Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề

An Khê
09/12/2023 - 07:26
Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề

Chị Lã Thị Hồng Thùy (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và nghệ nhân gói bánh chưng tại địa phương

Bám sát chủ trương phát triển du lịch gắn với văn hóa, ẩm thực, làng nghề, phụ nữ xã Hùng Lô (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã tích cực tham gia phát triển văn hóa - du lịch tại địa phương. Cùng với đó là quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề song song với du lịch trải nghiệm tới du khách.

Bảo tồn và phát triển văn hóa

Làng cổ Hùng Lô với bề dày truyền thống lịch sử và quần thể kiến trúc mang âm hưởng thời kỳ Hùng Vương. Đình Hùng Lô mang giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời kỳ hậu Lê. Công tác bảo tồn di sản được tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì cũng như chính quyền xã Hùng Lô đặc biệt quan tâm.

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 1.

CLB Hát Xoan xã Hùng Lô

Chị Lã Thị Hồng Thùy, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Lô, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch tại điểm cho biết: Đình Hùng Lô lưu giữ tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo và 5 cỗ kiệu sơn son thếp vàng cùng hệ thống 43 câu đối. Kiến trúc đình Hùng Lô và 50 ngôi nhà gỗ có niên đại trên 100 năm đến xấp xỉ 200 năm tuổi trong làng cổ được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn. Trong đó, có 5 ngôi nhà được đưa vào chương trình du lịch phục vụ khách quốc tế.

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 2.

Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Hát Xoan, Hội LHPN xã Hùng Lô đã thành lập CLB Hát Xoan từ năm 2014

"Bên cạnh việc bảo tồn kiến trúc độc đáo, thì nơi đây còn đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ. Địa phương đầu tư đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với thờ cúng các Vua Hùng cũng như tổ chức truyền dạy, thực hành di sản và phục vụ du lịch", chị Hồng Thùy cho biết.

Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Hát Xoan, Hội LHPN xã Hùng Lô đã thành lập CLB Hát Xoan từ năm 2014. Duy trì và hoạt động hiệu quả gần 10 năm, CLB thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế và khách nội địa đến thăm. Năm 2023, điểm Du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đón khoảng 190 đoàn khách, trong đó 170 đoàn khách nội địa với 12.406 lượt; 20 đoàn quốc tế với 344 lượt. CLB Hát Xoan với 33 thành viên thường xuyên luyện tập luyện và biểu diễn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 3.

Nhiều du khách nhí hào hứng với hoạt động văn hóa của Hùng Lô

Chị Thùy cũng cho biết thêm, để tăng hiệu quả việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa di tích Đình Hùng Lô và Hát Xoan, thời gian tới Hội sẽ khuyến khích hội viên tự nguyện tham gia hoạt động du lịch di sản và văn hóa, ẩm thực, làng nghề một cách sáng tạo. Trong đó hội viên phụ nữ tham gia được hưởng lợi ích phù hợp, góp phần tăng thu nhập, làm giàu cho quê hương.

Hội LHPN xã cũng mở các hội nghị truyền thông về cách đón tiếp và phục vụ khách tham quan và trải nghiệm các hoạt động tại làng cổ Hùng Lô. Tăng cường các công tác vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, phong quang, sạch sẽ. Đồng thời tích cực quảng bá hình ảnh và văn hóa địa phương trên không gian mạng; nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó là triển khai thêm các đoạn đường hoa vào khu du lịch để khách có thể check-in, chụp ảnh tại điểm đến.

"Nhiều chị em còn chủ động trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh phục vụ khách trên các chặng đường trải nghiệm", chị Hồng Thùy thông tin.

Gắn với du lịch làng nghề

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 4.

Chị Lã Thị Hồng Thùy (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Lô, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch

Không chỉ có di tích đình, làng cổ và văn hóa Hát Xoan, xã Hùng Lô còn nổi tiếng với các làng nghề phong phú đa dạng như làng nghề làm bánh chưng bánh dày, làng nghề làm đậu, làng nghề làm miến gạo, làm bún làm mì sợi… mà người dân trong làng thường tự hào gọi là "làng đa nghề". Đến nay các nghề truyền thống đó vẫn đang được người dân duy trì và phát triển.

Nghề làm mì gạo với những bí quyết gia truyền, người dân làng nghề Hùng Lô đã tạo nên những sợi mỳ trắng, dai, nấu không bị nát nên được người dân gần xa ưa chuộng, nhờ đó mà thương hiệu mỳ Hùng Lô ngày càng được khẳng định trên thị trường.

Nghề làm bánh chưng có truyền thống lâu đời và vì bánh của làng Hùng Lô ngon, đẹp nên hàng năm người dân xã Hùng Lô vinh dự được nhận trọng trách làm bánh dâng Vua Hùng. Làng nghề làm bánh chưng Hùng Lô ngày càng được đông đảo nhân dân gần xa ưa chuộng và lựa chọn.

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 5.

Du khách Lào học tập mô hình phát triển làng nghề tại Hợp tác xã gạo Hùng Lô

Ở các làng nghề có khoảng gần 20 chị em phụ nữ tham gia phát triển văn hóa du lịch, ẩm thực, trải nghiệm, nhằm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm làng nghề phục vụ du khách cùng hướng dẫn các công đoạn sản xuất.

"Hội LHPN xã có mô hình "Phụ nữ xã Hùng Lô giữ gìn nét đẹp quê hương" và mô hình "Phụ nữ Hùng Lô vươn lên làm giàu từ làng nghề". Các mô hình này hoạt động rất hiệu quả và thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Qua đó không chỉ đóng góp vào công tác phát triển văn hóa – kinh tế - xã hội tại địa phương mà còn phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình", chị Thùy cho biết.

"Chúng tôi mong muốn điểm du lịch Hùng Lô cũng sẽ nhộn nhịp đón khách như nhiều điểm đến khác của Việt Nam như Làng cổ Đường Lâm, Phố cổ Hội An... từ đó tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ cũng như người dân địa phương", chị Thùy nói.

Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch từ làng cổ đến làng nghề- Ảnh 6.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm gói bánh chưng, dưới sự hướng dân của hội viên Hội LHPN xã Hùng Lô

Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Lô cũng cho hay, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn phát triển du lịch đến đông đảo các hội viên biết và cùng tham gia. Quảng bá, giới thiệu, giao lưu các hoạt động văn hóa gắn du lịch, giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích hội viên tham gia, tạo mội trường và động lực để các hạt nhân CLB Hát Xoan, nghệ nhân làng nghề tiếp tục truyền bá giá trị văn hoá phi vật thể tới cộng đồng và xã hội. Đồng thời sẽ ra mắt các mô hình như "Văn hóa ứng xử tại khu di tích".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm