Bí ẩn đảo tử thần và bộ tộc kỳ lạ ở Ấn Độ Dương

14/06/2019 - 07:00
Gọi là đảo tử thần bởi ở đây có một bộ tộc sinh sống từ Thời kỳ Đồ đá. Họ có thể giết bất cứ ai nếu cố tình thâm nhập và phá vỡ cuộc sống yên bình của mình trong hơn 60.000 năm qua.

Đảo có tên gọi chính là North Sentinel Island (Đảo Sentinel Bắc, hay Sentinel), thuộc Quần đảo Andaman và Nicobar, nằm trong Vịnh Bengal. Đây là nơi sinh sống của bộ tộc người Sentinel, cộng đồng từ chối, đôi khi vô cùng thô bạo, với bất cứ sự tiếp xúc nào từ thế giới bên ngoài. Sentinel là một trong những bộ tộc cuối cùng trên thế giới gần như chưa bị tác động bởi nền văn minh hiện đại. Do vậy, có rất ít thông tin được biết về bộ tộc và hòn đảo kỳ lạ này.

 

Đảo có diện tích khoảng gần 60km2, được bao quanh bởi các rạn san hô, không có chỗ neo tự nhiên. Cây cối bao phủ hầu như toàn bộ đảo. Đảo có địa hình cao dần từ bờ biển vào trong, đạt độ cao 122 m ở giữa tâm đảo. Vụ động đất và sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm thay đổi mảng kiến tạo bên dưới hòn đảo, nâng nó cao thêm 1-2 m.

 

photo-1-15427982357881841509643.jpg
Môt góc đảo North Sentinel Island

 

Năm 1771, bằng tàu Diligent của Công ty Đông Ấn Anh, thuyền trưởng John Ritchie đã phát hiện đảo Sentinel nhưng tàu của ông chỉ đi ngang mà không ghé vào được bởi những rạn san hô bao quanh. Khi về London, John Ritchie báo cáo vị trí của hòn đảo ấy với Hải quân Hoàng gia nhằm bổ sung vào bản đồ nhưng do nó quá nhỏ nên chẳng ai để ý. Tuy vậy, John Ritchie vẫn gọi nó là Sentinel,  nghĩa là lính gác, từ đây Sentinel trở thành tên gọi chính thức cho đảo. Về danh nghĩa, đảo thuộc huyện South Andaman, một phần lãnh thổ liên bang Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Còn thực tế, các nhà chức trách Ấn Độ lại chấp thuận nguyện vọng trao quyền tự quyết cho người dân trên đảo. Từ quyết định này, dân đảo còn được cho phép giết những người không phải thuộc bộ tộc mà không bị xét xử. Với lý do nói trên, có thể nói rằng, Sentinel là một lãnh thổ có chủ quyền nằm dưới quyền bảo hộ của Ấn Độ.

Bộ tộc từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài

Nhiều năm trở lại đây dư luận nhắc nhiều đến thổ dân North Sentinel. Đây là bộ tộc sống biệt lập hơn 60.000 năm với thế giới văn minh, họ xua đuổi bất cứ người lạ nào muốn tiếp cận với họ. Sentinel sống bằng nguồn thực phẩm có sẵn như lợn rừng, trai biển, trái cây và mật ong... với lối sống sinh hoạt kiểu cộng đồng. Người Sentinel là những hậu duệ trực tiếp còn lại duy nhất của những người đầu tiên ở châu Á, di cư từ châu Phi tới Trung Đông sau đó tới Ấn Độ và Myanmar cách đây hơn 75.000 năm về trước trước khi định cư tại quần đảo Andaman. Một số tiếp tục di chuyển, số còn lại sống tại North Sentinel bởi nơi đây có nhiều tài nguyên, thuận lợi cho cuộc sống như rừng đước bạt ngàn, bãi biển cát trắng và thiên nhiên với nhiều ưu đãi.

2.jpg
John Allen Chau thiệt mạng bởi tên tẩm độc của thổ dân Sentinel

 

Đàn ông trong bộ tộc Sentinel làm nghề săn rùa, lợn và các loại thú rừng khác bằng cung tên, đánh bắt cá bằng xiên. Các mũi tên và xiên được họ bọc bằng xương và gỗ cứng. Còn phụ nữ làm nghê hái nấm cục, dừa, mò trai và dùng lưới bắt cá. Mùa hè họ đi thu lượm mật ong bằng cách quết lên người một loại hồ nước từ lá có tác dụng xua đuổi ong. Cộng đồng người Sentinel có thói quen ở trần, ngoại trừ trang trí bằng một ít lá cây, dây sợi và sống trong các lều dạng nhóm nhỏ như gia đình. Đây là lối sống mà bộ tộc Sentinel đã tồn tại hơn 60.000 năm qua.

Đó là những gì giới hiện đại biết về người Sentinel, bởi vậy còn nhiều thứ như ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin tôn giáo và cả lý do vì sao người Sentinel lại không muốn tiếp cận với văn minh thì đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải mã. Năm 2011, từ một khoảng cách an toàn, các nhà khoa học đã đếm được 15 người trên đảo. Một cuộc khảo sát 10 năm trước ước tính số người trên đảo vào khoảng 39 người.

