Bênh con quá, hóa “bán” láng giềng gần

Ảnh chỉ mang tính minh họa: ST

Ảnh chỉ mang tính minh họa: ST

Viên gạch cuối cùng được đặt lên Bảo biết rằng tình nghĩa làng xóm giữa anh và Lượng từ nay chấm dứt thật rồi. Bảo đã suy nghĩ rất nhiều khi xây bức tường ngăn cách cái sân của hai nhà…

Hồi còn nhà sàn, hai cái sàn của hai nhà cũng được nối với nhau tạo thành một cái sân sàn rộng. Sau dỡ nhà sàn làm nhà xây cấp bốn, hai cái sân được đổ bê tông tạo thành một cái sân rộng. Ngày mùa thuận tiện cho việc phơi thóc, ngô, sắn, khi có việc hiếu, hỷ thì dựng được một cái rạp rộng đủ kê mấy chục cái mâm. Người hàng xóm khen "có cái sân chung rộng rãi thật tốt".

Bảo không ngờ lại có ngày cái sân chung phải dựng lên một bờ rào ở giữa thế này. Trong lòng anh không muốn, nhưng không thể làm gì khác được. Đôi lúc anh nghĩ không lẽ anh không đủ nhân nhượng, không đủ lòng vị tha hay sao mà Lượng lại có những lời lẽ nặng nề như tảng đá ngàn cân đè lên người? Trẻ con gây gổ với nhau ngày ba trận cũng có sao đâu. Vậy mà chỉ nghe đứa con gái ba tuổi ới vào trong nhà bị anh Khang đánh, Lượng liền bỏ dở việc đun nồi cám lợn chạy ra ngoài sân. Thấy đứa con gái khóc, Lượng không kìm chế được đã lấy thanh tre sắc nhọn vứt ở góc sân cứa vào lòng bàn tay Khang chảy máu. Thằng Khang đau tay khóc thét lên chạy đi gọi bố đang trồng rau trong vườn sau nhà. Thấy lòng bàn tay con bị một vệt cứa ngang, máu vẫn không ngừng chảy ra, cơn tức trong người dồn lên đầu, nhưng anh vẫn cố gắng kìm chế hỏi con ngọn ngành.

Bảo hỏi đi hỏi lại ba lần thằng Khang đều nói bị bố em Bâu cứa vào. Bảo rửa tay đi ra sân nhẹ nhàng nói chuyện với Lượng. "Trẻ con gây gổ với nhau sao chú lại dùng vỏ cây sắc nhọn cứa vào tay thằng Khang như thế?". Lượng không thừa nhận. Anh nói như thế mà nghe được à? Anh là người già sao lại đi nghe lời con nít? Anh vu oan cho Lượng ư? Thật nực cười. Con nít đã biết nói dối đâu. Lượng bảo anh không nên nghe lời con trẻ, nhưng sao Lượng lại nghe con mình. Mỗi lần con khóc, Lượng đều bênh con chẳng cần tìm hiểu ngọn ngành ra sao. Nhiều lần nghe Lượng dọa nạt thằng Khang, anh đều hỏi con một cách nhẹ nhàng, bảo chơi với nhau không được làm như thế. Giờ con anh bị chảy máu mà Lượng lại một mực chối bay chối bỏ. Cứ như tay thằng Khang bị chảy máu là do nó tự cầm cái cây sắc nhọn kia về tự rạch vào tay mình. Nói ra ai tin được chứ.

Bênh con quá, hóa “bán” láng giềng gần - Ảnh 1.

Nhà sàn vùng cao. Ảnh minh họa

Lượng nói thêm vài lời rồi bỏ vào trong nhà. Hai đứa con cũng theo bố đi vào trong. Nhưng một lát sau không hiểu Lượng nghĩ sao lại đi ra ngoài sân nói oang oang. Từ nay cấm thằng Khang bước chân vào nhà. Ai chơi ở nhà nấy. Cả người lớn cũng không được bước chân vào nhà. Từ nay cắt đứt không làng xóm láng giềng gì hết. Nói xong Lượng quay gót đóng hai cánh cửa rầm một tiếng. Bảo ngẩn người ra, không hiểu mình vừa nghe những lời gì nữa. Anh không hề chửi bới, không dọa nạt, không có ý định hơn thua với Lượng. Anh chỉ nói việc của trẻ con người lớn can thiệp vào là không đúng. Nhưng nó lại đẩy câu chuyện đi theo hướng tồi tệ. Nói ra những lời đoạn tuyệt này có lẽ Lượng đã suy nghĩ kỹ rồi.

Rất nhiều năm sau này qua những người hàng xóm anh mới biết Lượng ghen ghét với anh. Bảo có con trai, việc gì cũng làm được nhiều hơn Lượng. Mỗi mùa vụ thu hoạch thóc, ngô nhiều hơn Lượng. Gà, vịt, trâu, lợn nuôi gấp ba gấp bốn lần Lượng. Mỗi lần xuất lợn, xuất trâu thu về một tập tiền cầm nặng tay. Bảo cũng không hiểu sao đầu óc Lượng lại có suy nghĩ này nữa. Giờ nhà nước khuyến khích mọi người phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ai có sức thì làm có được thu nhập khá. Bảo chưa bao giờ khoe khoang hay cản đường làm ăn, phát tài với những người hàng xóm của mình. Anh càng không cậy mình có con trai khi ngồi uống rượu hay ngồi mâm cỗ nói đến mâm trên mâm dưới. Thời buổi gì rồi mà còn phân biệt trai gái, cứ hai con là được rồi. Vợ chồng Bảo thấy gia đình mình có khả năng thì chăn nuôi vậy. Vất vả lắm, việc nhà, việc đồng áng quanh năm cấy hái cày bừa. Bốn mùa vòng quay công việc nhà nông không có gì thay đổi. Mong năm nào cũng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Có được nhiều thóc, ngô đủ cho người, cho đàn gia súc, gia cầm ăn.

Chưa nghe ai nói làm nhà nông sung sướng cả. Sáng phải dậy sớm đi ra đồng cắt cỏ cho trâu, đêm ngủ muộn vì phải nấu mấy nồi cháo cho đàn lợn. Nhà nông mà an nhàn thì sao thấy được đồng tiền. Ngày ăn ba bữa, nhà không ốm đau bệnh tật thì chẳng nói làm gì, đến khi bệnh đổ ập xuống ai đó trong nhà phải đi viện thì không có sẵn tiền trong túi tự như bước đi gặp phải núi đá cản đường. Nhờ trời thương mấy năm nay Bảo làm ăn được, nhưng vợ chồng anh khiêm tốn, kiệm lời với những người hàng xóm. Đã có không ít người trong làng khi bí bách đã đến nhà anh hỏi vay tiền. Bảo đã không chối từ đưa cho những người đang túng. Những người được anh cho vay khi trả lại đã nói "cho trước bằng cho không" khi anh chị không tính lời lãi. "Cứu người như cứu lửa, giúp người cũng như giúp mình, lời lãi làm gì chứ. Có tiền sẵn trong nhà mới có cái để cho chứ không có thì dù thương cũng đành chịu à", nghe Bảo nói thế những người được anh cho vay cảm thấy ấm lòng.

Bênh con quá, hóa “bán” láng giềng gần - Ảnh 2.

Trẻ em miền núi. Ảnh minh họa

Anh sống như thế khiến người khác ghen tị ư? Đã có người nói cả hai nhà đều có trẻ con, để sống hòa thuận với nhau thì người lớn không chấp nhặt con trẻ mới mong mọi chuyện êm đẹp được. Nhiều lần chứng kiến Lượng không phân biệt trái phải, một mực bênh con, chú Tậu hàng xóm Bảo nói: Hai nhà sát nhau như thế không biết bác sống kiểu nào được. Em thấy lo cho bác quá. Lời của Tậu nói ra chưa được bao lâu thì đã xảy ra cơ sự.

