Bó củi hứa hôn của người dân tộc Giẻ Triêng

Nghi thức rẩy nước chúc may mắn cho cô dâu khi chuyển củi đến nhà trai

Nghi thức rẩy nước chúc may mắn cho cô dâu khi chuyển củi đến nhà trai

Dân tộc Giẻ Triêng còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu là tập tục “bó củi hứa hôn” của cô gái dành cho nhà trai trong cưới hỏi.

Dân tộc Giẻ Triêng là tộc người thiểu số cư trú tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum); huyện Phước Sơn, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Tùy theo địa bàn cư trú, đồng bào phân chia thành các nhóm địa phương như Bhnong, Ve, Tà Riềng...

Lễ cưới của dân tộc Giẻ Triêng diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như Lễ chuyển củi, Lễ xếp củi, Lễ bla (vợ chồng trao nhau nắm cơm, miếng gan gà để cùng ăn và cùng uống rượu cần).

Trong đó, Lễ chuyển củi, Lễ xếp củi là nghi lễ quan trọng nhất bởi theo quan niệm của đồng bào, củi là vật hứa hôn của cô gái với chàng trai mà họ yêu.

Từ trái qua: Những bó củi đã được cô gái Giẻ Triêng chuẩn bị trước khi cưới chồng; Trai gái trong làng phân công nhau giúp đỡ nhà gái chuyển củi đến nhà trai; Đoàn người gùi củi chuyển đến nhà trai trong Lễ chuyển củi

Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó (100 bó) để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng.

Củi hứa hôn có một vị trí quan trọng trong hôn lễ. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng.

Bó củi hứa hôn của người dân tộc Giẻ Triêng - Ảnh 3.

Cha mẹ chú rể (bên trái ảnh) đón nhận bó củi từ cô dâu

Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp.

Khi lượng củi chuyển sang nhà trai được khoảng hai phần ba thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị xếp củi vào ngày hôm sau.

Từ trái qua: Cô dâu chú rể cùng nhau uống rượu cưới; Cô dâu chú rể cùng nhau ăn đùi gà để cầu mong sức khỏe; Mẹ chồng tặng cô dâu tấm áo choàng mới và chuỗi hạt mừng cưới

Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ đó những người phụ giúp mới tiếp tục xếp củi thành khối vuông vức.

Cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng và khách mời gần xa biết việc tổ chức tiệc chiêu đãi và các hoạt động vui chơi, múa hát dân gian trong dịp cưới.

Từ trái qua: Ẩm thực lễ cưới được dọn ra để tiếp đãi khách dự đám cưới; Uống rượu mừng hạnh phúc của cô dâu chú rể mới; Điệu đinh tút vui nhộn chúc mừng lễ cưới

Tiệc mừng đám cưới được chuẩn bị sẵn, thức ăn trong lễ cưới đều được bày trên nia. Ăn uống xong, đại diện nhà trai là chủ làng, người làm chủ hôn tuyên bố lý do của hôn lễ và chúc cặp tân hôn hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sinh con đẻ cái, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn