Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới với kiến trúc độc đáo và ấn tượng

08/05/2023 09:00
Yogyakarta ở Trung Java là cửa ngõ vào đền Borobudur nổi tiếng thế giới.

Yogyakarta ở Trung Java là cửa ngõ vào đền Borobudur nổi tiếng thế giới.

Borobudur là minh chứng cho nguồn gốc của nền văn hóa tâm linh sâu xa, kiến trúc độc đáo và di sản văn hóa ấn tượng của Indonesia.

Borobudur ở miền trung Java (Indonesia) là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Ngôi đền có cấu trúc hoành tráng này được coi là một trong những di tích Phật giáo vĩ đại nhất trên thế giới và là một biểu tượng của di sản văn hóa phong phú của Indonesia.

Quần thể Borobudur tọa lạc tại thung lũng Kedu, trung tâm đảo Java, cách thành phố Yogyakarta khoảng 41 km về phía tây bắc và cách Surakarta hơn 80 km về phía tây. Ngôi đền nằm giữa hai ngọn núi lửa – núi Sundoro-Sumbing, núi Merbabu-Merapi và hai con sông – Progo, Elo. Nó cũng nằm gần hai ngôi đền Phật giáo khác ở đồng bằng Kedu là Pawon và Mendut. Borobudur nằm trên một nền đá ở độ cao khoảng 265 mét so với mực nước biển.

Được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 dưới thời trị vì của triều đại Sailendra (khoảng 650-1025 CN), Borobudur là minh chứng cho nguồn gốc của nền văn hóa tâm linh sâu xa, kiến trúc độc đáo và di sản văn hóa ấn tượng của Indonesia.

Năm 1991, Borobudur được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Cảnh thung lũng Kedu khi nhìn từ khu phức hợp đền Borobudur.

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Một bức tượng Phật tại khu đền Borobudur.

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Borobudur được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 dưới thời trị vì của triều đại Sailendra.

Kiến trúc độc đáo

Rộng hơn 2.500 mét vuông, Borobudur là một công trình đáng chú ý cả về kỹ thuật xây dựng lẫn thiết kế. Borobudur được xây dựng mà không sử dụng xi măng hay vữa, cấu trúc của ngôi đền giống như một tập hợp các khối lego khổng lồ lồng vào nhau được giữ lại với nhau mà không cần chất kết dính.

Borobudur có cấu trúc gồm chín tầng được xếp chồng lên nhau, sáu tầng hình vuông và ba tầng hình tròn, trên đỉnh là một mái vòm trung tâm. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ. Nó được trang trí với hơn 2.600 tấm phù điêu và 504 tượng Phật. Các bức phù điêu mô tả những giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật và giáo lý nhà Phật, cũng như những câu chuyện từ kinh điển Phật giáo và văn hóa dân gian địa phương.

Địa điểm gồm Borobudur và hai ngôi đền nhỏ hơn nằm ở phía đông là Mendut và Pawon. Cả ba ngôi đền đều tượng trưng cho con đường đạt đến Niết bàn, với đền Mendut chứa một tác phẩm điêu khắc khổng lồ về Đức Phật được bao quanh bởi hai vị bồ tát.

Borobudur là một công trình kiến trúc Phật giáo cổ đại ấn tượng và hoành tráng mà chỉ có các công trình ở Đông Nam Á như Angkot Wat ở Campuchia, đền thờ Phật giáo Bagan ở Myanmar và tàn tích Sukhothai ở Thái Lan mới có thể so sánh được. Thiết kế của Borobudur là sự pha trộn giữa phong cách Java và kiến trúc triều đại Gupta, phản ánh sự kết hợp giữa thẩm mỹ bản địa và Ấn Độ ở Java cổ đại.

Borobudur ở miền trung Java (Indonesia) là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới.

Ý nghĩa tâm linh

Khu phức hợp đền Borobudur giống như một hoa sen, loài hoa linh thiêng của Phật giáo. Một vị bồ tát phải trải qua "thập địa", 10 quả vị tu chứng để trở thành Phật. 10 tầng của Borobudur tượng trưng cho các giai đoạn này. Ngôi đền cũng được xây dựng giống với một mandala ba chiều, một biểu tượng tâm linh trong Ấn Độ giáo và Phật giáo đại diện cho vũ trụ.

Cấu trúc của Borobudur thể hiện vũ trụ học Phật giáo và hành trình hướng tới giác ngộ. Ngôi đền là một địa điểm hành hương tâm linh của các Phật tử, những người đến từ khắp nơi trên thế giới để đi dạo quanh đền trong trạng thái thiền định, suy ngẫm về giáo lý của đạo Phật và tìm kiếm sự giác ngộ.

Kiến trúc tổng quát của đền Borobudur có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới: Kamadhatu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Kamadhatu (phần dưới cùng) tượng trưng cho thế giới ngầm hoặc hành vi của con người bị ràng buộc bởi những ham muốn trần tục. Rupadhatu (phần giữa) tượng trưng cho bản chất trung ấm hay hành vi của con người bắt đầu rời xa những ham muốn trần tục. Arupadharu (phần trên cùng) tượng trưng cho bản chất cao thượng hoặc hành vi của con người đã hoàn toàn thoát khỏi những ham muốn trần tục.

Borobudur có các bảo tháp đục lỗ, là một cấu trúc hình chuông với lỗ ở đỉnh. Điều này được cho là đại diện cho khái niệm tính không của Phật giáo, nơi tất cả mọi thứ được kết nối với nhau và không có sự tồn tại cố hữu.

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 5.

Borobudur nhìn từ trên cao giống một mandala.

Borobudur: Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 6.

Bảo tháp đục lỗ ở khu đền Borobudur.

Nỗ lực đưa Borobudur trở lại

Trong nhiều thế kỷ, Borobudur ẩn mình dưới lớp tro núi lửa và thảm thực vật rừng rậm. Lý do chính xác đằng sau việc ngôi đền bị bỏ hoang vẫn còn là một bí ẩn. Một số giả thuyết cho rằng các vụ phun trào núi lửa trong khu vực đã khiến Vương quốc Mataram dời đô khỏi Borobudur vào thế kỷ thứ 10 hoặc 11, điều này có thể đã làm giảm ý nghĩa tôn giáo của ngôi đền.

Hơn nữa, sự xuất hiện của Hồi giáo vào thế kỷ thứ 9 và thứ 10 cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng sang tôn giáo này vào thế kỷ 15 có thể đã làm giảm tầm quan trọng của Borobudur đối với những người Java cải sang đạo Hồi. Nhiều thế kỷ phun trào núi lửa và phát triển rừng nhiệt đới, cùng với các sự kiện thiên nhiên khác, có thể khiến ngôi đền bị bỏ hoang.

Ngôi đền phần lớn bị lãng quên cho đến đầu thế kỷ 19 khi Thomas Stamford Raffles, người quản lý thuộc địa Java của Anh, tổ chức một cuộc thám hiểm để khám phá lại ngôi đền vào năm 1814. Sau khi được phát hiện, địa điểm này trở thành điểm nóng cho các cuộc nghiên cứu và khảo cổ học.

Sau đó là một số nỗ lực để khôi phục lại Borobudur. Lần trùng tu đầu tiên diễn ra từ năm 1907 đến năm 1911, và lần trùng tu thứ hai hoàn thành vào năm 1983. Năm 1968, Indonesia đã phối hợp cùng Liên Hợp Quốc để khởi động một chiến dịch khôi phục Borobudur, và trong 15 năm tiếp theo, 20 triệu đô la đã được huy động để hỗ trợ quá trình trùng tu này.

Nguồn: Tổng hợp

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.