Bát Mọt, vùng đất khó dần hồi sinh

08/09/2021 12:17
Bộ đội Biên phòng phát những vật dụng và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân xã Bát Mọt

Bộ đội Biên phòng phát những vật dụng và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân xã Bát Mọt

Khác với trước đây, đời sống người dân xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã và đang đổi thay từng ngày. Vùng đất khó Bát Mọt đang dần hồi sinh.


Từng có những lần từ Bát Mọt trở về, cả tuần tôi vẫn suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống khốn khó, nghèo đói nơi đây. Nhiều phụ nữ trong xã nói tiếng Kinh chưa thạo nên khi triển khai công việc gì cũng phải có người phiên dịch lại. Vì không biết tiếng Kinh nên mỗi khi được cán bộ triển khai nội dung công việc hoặc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức… các chị hội viên, phụ nữ và người dân lĩnh hội không đầy đủ, dẫn đến việc vận dụng vào sản xuất không hiệu quả như mong đợi; học sinh đến trường rất vất vả do giao thông đi lại khó khăn...

Từ năm 2018, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được triển khai tại Bát Mọt, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp xã Bát Mọt nói riêng, các xã vùng biên có cơ hội chuyển mình. Được TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và các đơn vị tài trợ quan tâm đồng hành, ngay trong năm 2018, nhiều chương trình đồng hành với phụ nữ vùng biên đã được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về công tác Hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, nạn bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân nơi đây.

Bát Mọt, vùng đất khó dần hồi sinh - Ảnh 1.

Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương hỗ trợ giống cây trồng cho phụ nữ và nhân dân xã Bát Mọt

Chương trình đã hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế lâu dài, giúp hội viên duy trì cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Cụ thể như các Ban Tổ chức, Ban Kế hoạch Tài chính, Hội LHPN Việt Nam… đã huy động nguồn lực hỗ trợ tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng để triển khai 1 lớp tập huấn kỹ năng công tác Hội cho BCH Hội LHPN xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó; 2 lớp tập huấn mô hình nhà sạch, vườn đẹp; 2 cuộc giao lưu khuyến học; xây dựng 1 "Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản" trị giá 100 triệu đồng; xây dựng 16 nhà tiêu hợp vệ sinh, 10 hố rác tại hộ gia đình; tặng 1 tủ sách pháp luật, 1 bộ máy vi tính, máy in cho Hội LHPN xã; 127 suất quà, cặp, sách vở cho nhà trường, học sinh trường Tiểu học Bát Mọt.

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Chương trình "Xuân đoàn kết, Tết biên cương"; 11 lớp tập huấn, cuộc truyền thông phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm mua bán người, công tác dân tộc tôn giáo, kiến thức nhà sạch, vườn mẫu, chăn nuôi đạt hiệu quả cao cho phụ nữ và người dân...

Hội LHPN tỉnh còn phối hợp tổ chức 1 cuộc tư vấn lưu động, tuyên truyền pháp luật; 1 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, phụ nữ; hỗ trợ thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn đen (giống bản địa) trị giá 77 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 800 hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã, tổng giá trị hơn 700 triệu đồng.

Bát Mọt, vùng đất khó dần hồi sinh - Ảnh 2.

Nhờ được hỗ trợ, nhiều phụ nữ xã Bát Mọt có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Thường Xuân đã vận động và hỗ trợ 8 con bò cho phụ nữ nghèo xã Bát Mọt và thành lập tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, nâng tổng số con bò hội cấp trên vận động trao cho hội viên nghèo của xã lên 22 con. Hội LHPN huyện hỗ trợ xây dựng 1 tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản trị giá 125 triệu đồng; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng hơn 300 suất quà cho hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo; hỗ trợ nông cụ sản xuất, phân bón, cây, con giống hỗ trợ giống hoa, giống cây trồng... tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Cùng nguồn hỗ trợ từ các đơn vị đồng hành, để cùng nhau chia sẻ và phát huy nội lực, Hội LHPN xã Bát Mọt cũng đẩy mạnh tương trợ giúp đỡ nhau tại các Chi hội bằng ngày công lao động lấy củi, cấy, gặt lúa; phát động mỗi gia đình có 1 hố xử lý rác thải, 1 vườn rau sạch; hưởng ứng phong trào "Phụ nữ Thường Xuân chung sức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp"...

Bát Mọt, vùng đất khó dần hồi sinh - Ảnh 3.

Những ngôi nhà sàn khang trang tại thôn Vịn, xã Bát Mọt. Ảnh: Quang Long

Đến nay, đời sống hội viên, phụ nữ xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chị em chủ động sản xuất, biết hạch toán chi tiêu, tiết kiệm mua con giống, cây trồng để sản xuất; quan tâm việc học hành của các con và chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, ý thức về việc không vi phạm tệ nạn xã hội, cùng tham gia bảo vệ vùng biên của chị em và người dân ngày một nâng cao…

Cùng cố gắng của các cấp chính quyền địa phương và người dân, sự hỗ trợ từ Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, xã Bát Mọt đã thực sự chuyển mình, đổi thay, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.