Từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã xác lập và tổ chức đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ gần 30 đối tượng, giải cứu nhiều nạn nhân bị buôn bán. Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã biên soạn xuất bản hàng chục nghìn trang tài liệu tuyên truyền về phòng chống mua bán người, phối hợp tổ chức tiếp nhận và tư vấn hỗ trợ cho gần 60 nạn nhân…

BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VÀ PHỤ NỮ LÀO CAI TÍCH CỰC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI

Từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã xác lập và tổ chức đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ gần 30 đối tượng, giải cứu nhiều nạn nhân bị buôn bán. Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã biên soạn xuất bản hàng chục nghìn trang tài liệu tuyên truyền về phòng chống mua bán người, phối hợp tổ chức tiếp nhận và tư vấn hỗ trợ cho gần 60 nạn nhân…

Địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người

Lào Cai có đường biên giới dài 182,086 km (trên đất liền, sông, suối). Địa hình biên giới của tỉnh phức tạp, núi cao, sông suối, nhiều đường mòn qua lại, có 3 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới. Ngoài ra còn nhiều đường mòn dân sinh do lịch sử để lại.

Khu vực biên giới tỉnh Lào Cai gồm 26 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, 1 thành phố, có 19 dân tộc chung sống. Sự phân bố dân cư và trình độ dân trí không đồng đều, ở các địa bàn vùng cao của tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế rất khó khăn, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu (xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai) phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, công an viên tuần tra đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc tại cột mốc biên giới 110

Đối diện địa bàn tỉnh Lào Cai là 3 huyện Kim Bình, Hà Khẩu (thuộc châu Hồng Hà) và huyện Mã Quan (thuộc châu Vân Sơn), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trung tâm huyện lỵ Hà Khẩu phát triển khá năng động – là cầu nối giữa vùng Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các dịch vụ giải trí... phát triển khá mạnh. Đồng thời việc mất cân bằng giới tính của phía bạn và những rào cản về pháp lý giữa hai quốc gia đã tạo ra áp lực, sự gia tăng hoạt động của tội phạm mua bán người (MBN) qua biên giới, chủ yếu vì mục đích mại dâm và cưỡng ép hôn nhân trái pháp luật.

Tội phạm MBN đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các tỉnh phía Nam (gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau); các tỉnh phía Bắc (gồm Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa)... Chúng lợi dụng nhu cầu tìm việc làm để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đến Lào Cai tìm việc làm, nhưng thực chất chúng lừa để đưa sang Hà Khẩu (Trung Quốc) bán cho các chủ chứa mại dâm để bóc lột tình dục, tổ chức các đường dây cho thuê gái vào nội địa Trung Quốc, hoặc đi quốc gia - vùng lãnh thổ thứ ba (Myanmar, Hồng Kông) bán dâm thu lợi.

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) bắt giữ đối tượng mua bán người qua biên giới

Chúng tập trung vào số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, có những mâu thuẫn trong gia đình, số thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động, số phụ nữ ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trình độ nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin... để tiếp cận làm quen, dụ dỗ, lừa gạt. Một số trường hợp công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam như (xây dựng thủy điện, khai thác hầm mỏ…) làm quen phụ nữ Việt Nam (chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, Dáy) để lôi kéo sang Trung Quốc lấy chồng, sau đó bán cho người Trung Quốc lấy tiền.

Vì lẽ đó, Lào Cai luôn được xác định là một trong các tỉnh trọng điểm về hoạt động của tội phạm MBN ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc. Vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm MBN. Đây cũng là đặc điểm khác biệt của tình hình tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh Lào Cai so với các tỉnh lân cận.

Tổ chức đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, "giảm nhiệt"  tình hình mua bán người

Trước diễn biến phức tạp về tình hình và hoạt động phức tạp của tội phạm MBN, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các Đồn Biên phòng tổ chức thực công tác nắm tình hình và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, làm giảm tình trạng MBN trên tuyến biên giới Lào Cai.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, BĐBP Lào Cai đã xác lập và tổ chức đấu tranh thành công 11 chuyên án, tham gia phối hợp đấu tranh 2 chuyên án cấp Cục. Khởi tố 17 vụ án hình sự đối với 29 đối tượng, giải cứu 30 nạn nhân trong các vụ án. Trong đó, MBN dưới 16 tuổi có 5 vụ, khởi tố 6 đối tượng, giải cứu 12 nạn nhân. Ngoài ra đơn vị còn tiếp cận, giải quyết, hỗ trợ 272 nạn nhân thuộc các trường hợp trao trả, tự trở về...

