Bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số

27/10/2021 16:02
Du lịch cộng đồng với những đặc sản vùng miền là một trong những lợi thế thu hút khách du lịch. Ảnh minh họa: ST

Du lịch cộng đồng với những đặc sản vùng miền là một trong những lợi thế thu hút khách du lịch. Ảnh minh họa: ST

Hiện nay, du lịch ở nước ta đang dần phục hồi sau dịch. Trước đó, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... được nhiều nơi áp dụng. Ở miền núi, du lịch cộng đồng cũng từng bước phát triển, trong đó các di sản văn hóa chính là nguồn lực tạo nên sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với các bản làng ngày một nhiều hơn.

Theo một kết quả nghiên cứu của ngành du lịch thì có tới 90% du khách quốc tế thích nghe hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số (DTTS); 71% du khách muốn được ăn và ngủ ngay tại cộng đồng các làng người DTTS (đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10-20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản); 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình...

Những điều này cho thấy, muốn phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS thì vai trò của người dân bản địa phải được đề cao. Họ phải là nhân tố chính để phát triển du lịch chứ không phải chỉ là người được thụ hưởng một phần nào đó khi tham gia vào "chuỗi giá trị".

Thực tế cho thấy, nơi nào phát triển du lịch cộng đồng mà người dân bản địa được coi trọng, vai trò của chính quyền cơ sở rõ ràng thì nơi đó phát triển tốt. Có thể thấy được điều đó qua thành công của các điểm du lịch vùng đồng bào DTTS ở bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); ở bản Dền (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); bản Áng (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); bản Mển, Phiêng Lơi (tỉnh Điện Biên)... Tại những nơi này, số hộ nghèo trong xã, bản giảm nhanh, do nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cao gấp từ 5-10 lần so với các hộ không làm du lịch.

Bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bảo tồn bản sắc văn hóa giúp phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững ở khu vực miền núi đòi hỏi cộng đồng các DTTS ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc. Vì bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc cũng không dễ, trước những nguồn lợi trước mắt do du lịch mang lại.

Trên thực tế, bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển du lịch thiếu định hướng ở một số nơi thời gian qua cũng đang khiến văn hóa đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một. Bằng chứng là để phục vụ du khách, không ít phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào DTTS đã được dàn dựng, tái hiện lại nhưng không giữ được vẻ đẹp như vốn có mà pha tạp, lai căng.

Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ, nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác... Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách định hướng đi kèm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch ở những nơi có đồng bào DTTS sinh sống trên cơ sở gìn giữ, tôn trọng những giá trị văn hóa vốn có.

Bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Đồng bào dân tộc Thái tái hiện một nghi thức trong lễ hội truyền thống

Tại hội thảo lấy ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa DTTS các tỉnh biên giới diễn ra tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều thách thức trong phát triển du lịch đã được các đại biểu chỉ ra như: Hạ tầng thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp, di chuyển không thuận lợi, thường xuyên phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ở một số nơi, đồng bào DTTS vẫn duy trì một vài hủ tục lạc hậu là rào cản lớn cho phát triển du lịch, đội ngũ nhân lực trình độ còn hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều...

Thực tế cho thấy, chính sách bảo tồn văn hóa DTTS thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng mới chỉ tập trung vào bảo tồn nói chung, chưa có chính sách cụ thể về phát triển du lịch cho đối tượng này thông qua các chương trình, dự án cụ thể nên chưa tạo được chuyển biến. Những chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu mới hỗ trợ được hạ tầng thiết yếu để bảo đảm sinh hoạt cho bà con, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch còn khá thiếu thốn. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt các chính sách cơ bản như chính sách về xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con DTTS, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, hỗ trợ kết nối, xúc tiến quảng bá du lịch...

Do đó, theo đề xuất của Tổng cục Du lịch, để nâng cao khả năng tiếp cận của hệ thống hạ tầng ở các điểm du lịch, cần chính sách hỗ trợ hoàn thiện hệ thống đường sá, các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Nguồn đầu tư có thể huy động từ ngân sách theo các kế hoạch trung, dài hạn, từ các chương trình mục tiêu quốc gia để lồng ghép tại các địa bàn có khả năng phát triển du lịch, và từ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn