 5.

Trang thiết bị dạy học tại điểm trường thôn 5, xã Rô Men, được trang bị tiện nghi, hiện đại, đảm bảo việc học cho học sinh

Cô giáo K'Gia H'Hợp, người đã gắn bó nhiều năm với điểm trường mầm non thôn 5 Rô Men, cho biết, kể từ ngày được phân công về đây dạy học, cô luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như gia đình các em học sinh. "Ban đầu, tôi cũng hơi bỡ ngỡ vì các con đi học đều giao tiếp bằng tiếng Mông. Tuy nhiên, sau một thời gian học, cả cô và trò đều hợp tác rất tốt. Điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là các học sinh ở đây đi học rất đều, bố mẹ rất quan tâm việc học của các con từ chuyện chuẩn bị đồ ăn trưa luôn đầy đủ cho đến đưa đón đều rất đúng giờ. Các con cũng rất lễ phép. Vì vậy mà giáo viên chúng tôi cũng rất thoải mái trong công việc", cô Hợp chia sẻ.

Để có thể thay đổi được nếp sống, tư duy của bà con như vậy, đó là sự nỗ lực rất lớn của những người đứng đầu thôn này. Hiểu được tính cộng đồng và tình đoàn kết của người Mông, chính quyền xã tạo điều kiện để người đồng tộc của họ giữ các vị trí như Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn. Thông qua việc tuyên truyền, vận động, dùng sức ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng, cư dân tại thôn 5 nhiều năm qua đã "nói không" với thuốc lá, rượu và các tệ nạn xã hội.

"Bản làng kiểu mẫu" của những người Mông ở Lâm Đồng- Ảnh 6.

Nước sạch về tận nhà giúp bà con cải thiện nhiều về chất lượng cuộc sống và sức khoẻ

"Khói thuốc độc hại lắm, gây bệnh cho cả người hút và người hít khói thuốc. Uống rượu nhiều là say xỉn, bị ốm, không làm ăn gì được là gia đình không có tiền, con cái không đi học được, không biết cái chữ. Còn hút thuốc phiện là mất hết nhà cửa đấy. Chúng tôi đều tuyên truyền với bà con những điều đó và thống nhất đưa "3 không" vào quy ước của thôn để tất cả cùng thực hiện", Bí thư Chi bộ thôn 5 Hoàng Xuân Tháy cho biết.

Vào những dịp lễ lớn của người Mông, bà con ở đây cũng tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đánh quay, nấu mèn mén với thắng cố hoặc làm thịt gác bếp. Duy có tiếng khèn, tiếng sao là không mấy khi được nghe lại do đã di cư nhiều năm, ít nhiều những phong tục tập quán của đồng bào Mông tại Tây Nguyên cũng bị mai một sau những năm tháng vất vả lập nghiệp.

"Anh em người Mông ở đây cực kì chịu khó. Họ làm vườn từ lúc trời còn chưa sáng đến tối mịt mới về, chi tiêu tiết kiệm và đặc biệt là không có tệ nạn gì trong quá trình sinh sống trên địa bàn. Có thể nói, ở cương vị quản lý như chúng tôi, không gì phấn khởi hơn khi thấy cuộc sống của bà con từng ngày đổi mới", Phó Chủ tịch UNBD xã Rô Men Doãn Anh Tuấn cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.