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ lực lượng Biên phòng Trung Quốc

Cụ thể trong số đó, vào khoảng 20h30, ngày 1/4/2017, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai nhận được thông tin trao đổi của Công an tỉnh Lào Cai về việc truy bắt đối tượng bắt cóc trẻ em xảy ra tại Sa Pa (Lào Cai). Đơn vị nhận định có thể đối tượng sẽ vượt biên giới đưa cháu bé sang Trung Quốc bán, nên đã chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ xác lập Chuyên án mang bí số 446T để nhanh chóng triển khai lực lượng và biện pháp nghiệp vụ đấu tranh.

Đến ngày 4/4/2017, lực lượng nghiệp vụ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai và Đồn Biên phòng Bát Xát đã phát hiện bắt giữ đối tượng và giải cứu thành công cháu bé. Đối tượng bị bắt giữ tên là Giàng A Dơ (SN 1994, dân tộc Mông, cư trú tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu). Dơ khai nhận, do bản thân cần tiền trả nợ nên đã bàn bạc với 3 đối tượng khác bắt cóc cháu bé, đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền chia nhau.

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 4.

Đồn Biên phòng Bát Xát gải cứu thành công cháu bé ở Sa Pa trước nguy cơ bị bán sang Trung Quốc

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 5.

Đồn Biên phòng Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai) lấy lời khai đối tượng bắt cóc cháu bé ở Sa Pa để bán sang Trung Quốc

Vụ việc mới đây nhất, tháng 1/2020, sau khi tiếp nhận thông tin do gia đình nạn nhân đến trình báo việc con gái bị một số đối tượng lừa bán và ép lấy chồng Trung Quốc, người này đã liên lạc được với gia đình qua mạng xã hội Zalo, BĐBP tỉnh Lào Cai đã viết thư đề nghị Chi đội Quản lý biên giới châu Hồng Hà (Trung Quốc) phối hợp xác minh, giải cứu, mặt khác hướng dẫn gia đình động viên ổn định tâm lý nạn nhân. Đồng thời, hướng dẫn nạn nhân bí mật chụp và gửi ảnh chứng minh thư nhân dân của người trong gia đình "chồng" người Trung Quốc. Qua đó, xác định được khá chính xác nơi nạn nhân bị bán, ép làm vợ một người Trung Quốc – thuộc tỉnh Hồ Nam. Từ nguồn tin này, đơn vị đã viết thư đề nghị Tổng trạm Kiểm soát Biên phòng Xuất nhập cảnh Vân Nam phối hợp giải cứu.

Biên phòng và phụ nữ Lào Cai tích cực phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 6.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai phối hợp với Trạm kiểm soát xuất nhập cảnh Hà Khẩu (Trung Quốc) phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật

Đến ngày 22/1/2020, dù trong thời điểm sát Tết Nguyên đán Canh Tý, phía bạn đã tích cực, nhanh chóng xác minh, giải cứu được nạn nhân T.T.C (SN 2001, dân tộc Mông, trú tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) và trao trả cho BĐBP Lào Cai qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Sau khi giải cứu thành công nạn nhân, đơn vị đã củng cố tài liệu, tiến hành các thủ tục bắt giữ 2 đối tượng phạm tội và giải cứu thành công thêm được 1 nạn nhân. 

Cùng với công tác đấu tranh tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tập trung tuyên truyền Luật Phòng, chống MBN; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN... dưới nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phù hợp với lứa tuổi, dân tộc, điều kiện sinh hoạt, công tác, học tập. Giúp đỡ nạn nhân bị mua bán ổn định tâm lý, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. 

Nhờ vậy trong thời gian gần đây, do bị đấu tranh mạnh, các đối tượng MBN có chiều hướng chuyển địa bàn hoạt động. Qua đó tình hình hoạt động của tội phạm MBN trên địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai cơ bản giảm hơn so với thời gian trước.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục phòng chống mua bán người

Thực hiện Chương trình 130/CP của Chính phủ về công tác truyền thông, giáo dục phòng chống MBN, giai đoạn 2016 - 2020, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã đưa nội dung trên vào xây dựng các chương trình công tác trọng tâm cả nhiệm kỳ và hàng năm. Xây dựng các kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em (PCMBPNTE), kế hoạch xây dựng mô hình điểm PCMBPNTE và chỉ đạo các cấp Hội triển khai, tổ chức thực hiện.

Kết quả trong 5 năm, Hội LHPN tỉnh đã biên soạn, xuất bản 20.000 tờ rơi, 1.000 tranh áp phích nội dung PCMBPNTE, phát hành tới cơ sở làm tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt. Xây dựng và in sao 5 loại/100 băng đĩa truyền thông nội dung phòng chống bạo lực gia đình và PCMBPNTE.

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 7.

