Nhằm bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở huyện Bắc Hà, Lào Cai, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận nghệ thuật này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở Bắc Hà


Nhằm bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở huyện Bắc Hà, Lào Cai, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận nghệ thuật này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là 1 trong 5 di sản văn hóa phi vật thể về "nghệ thuật trang trí trên trang phục" của đồng bào dân tộc thiểu số (người Xá Phó, người Nùng Dín, người Pa Dí, người Mông Hoa, người Dao Đỏ) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian qua.

Theo Cục Thống kê tỉnh Lào Cai, tính đến tháng 4/2019, cộng đồng dân tộc Mông ở huyện Bắc Hà có 31.459 người (nam là 16.810 người, nữ là 15.279 người). Trong số đó, đồng bào Mông Hoa có dân số đông nhất, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao.

Đôi tay "phủ thủy" biến những sợi lanh khô thành trang phục có hồn

Người Mông Hoa có truyền thống dân tộc đậm đà bản sắc, nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục, được các thế hệ lưu giữ, bảo tồn, phát huy. Chỉ bằng đôi tay khéo léo, từ chính nguyên liệu hết sức thô sơ là cây lanh, phụ nữ người Mông Hoa đã tạo tác ra những trang phục hết sức độc đáo.

Điều này cũng chính là tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất cũng như cách làm ăn của phụ nữ người Mông Hoa. Vì lẽ đó, ngay từ khi còn nhỏ, các trẻ em gái người Mông Hoa đã được mẹ dạy bảo cách trồng lanh, làm thổ cẩm.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 1.

Cây lanh sau khi được phơi nắng

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 1.

Phụ nữ Mông Hoa ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) thực hiện công đoạn tước sợi lanh

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 3.

Lanh sau khi được giã mểm và nối thành sợi

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 4.

Sợi hoàn chỉnh để dệt, được cuốn vào thoi dệt làm bằng gỗ

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 5.

Khung dệt của người Mông có một đặc điểm rất khác biệt so với nhiều loại khung dệt của đồng bào dân tộc khác là khung có đai lồng vào thắt lưng người dệt

Trồng cây lanh dệt vải là công việc hết sức vất vả, cầu kỳ. Thông thường lanh sẽ cho thu hoạch sau khoảng hơn 2 tháng trồng. Bó lanh ngay khi cắt về sẽ được phụ nữ Mông Hoa phơi nắng tầm 1 tuần, rồi mới đến công đoạn tước sợi. Số sợi này được đem vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn và được mang đi giặt, luộc cho tới khi sợi lanh mềm và trắng. Sau đó đem đi phơi, rồi mới dùng guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải đẹp.

Sau khi đã se lanh thành những tấm vải trắng, phụ nữ Mông Hoa sẽ vẽ sáp ong lên đó những đường hoa văn hình học theo ý muốn, rồi đem đi nhuộm chàm. Họ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo nên những họa tiết theo ý muốn trên nền y phục. Điểm đặc biệt, họ thêu hoa văn không cần dùng mẫu, chỉ dùng thêu thường là sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu.

Bằng những cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tưởng, chủ yếu dựa vào trí nhớ và kinh nghiệm được truyền thụ lại từ những lớp người đi trước, phụ nữ Mông Hoa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo làm say đắm lòng người. Với những công đoạn hoàn toàn thủ công, trung bình phải mất từ 3-5 tháng, những phụ nữ Mông Hoa mới hoàn thành xong một chiếc váy thêu tay thủ công.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Hoa gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp… Khăn có 2 loại – loại hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Áo thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 3.

Các bé gái người Mông Hoa tranh thủ giờ ra chơi thêu tay họa tiết hoa văn trên dây thắt lưng

Váy chủ yếu là dùng các màu đỏ, xanh đậm trông nổi bật, rực rỡ. Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7-8cm và dài 80-120cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời cũng giúp các thiếu nữ Mông có vóc dáng đẹp hơn.

Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông Hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi. Trên trang phục của người Mông Hoa ở Bắc Hà, màu đỏ đóng vai trò chủ đạo, phối hợp màu vàng, trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc màu rực rỡ.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 3.

Cô gái người Mông Hoa thực hiện thêu tay các họa tiết hoa văn trên vải lanh

Nỗ lực bảo tồn và phát huy

Phụ nữ Mông Hoa ở Lào Cai xưa vốn giỏi may, thêu, được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ. Trước khi đi làm dâu, người mẹ tặng con gái bộ váy, áo coi như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái lại thêu, dệt váy, áo để tặng mẹ đẻ, mẹ chồng và các em của chồng. Không những thế, người phụ nữ khi đã làm mẹ còn có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng lanh và làm thổ cẩm.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tập quán trồng lanh, dệt vải và thêu dệt lên các bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Hoa ở Bắc Hà nói riêng và ở Lào Cai nói chung đang dần có sự thay đổi. Người Mông Hoa ở Bắc Hà dần không trồng cây lanh để lấy vỏ, dệt vải, mà thay vào đây là sử dụng vải mua sẵn từ ngoài chợ (loại vải mộc) về để sử dụng.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 5.

Phụ nữ người Mông Hoa ở huyện Bắc Hà mặc trang phục sặc sỡ trong một phiên chợ vùng cao

Những nghệ nhân về vẽ hoa văn bằng sáp ong cũng ít dần, trong khi đó những người trẻ lại không muốn học vẽ hoa văn bằng sáp ong. Thay vào đó, họ có xu hướng mua loại vải có in hoa văn theo kiểu vẽ bằng sáp ong về để sử dụng thay thế cho loại hoa văn được vẽ theo phương pháp truyền thống…

Cùng với đó, nhiều chị em lại ra chợ mua loại váy áo được may sẵn, hoa văn được thêu, in bằng máy móc về để sử dụng thay thế cho các bộ trang phục được thêu may theo phương pháp thủ công truyền thống đã được các thế hệ trước truyền lại. Việc thay đổi tập quán thêu dệt trang phục truyền thống đang trở thành nguyên nhân dẫn đến quá trình mai một nét đặc sắc của trang phục.

Nguyên nhân dẫn đến quá trình thay đổi này có nhiều. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do sự tác động, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Trước kia người dân tự trồng lanh dệt vải, ngày nay họ chủ yếu ra chợ mua trang phục có sẵn (hàng hóa từ Trung Quốc, từ những người thợ may dân tộc Mông…). Các chợ phiên bày bán rất nhiều trang phục, người dân có nhiều sự lựa chọn, thay vì làm một bộ trang phục tốn nhiều công sức, thời gian thì họ đến chợ mua là có sẵn. Nguyên nhân chủ quan là do người dân có sự thay đổi về sở thích, quan điểm về cái đẹp.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trang trí trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà - Ảnh 6.

Bé gái người Mông Hoa ở Bắc Hà trong trang phục truyền thống, giới thiệu sản phẩm đặc sắc vùng miền

Trước thực trạng này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai để có những quyết sách kịp thời. Trong đó, điển hình là việc kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa đối với nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống, nghề làm trang phục.

"Trang phục người Mông Hoa ở các huyện đều rất đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc và nghệ thuật tạo hình phong phú. Việc lựa chọn trang phục người Mông Hoa ở Bắc Hà để lập hồ sơ năm 2020 là nhằm từng bước xây dựng thượng hiệu cho trang phục của người Mông ở Bắc Hà – một sản phẩm đặc thù của khu du lịch cấp tỉnh. Các địa phương khác sẽ được thực hiện vào những năm tiếp theo để từng bước giúp cộng đồng nhận diện giá trị đích thực của trang phục truyền thống và cùng chung tay bảo vệ cho nghề thủ công đặc sắc của mỗi dân tộc".

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Lào Cai

Trong thời gian tới, căn cứ vào Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, đưa nội dung này vào trong Đề án số 3 về "Phát triển Văn hóa - Du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025". Đề án nhằm xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lào Cai, để vừa bảo vệ được trang phục truyền thống các dân tộc, vinh danh nghề làm trang phục, vinh danh các nghệ nhân làm trang phục, vừa tạo ra được các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương.


Trường Hùng
Sở VHTT&DL Lào Cai, Trường Hùng
20/07/2021 00:00