Bức tranh thôn quê yên ả, thanh bình qua những câu ca dao, tục ngữ chứa hình ảnh con trâu

10/11/2021 18:17
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người xưa đã đưa hình ảnh con trâu vào ca dao, tục ngữ với một thái độ yêu mến, trân trọng, gửi gắm nhiều lời khuyên, đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng từng biết đến bài ca dao: Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công. Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Con trâu như một người bạn thân thiết, gần gũi của người dân lao động. Người nông dân gọi trâu bằng giọng tâm tình, thủ thỉ: "Trâu ơi, bảo trâu này"… Tiếng gọi thân quen ấy như xóa đi khoảng cách giữa loài vật với con người. Trâu với người rất thân thiết, họ cùng nhau ra đồng, cùng nhau trải qua những ngày tháng làm việc vất vả, cực nhọc.

Công việc cày bừa rất nặng nhọc, nếu chỉ dựa vào sức người thì không thể nào làm nổi. Người nông dân khẳng định nhờ có con trâu chia sẻ, giúp đỡ mà việc nhà nông trở nên dễ dàng, thuận lợi, mùa màng bội thu. Người nông dân xưa cũng rất yêu lao động, luôn gắn bó với nghề nông và có thái độ trân quý con trâu – vừa là bạn, vừa là đối tượng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Câu ca dao: Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, là một bức tranh về cuộc sống lao động nơi vùng thôn quê yên ả, thanh bình. Trong bức tranh là cảnh làm việc rất hăng say của hai vợ chồng với sự phối hợp nhịp nhàng: chồng cày, vợ cấy. Họ đang tích cực bắt đầu một mùa vụ mới với hy vọng công sức mình bỏ ra hôm nay sẽ hứa hẹn mùa vàng mai sau.

Bức tranh lao động nơi đồng quê không có âm thanh, chỉ nổi bật bóng dáng con người cần cù, nhẫn nại làm việc, và có sự xuất hiện của con trâu – con vật không thể thiếu khi hỗ trợ việc đồng áng. Con trâu cũng như chủ của mình, rất hăng hái, cần cù làm việc – là biểu tượng cho cuộc sống ấm no, bình dị mà hạnh phúc.

Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Văn hóa nông nghiệp, bản sắc con người Việt từ biểu tượng con trâu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ST

Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu. Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày. Ai ơi! Bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng? - bài ca dao là lời tâm sự của người nông dân xưa về công việc đồng áng rất vất vả. Đã gắn bó với nghề nông, họ phải thức khuya dậy sớm từ rạng sáng, mang theo công cụ lao động: cái cày, con trâu. 

Họ đi làm khi trời còn mờ hơi sương, cùng con trâu đi cày với niềm hy vọng công sức của mình sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những cây lúa trĩu vàng bông. Để có được "bát cơm đầy", người nông dân phải trải qua quá trình lao động, làm việc vất vả trên đồng. Và để có được thành quả lao động, họ luôn thầm nhủ phải trân quý công sức và những giọt mồ hôi của mình đã đổ ra trên đồng. Bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó, chịu khổ là phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Hồn dân tộc qua ca dao, tục ngữ: Văn hóa nông nghiệp, bản sắc con người Việt từ biểu tượng con trâu - Ảnh 2.

Hình ảnh con trâu đi vào nhiều tác phẩm hội họa

Con trâu không chỉ là biểu tượng của lao động và phẩm chất của người nông dân, trong ca dao, tục ngữ, hình ảnh con trâu còn biểu trưng cho tình cảm lứa đôi: Trăm năm còn có gì đâu/ Miếng trầu liền với con trâu một vần.

Hôn nhân của người Việt không thể thiếu miếng trầu cay bởi Miếng trầu là đầu câu chuyện. Có trầu mới khai khẩu. Ở đây, Miếng trầu liền với con trâu một vần thể hiện tầm quan trọng của con trâu giống như miếng trầu trong ngày cưới. Nó như là một sính lễ mà nhà trai gửi gắm cho nhà gái với ước mong cuộc sống lứa đôi trọn vẹn, hạnh phúc.

Ngoài ra, người nông dân còn mượn hình ảnh con trâu để nói lên kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ trong cuộc sống: Trâu buộc ghét trâu ăn.

Câu tục ngữ không đơn thuần chỉ nói về con trâu, mà thông qua hình ảnh con trâu để nói lên tính cách của con người. Ngụ ý phê phán những kẻ thua kém, hạn chế về năng lực nhưng lại không biết mình biết ta, luôn tỏ thái độ ghen ghét, đố kị với người khác.

Hay câu Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi, khuyên người nông dân chọn mua trâu cày bừa thì xem vó để biết con nào khỏe mạnh, sức bền deo dai sẽ giúp ích nhiều trong việc đồng ruộng; khuyên người con trai xem nguồn gốc, họ hàng của người con gái để cưới làm vợ.

Có thể thấy hình ảnh con trâu gần gũi, thân thuộc nhưng khi đi vào ca dao, tục ngữ, lại mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, thể hiện rõ nét văn hóa nông nghiệp và bản sắc của con người Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.