Bộ tộc ở đây đã tấn công hầu hết người xâm nhập từ bên ngoài và sự thù địch của họ mang tính lịch sử. Vào thế kỷ 13, nhà thám hiểm Marco Polo khi tới Andaman cho biết, đây là bộ tộc tàn bạo, dường như muốn ăn thịt bất cứ ai họ bắt được, bất cứ tàu thuyền nào không may dừng chân trên đảo này thì không một ai sống sót trở về.

Năm 1880, một đoàn thám hiểm vũ trang người Anh do Maurice Vidal Portman, sĩ quan phụ trách Đảo Bắc Sentinel đã tiến hành khảo sát vùng đất này. Đoàn thám hiểm chỉ tìm thấy những ngôi làng bị bỏ hoang mà khống thấy người Sentinel vì họ đã biến mất trong rừng rậm. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đoàn thám hiểm đã tìm thấy 6 người, một cặp vợ chồng già và bốn đứa trẻ. Tất cả được đưa đến Port Blair, thủ phủ quần đảo Andaman và Nicobar. Ngay sau đó, 6 người đều bị bệnh, vợ chồng ông già đã chết, còn bốn đứa trẻ đã được cho quà và đưa trở lại nhà.

 

Phát hiện bất ngờ về Sentinel

Sau gần 1 thế kỷ, vào năm 1970, nhóm nhà nhân chủng học đã tiếp cận được đảo, mang theo sổ sách và máy quay nhưng họ lại được chào đón bởi một màn mưa cung tên bắn trên bãi biển.

Cuối tháng 11/2018 cảnh sát TP Port Blair, thủ phủ quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ đã điều một trực thăng và biệt đội dùng thuyền tới Sentinel để đưa thi thể phượt thủ Mỹ John Chau về đất liền. John Chau, 27 tuổi, đã đến Andaman và Nicobar 4 lần vào năm 2015, tháng 10/2018 đã tới Port Blair bằng visa du lịch và tự thuê thuyền để tiếp cận Sentinel. Chau để lại 13 trang giấy viết tay cho gia đình trước khi ra đảo vào đêm 16/11/2018. Qua tài liệu còn lưu cho thấy Chau muốn khám phá bộ tộc này từ lâu nhưng nay mới có điều kiện. Theo lời Chau ghi lại, người Sentinel nói thứ ngôn ngữ có nhiều âm cao và dùng cử chỉ tay để minh họa, đàn ông cao khoảng 1,6m. Sáng 17/11, sau chuyến đi cuối cùng của Chau tới Sentinel, anh ta đã bị thổ dân giết chết.

4.jpg
Tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay đã bỏ ra 6 năm nghiên cứu các bộ tộc sống ở quần đảo Andaman

 

Theo tờ Nationalgeographic của Mỹ, sau cái chết của John Allen Chau, nhiều điều đã được sáng tỏ về đảo Sentinel. Một trong số những người quan tâm nghiên cứ về bộ tộc này còn có nữ tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay, nhà nhân chủng học người Ấn Độ. Madhumala Chattopadhyay hiện làm việc tại Bộ Tư pháp xã hội và trao quyền Ấn Độ. Bà đã bỏ ra 6 năm ở quần đảo Andaman (1989-1996) và gặp cả 6 bộ tộc, gồm Jarawa, Onge, Sentinel, Nicobar, Great Andaman và Shompen. Chattopadhyay đã phát hiện nhiều điểm bất ngờ về người Sentinel.

Theo Chattopadhyay, bà đã phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ cơ quan chức năng để đến được Bắc Sentinel, do hòn đảo này bị cấm tiếp cận nhằm bảo vệ cả dân đảo lẫn những người bên ngoài. Lần đầu bà tới đảo là 4/1/1991 cùng với các thành viên đoàn khác và tổ chức một bài tập thả quà, đẩy những quả dừa cho người dân bộ tộc qua nước. Hoạt động này kéo dài suốt 4 giờ cho đến khi một cậu bé bắt đầu nhắm vào một thành viên đoàn. Chattopadhyay đã gặp những người phụ nữ Onge, Car Nicobar và phát hiện thấy phụ nữ là người kiểm soát bạo lực trong bộ tộc. Khi Chattopadhyay lần đầu nói chuyện với người phụ nữ Sentinel bằng ngôn ngữ của họ, bà đã ngăn được mũi tên tấn công

Theo Chattopadhyay, các tộc người trên theo thuyết vật linh, sùng bái thiên nhiên, cầu nguyện với trời, biển, hát cả đêm khi trăng tròn. Khi thủy triều lên hoặc trời mưa, họ không ra ngoài. Họ biết cách vượt qua tất cả những thứ tai ương để sống sót.

Liên quan đến sự tồn tại của bộ tộc Sentinel, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định từ bỏ thám hiểm sâu hơn, tin rằng tiếp xúc quá thường xuyên có thể làm hại đến cộng đồng nguyên thủy nhỏ này. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn ban hành luật cấm bất kỳ sự tiếp xúc nào với người Sentinel nhằm bảo vệ văn hóa và tồn vong của những người này, đặc biệt, giúp họ tránh xa những mầm bệnh của xã hội hiện đại, nhất là virus, vi khuẩn, bởi hệ miễn dịch của người Sentinel được cho là hoang dã và không thể chống lại được với mầm bệnh hiện đại kháng lại mọi thuốc kháng sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm