Bánh đa nem làng cổ Thổ Hà "bay" khắp mọi miền đất nước

14/08/2022 12:01

Dân làng nói vui với nhau rằng, người Thổ Hà chẳng mấy khi đi đâu xa, chỉ có bánh đa nem của họ được đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Quy trình làm bánh đa nem Thổ Hà

Đến làng Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ngoài những bức tường hàng trăm năm tuổi độc đáo hay những ngôi nhà cổ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, những con ngõ nhỏ phủ đầy bánh đa đang phơi cũng được coi là một nét đẹp độc đáo của ngôi làng này. Hơn 40 năm qua, bánh đa nem Thổ Hà nổi tiếng bởi vẫn giữ nguyên hương vị xưa cũ.

Ông Nguyễn Đình Lâm (làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, người làng thường bắt đầu việc làm bánh đa nem từ 3 giờ sáng. Công đoạn đầu tiên là xay mẻ gạo đã ngâm nước đủ lâu thành bột thật mịn, sao cho bột có độ keo đạt tiêu chuẩn.

Bà Bùi Thị Lan (vợ ông Lâm) cho biết, để làm được bánh ngon, khâu chọn gạo rất quan trọng. Hạt gạo trắng, không sâu mọt, vị ngọt dịu mới được những người làng đưa vào làm.

Sau khi gia giảm gia vị vào bột, những người thợ bắt đầu tráng bánh. Trước kia, việc tráng bánh bằng tay là công đoạn khó nhất bởi vừa phải đảm bảo bánh chín, vừa phải đều tay dàn bột sao cho đúng độ dày của bánh.

Tuy nhiên hiện nay, người Thổ Hà đã tự chế tạo cho mình những chiếc máy tráng bánh để tăng năng suất và đỡ vất vả hơn. Sau khi đổ bột vào, người thợ chỉ cần đặt những phên tre lên phần trên của máy, bột sẽ tự động dàn đều lên từng phên và làm chín bằng hơi nước ở nhiệt độ cao, tạo thành lớp bánh mỏng đều và trắng mịn.

Khi các công đoạn ban đầu đã xong, việc quan trọng không kém là chuyện phơi bánh. Theo những người thợ lành nghề Thổ Hà, bánh đa nem nơi này được làm khô bằng gió tự nhiên và không phơi nắng gắt, bởi nhiệt độ cao sẽ làm cho bánh quá khô, dễ vỡ khi sử dụng. Sau khoảng 6-8 tiếng phơi, bánh sẽ được chuyển vào nhà, cắt bằng máy và đóng gói.

Vì là công việc thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên việc làm bánh đa nem đôi khi cũng phải chịu nhiều rủi ro. "Có khi cả mẻ bánh vừa làm xong thì trời mưa rào một trận, chạy không kịp là tôi phải bỏ đi hết, tiếc của tiếc công mà không làm sao được" – bà Lan kể

Người dân làng Thổ Hà cho biết, họ có công thức riêng, chỉ cần điều chỉnh lượng muối trong mỗi lần pha bột là có thể cho ra lò những mẻ bánh đa nem có thể bảo quản tới nửa năm không hỏng. Chính bởi sự uy tín và cái tâm làm nghề của người dân nơi đây mà bánh đa nem làng Thổ rất được lòng những người làm bếp khó tính nhất.

Dân làng thường nói vui với nhau rằng, người Thổ Hà chẳng mấy khi đi đâu xa, chỉ có bánh đa nem của họ được đi khắp mọi miền Tổ quốc. Đó cũng là động lực để bà con giữ nghề và truyền lửa cho thế hệ mai sau tiếp nối truyền thống quê hương mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.