Bảo tồn nghề truyền thống và tạo thu nhập ổn định trong mùa dịch Covid-19 cho phụ nữ dân tộc Mạ

08/11/2021 09:27
Phụ nữ dân tộc Mạ tham gia dệt thổ cẩm. Ảnh: ST

Phụ nữ dân tộc Mạ tham gia dệt thổ cẩm. Ảnh: ST

Các mô hình "thực hành tiết kiệm", "tổ phụ nữ dệt thổ cẩm" tại xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) ra đời không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập trong mùa dịch cho hội viên phụ nữ mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của người dân nơi đây.

Xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc) có đông người dân là đồng bào dân tộc Châu Mạ, còn gọi là người Mạ gốc Tây Nguyên sinh sống. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của bà con nói chung, phụ nữ nói riêng không cao, mức thu nhập thấp và không ổn định... Với mong muốn hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, Hội LHPN xã Lộc Châu thành lập mô hình "Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm" nhằm tạo thêm việc làm cho phụ nữ địa phương. Đến nay, mô hình đã thu hút được 45 chị em tham gia.

"Mô hình "Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm" ngày càng phát huy được hiệu quả, nhất là trong mùa dịch. Bởi lẽ, dịch Covid-19 khiến nhiều chị em mất việc làm, họ thường xuyên ở nhà nên có nhiều thời gian dệt thổ cẩm", chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Châu cho biết.

Bảo tồn nghề truyền thống và tạo thu nhập ổn định trong mùa dịch Covid-19 cho phụ nữ dân tộc Mạ  - Ảnh 1.

Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm tại xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) giúp chị em có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian đầu thành lập, Tổ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, các thành viên lại chưa có kỹ năng tìm kiếm, kết nối thị trường nên sản phẩm làm ra không có đầu mối tiêu thụ hoặc tiêu thụ chậm. Mỗi thành viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách dệt thuê cho tư thương. Dệt một tấm vải tốn thời gian từ 3-4 ngày nhưng chỉ được hưởng tiền công 50.000 đồng. 

Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của chị em, Hội LHPN xã Lộc Châu đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 175 triệu đồng giúp 15 hộ gia đình vay để có thêm nguồn vốn mua nguyên liệu, công cụ sản xuất (chỉ, sợi dệt...). Sau khi được vay vốn, chị em dệt 1 tấm vải chi phí mua nguyên liệu là 80.000 đồng với thời gian dệt khoảng 3-4 ngày, bán được 250.000 đồng. Lợi nhuận gấp nhiều lần so với dệt công cho tư thương. Nhờ đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập được nâng lên, đời sống của hội viên phụ nữ tại địa phương cũng dần được cải thiện.

Hiện sản phẩm thổ cẩm làm ra được bán cho bà con trong khu vực và một số tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông… Ngoài ra, tranh thủ thời gian nông nhàn, chị em còn chăm chỉ học hỏi nâng cao tay nghề, miệt mài xe tơ, quay sợi, nhuộm màu để đưa vào khung dệt. Sản phẩm làm ra không chỉ dựa trên kinh nghiệm nghề truyền thống thêu và dệt mà còn được các chị tìm tòi, cải tiến nhiều hoa văn, mẫu mã, màu sắc bắt mắt để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Các họa tiết được đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, sinh động gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bà con như cối, chày giã gạo, cây nêu, cầu thang nhà sàn… Vì thế, sản phẩm làm ra ngày càng đẹp và đa dạng hơn.

Bảo tồn nghề truyền thống và tạo thu nhập ổn định trong mùa dịch Covid-19 cho phụ nữ dân tộc Mạ  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: ST

Bên cạnh mô hình "Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm", tại thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) còn xây dựng mô hình "Thực hành tiết kiệm" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mô hình do Chi hội Phụ nữ thôn Đạ Nghịch tự quản. Từ 1 tổ ban đầu, đến nay mô hình đã nhân rộng được 5 tổ tiết kiệm có 100 hội viên tham gia tiết kiệm 50.000 đồng/người/tháng. Mỗi tháng góp được 5 triệu đồng giúp 1 chị vay không lấy lãi để đầu tư mua con giống như heo, bê, dê, gà… Số vốn từ quỹ tiết kiệm là "cần câu" cho nhiều chị em ổn định kinh tế trong dịch, chi trả thêm cho nhân công hoặc mua thức ăn duy trì đàn giống trong lúc chưa bán được do dịch bệnh.

Cùng với đó, Chi hội Phụ nữ thôn Đạ Nghịch còn chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ "Vì phụ nữ nghèo" của TP Bảo Lộc cho 48 hộ vay để hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên, phụ nữ có thêm điều kiện đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Qua đó, Hội đã giúp được 6 chị vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.