Hội LHPN tỉnh Lào Cai truyền thông cộng đồng nâng cao tự bảo vệ và an toàn khi đi xa cho bà con dân tộc thiểu số

Nét mới đối với tài liệu truyền thông giai đoạn này là Hội LHPN tỉnh khai thác nguồn lực hỗ trợ xây dựng được 3 bộ tranh khổ to/90 pano trưng bày (mỗi bộ gồm 30 tranh bằng chất liệu cứng, có giá đỡ tháo dời) chủ đề phòng chống MBN được sử dụng trưng bày lưu động tại một số thôn/bản, xã/thị trấn, dùng trong các phiên chợ, chiến dịch truyền thông thu hút đông người, nơi tập trung đông dân cư.

Các cấp Hội phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh tuyên truyền nhiều tin bài PCMBPNTE. Đặc biệt duy trì đều đặn Cổng thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh và các chuyên mục "Phụ nữ và cuộc sống", "Phụ nữ vùng cao hôm nay" bằng 4 thứ tiếng (Mông, Dao, Dáy, Kinh) trên sóng phát thanh, sóng truyền hình tỉnh với nhiều nội dung, nhiều số tập trung vào chủ đề phòng chống MBN.

Cùng với tuyền truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các cấp Hội tập trung vào tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền miệng tại cộng đồng. 100% các cơ sở Hội, chi, tổ phụ nữ đều đưa nội dung PCMBPNTE vào tổ chức tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt phụ nữ định kỳ. 

Nội dung tuyên truyền PCMBPNTE được lồng gắn vào 20 hội thi, giao lưu, liên hoan cấp tỉnh và cấp huyện/thành phố do Hội tổ chức như giao lưu Chi Hội trưởng Phụ nữ, Hội thi tuyên truyền viên "5 không, 3 sạch"... 

Hội LHPN tỉnh Lào Cai tổ chức truyền thông phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tại trường học

Ngoài ra, các cấp Hội quan tâm tới công tác tư vấn, giải quyết đơn thư; vận động nhân dân tố cáo, phát giác tội phạm; đồng thời làm việc, có ý kiến với các ngành liên quan trong công tác điều tra, truy tố, tham gia các phiên toà xét xử tội phạm MBN, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.

Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng, duy trì và củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng chống MBN là cán bộ Hội và các ngành liên quan, hội viên nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng, bí thư chi bộ, trưởng/phó thôn bản và cả một số người có người nhà bị mua bán hoặc chính là nạn nhân bị mua bán trở về.

Tổ chức 3 lớp đào tạo giảng viên nguồn và đào tạo nâng cao cho 32 lượt giảng viên, báo cáo viên; 71 lớp tập huấn đào tạo 3.200 lượt tuyên tuyền viên chương trình phòng chống MBN; 268 lớp tập huấn lồng ghép nội dung phòng chống MBN với các nội dung chuyên đề khác cho 10.300 lượt học viên là cán bộ, hội viên Hội LHPN các cấp và các ngành liên quan các cấp. Phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn phòng chống tệ nạn xã hội và kỹ năng truyền thông PCMBPNTE cho 220 người.

Hỗ trợ đối tượng có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về

Để hạn chế phụ nữ, trẻ em không trở thành nạn nhân của MBN, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức 21 lớp dạy nghề cho 961 phụ nữ, giới thiệu và tạo việc làm cho 210 phụ nữ.

Cùng với đó, phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh và các ngành liên quan, các cấp Hội đã tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán qua biên giới trở về, tư vấn hỗ trợ tâm lý, sức khỏe cho 57 chị em. Tư vấn giới thiệu 14 nạn nhân về sinh hoạt và học nghề qua Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ & Phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 10.

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số xem tranh cổ động tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tội phạm mua bán người

Từ dự án Ngôi nhà Bình yên của Trung ương Hội, 7 nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận gói hỗ trợ hồi gia sau học nghề (như máy may, máy làm tóc, tủ lạnh, máy say sinh tố...) trị giá gần 100 triệu đồng, giúp chị em có nghề nghiệp, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống...

"Nhìn chung nạn nhân bị buôn bán trở về được Hội hỗ trợ, giúp đỡ, động viên tinh thần, vật chất, việc làm. Hỗ trợ các thủ tục về mặt pháp lý, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống. 22 lượt chị em đã được hỗ trợ vốn vay từ 1 - 3 triệu đồng", bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai cho biết.

Biên phòng, Phụ nữ Lào Cai quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người  - Ảnh 11.

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số xem tờ rơi tuyên truyền về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp liên ngành, liên cấp tuyên truyền về MBN, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, lấy chồng người nước ngoài trái pháp luật; duy trì, nhân rộng các hoạt động, các mô hình hiệu quả PCMBPNTE tại cộng đồng...

Trường Hùng
Trường Hùng, Trung Dũng, Hội LHPN Lào Cai
30/07/2021 00:00