Trước đây Bảo không để mắt đến con nhiều, nhưng từ ngày xảy ra việc thằng Khang bị cứa tay, anh quan tâm đến con nhiều hơn. Cứ mỗi lần Xuân, con gái Tậu sang nhà Bâu là bố đi theo sau. Tậu không cho con gái chơi với hai đứa con của Lượng, trẻ con chơi với nhau động chân tay một tý là người lớn vào giúp. Trong cái làng này có ai không có con cái? Nhưng có mấy người như Lượng đâu, đứa con gái lớn đã bốn tuổi rồi mà mỗi sáng thức dậy bố bế đi tè, đến ăn bố cũng đút cho. Cứ nhìn con bé Xuân ba tuổi đã biết cầm đũa, tự biết xúc cơm ăn rồi. Còn chị em con Bâu thì sao đến việc cầm cái thìa còn chưa biết cầm thế nào cho chắc. "Ai bảo con hư tại mẹ hả bác? Với Lượng thì con hư tại bố mới đúng bác à", đã có lần Tậu nói với Bảo như thế. Anh nghe Tậu nói chỉ ậm ừ cho qua. Bảo đâu muốn lấy chuyện của người hàng xóm làm quà. Người như Lượng ít tiếp chuyện thì hơn.

Lượng bảo từ nay không nhờ không vả, sớm tối chẳng cần đến nhau. Chuyện lớn chuyện nhỏ không động chạm đến. Chuyện trẻ con đâu phải to tát gì lắm đâu. Sáng mở cửa đã thấy mặt nhau, nhìn thấy Bảo mặt Lượng xám xịt như trời nổi giông gió, cứ như hai nhà có mối thâm thù đại hận vậy. Con người Lượng mặt thì như mây giông tháng tám, bụng đầy toan tính. Chẳng trách Tậu nói con người Lượng cục cằn, thâm độc khó lường. Bảo cứ tưởng Tậu nói quá. Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người hiểm sâu. Giờ thì anh đã hiểu rồi.

Ngày anh xây bức tường ngăn cách, Lượng đứng ra ngăn cản. Lượng bảo anh xây lấn sang sân nhà Lượng. Anh không muốn đôi co với Lượng nên đi mời những người già, trưởng làng đến phân xử. Sau khi ngắm nghía, đo đạc tỉ mẩn, trưởng làng nói anh đã không hề lấn sang đất nhà Lượng. Lượng đổ bê tông sân trước Bảo nên đã lấn sang bên sân nhà anh chỗ rộng nhất nửa mét. Nhà xây ngang nhau mà cuối sân thì lấn sang nhà hàng xóm thì không phải rồi-trưởng làng nói. Những cụ già trong làng cũng nói anh không làm sai. Các cụ và trưởng làng nói vậy anh sẽ làm theo, đất của nhà đến đâu thì xây đến đó.

Hằng ngày nhìn bức tường, Lượng hậm hực lắm. Nếu không tham lam nửa mét đất thì cái sân nhà Lượng rộng ra thêm một chút. Sân nhà Lượng vốn hẹp hơn sân nhà Bảo, giờ có bức tường ngăn cách trông càng hẹp hơn. Từ nay mỗi khi ra ngoài, Bảo sẽ đi con đường khác, không cần qua trước sân nhà Lượng nữa. Con đường dốc khó đi còn dễ hơn nhiều lần khi con đường lòng người trắc trở, gập ghềnh thác lũ. Bảo sẽ cùng Tậu làm một con đường rộng để hai nhà dễ đi lại.

"Nhà nước đang đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp công sức, vật liệu được cấp trên cung cấp, mình hiến chút đất là có được con đường rộng để đi bác ạ. Làm gì cũng so đo tính toán chi ly như thằng Lượng thì làm sao có thể ngẩng mặt với thiên hạ được chứ". Tậu nói đúng. Sẽ có ngày Lượng cần đến con đường này. Anh chẳng cần nó giúp công giúp sức. Bảo sẽ có ý kiến trong cuộc họp làng, sẽ làm đơn xin nguyên vật liệu, thuê máy xúc về hạ độ cao con dốc đầu làng mà hai nhà đi qua xuống. Đất sẽ đổ xuống đám ruộng trũng của Tậu, một công mà lợi bao nhiêu việc khác. Con đường xanh, sạch đẹp, rộng đã hiện ra trước mắt anh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.