Lễ hội đình làng Ngọc Tân từ lâu đã trở thành di sản phi vật thể gắn với mảnh đất Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - di sản văn hóa phi vật thể của người Cao Lan

Lễ hội đình làng Ngọc Tân từ lâu đã trở thành di sản phi vật thể gắn với mảnh đất Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần, gắn liền với những truyền thuyết huyền thoại về thuở lập bản dựng làng trong tâm thức dân gian của đồng bào dân tộc Cao Lan. Bởi vậy, việc bảo vệ, phát huy và giữ gìn di sản là trách nhiệm của mỗi người dân cũng như chính quyền xã Ngọc Quan.

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 1.

Ông Âu Đức Hợi (áo xanh)- Chủ tế trong lễ hội

Ông Âu Đức Hợi - Chủ tế, người dân tộc Cao Lan ở xã Ngọc Quan cho biết, lễ hội có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Nguồn gốc của lễ hội được bắt nguồn từ thần tích về Tam vị Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18 là Cao Sơn, Cao Đạo, Cao Đào là những danh tướng có công giúp vua Hùng dẹp giặc giữ nước và được phong làm thành hoàng làng. Lễ hội sinh thần diễn ra vào ngày mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong thời phong kiến và 2 cuộc kháng chiến, lễ hội có bị gián đoạn và sau này được khôi phục và duy trì đến nay.

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 2.

Chủ tế thường là già làng, mặc lễ phục màu xanh và 2 thủ từ mặc màu đen

Miêu tả hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, ông Âu Đức Hợi cho biết, ở phần lễ, trước tiên là lễ vật, trên ban thờ phải có ván xôi gà, hoa quả, bánh kẹo, oản và hương nhang, lợn đen dùng cho 4 phần tế lễ vào các thời điểm khác nhau. Về trang phục, chủ tế thường là già làng của làng, mặc lễ phục màu xanh và 2 thủ từ mặc lễ phục màu đen. Người dân tham gia lễ hội mặc trang phục dân tộc, không được mặc quần áo màu đỏ, vàng vào đình. Những người xin được phép mổ lợn phải là người có sức khỏe. 

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 3.

Đội văn nghệ múa chim gâu, xúc tép trong lễ hội

Lễ hội đình làng Ngọc Tân mang đậm nét văn hóa tâm linh. Là nơi sinh hoạt văn hóa, gắn bó cộng đồng trong đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Ngọc Tân cũng như ở các vùng miền khác của Phú Thọ.

Còn về phần hội, sẽ có phần tế lễ vào lúc 7h sáng ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch. Trong khi đợi tàn hương, chủ tế tiến hành các nghi lễ xin cho phần hội bắt đầu. Người chủ tế cầm các quả, làm lễ giữa trời đất cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. 

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 5.

Trong khuôn khổ Lễ hội, còn có trình diễn nghệ thuật dân gian

Trong khuôn khổ lễ hội, còn có trình diễn nghệ thuật dân gian: Múa chim gâu, múa xúc tép, hát sình ca, đi cà kheo, ném còn,… Múa xúc tép là điệu múa mô phỏng các động tác lao động, sản xuất của dân tộc Cao Lan trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Điệu múa này thường có từ 8 đến 10 người, diễn tả hoạt động của con người, bắt tép cá làm thức ăn. 

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 6.

Lễ hội đình làng Ngọc Tân mang đậm nét văn hóa tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa, gắn bó cộng đồng trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Ngọc Tân cũng như ở các vùng miền khác của Phú Thọ

Hát sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú của đồng bào dân tộc Cao Lan. Sình ca là lối hát giao duyên, đối đáp, được từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, một tốp nữ hát đối đáp trong dịp tết, trong lễ hội của làng, trong đám cưới hay trong lao động sản xuất. Họ hát đối đáp say sưa nhiều đêm không dứt. Ngoài ra còn có giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ném còn, kéo co, đu quay.

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 7.

Thanh niên tham gia với tiết mục ném còn

Ông Hợi cũng cho biết, vào dịp lễ hội, thanh niên nam nữ mặc trang phục dân tộc Cao Lan thành từng đôi lên so tài đánh đu. Hình ảnh tà áo nhiều màu sắc bay cùng cần đu đưa lên vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem thực sự trở thành nét đặc trưng của lễ hội. Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện sức khỏe và giải trí, còn là dịp để nam nữ giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau nhất là vào những dịp hội làng.

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 8.

Ngoài ra còn có giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ném còn, kéo co, đu quay

Bảo tồn Lễ hội đình làng Ngọc Tân - Di sản phi vật thể của người Cao Lan - Ảnh 9.

Ở phần lễ, trước tiên là lễ vật, trên ban thờ phải có ván xôi gà, hoa quả, bánh kẹo, oản và hương nhang, lợn đen dùng cho 4 phần tế lễ vào các thời điểm khác nhau

Lễ hội đình Ngọc Tân hiện nay vẫn đang được đồng bào dân tộc Cao Lan xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng gìn giữ và bảo tồn. Tuy nhiên, dưới tác động của sự du nhập, giao thoa về văn hóa các dân tộc, tác động của nền kinh tế thị trường phần lễ và phần hội trong diễn trình lễ hội đình Ngọc Tân hiện nay đang dần mất đi một số yếu tố như, có nội dung trong phần tế lễ bị rút gọn, nghệ nhân trình diễn hát sình ca, vèo ca, múa chim câu, xúc tép ngày càng lớn tuổi mà lực lượng kế cận ít.

Trong tháng 1/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu về Lễ hội truyền thống đình Ngọc Tân tại xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để có thể đánh giá thực trạng lễ hội đình Ngọc Tân và tổ chức tái hiện lễ hội đình Ngọc Tân với đầy đủ nghi thức tế lễ, diễn xướng dân gian của dân tộc Cao Lan. Từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Cao Lan tỉnh Phú Thọ.

Bài: Linh An

13/06/2023 10:30