Các tôn giáo đều coi hiếu thảo là cốt lõi trong đời sống gia đình

31/08/2023 15:35
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các tôn giáo thông qua hệ thống giáo lý, kinh sách, luật lệ, lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo đều đề cao giá trị hiếu thảo, xem đây là một trong những giá trị trung tâm, cốt lõi trong đời sống gia đình của mỗi người.

Hiếu thảo là một truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu của người Việt, được xem như nền tảng. Với người Việt theo tín ngưỡng truyền thống thì thờ cúng tổ tiên là thể hiện của lòng hiếu thảo con cháu đối với ông bà cha mẹ. Với Phật giáo hay các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Hiếu rất được coi trọng qua giáo thuyết và cung cách thực hành lễ nghi.

Trong khi đó, với những tôn giáo như Công giáo, Tin lành khi mới du nhập vào Việt Nam, một trong những va chạm, xung đột trên phương diện văn hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả là quan điểm trong vấn đề thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, với các tôn giáo theo truyền thống Kitô giáo, biểu hiện của lòng hiếu thảo không thấy được qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên nên trong một thời gian dài đã diễn ra xung đột với văn hóa truyền thống của người Việt.

Ảnh minh họa

Đến sau Công đồng Vatican II (1962 - 1965), người Công giáo Việt Nam đã được chính thức tổ chức và tham dự các nghi lễ tôn kính ông bà tổ tiên theo phong tục Việt Nam.

Về cơ bản không có sự khác biệt lớn giữa tín ngưỡng truyền thống của người Việt và các tôn giáo đối với vấn đề hiếu thảo trong gia đình. Cả tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo đều đề cao giá trị này trong gia đình. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong từng tôn giáo cụ thể khi vấn đề hiếu thảo được hiểu rộng ra ở phạm vi đối với người còn sống và đã qua đời.

Với người còn sống thì hầu như không có sự khác biệt, nhưng với người đã qua đời thì tùy theo từng tôn giáo mà quan điểm và cách thể hiện khác nhau. Ví dụ, theo tín ngưỡng truyền thống, người thân hay tổ tiên đã qua đời có thể "ban phúc" hay "giáng họa" cho những người còn sống, vì vậy, việc cúng giỗ và các nghi thức dành cho người qua đời rất quan trọng.

Trong khi đó theo quan điểm của Công giáo thì "người đã qua đời không thể ban phúc hay giáng họa cho người đang sống. Hàng năm đến ngày người thân qua đời, hình thức là tưởng niệm, xin kinh hoặc đọc kinh" nhằm cứu rỗi cho linh hồn người thân của mình nơi luyện ngục. Sau khi du nhập vào Việt Nam, trong nhiều quy định và thực hành của Công giáo đối với người qua đời mang nhiều nét cho thấy có sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ. Nhưng đằng sau tất cả những quan điểm hay biểu hiện này đều hướng tới việc đề cao lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu, thế hệ đi sau đối với ông bà, tổ tiên và những người đi trước. Từ đó vun đắp, xây dựng gia đình…

Giá trị hiếu thảo theo quan điểm của các tôn giáo có một số điểm chung là trên phương diện thế tục thì con cái cần phải quan tâm, chăm sóc khi cha mẹ còn sống, cả về mặt vật chất nhưng tinh thần cũng quan trọng không kém.

Khi cha mẹ qua đời thì các tôn giáo đều có những nghi lễ để giúp cho người quá cố siêu thoát/lên thiên đàng,… tùy theo cách gọi của từng tôn giáo. Việc tưởng nhớ, hay cúng giỗ cũng thể hiện sự hiếu thảo của đạo làm con.

Tuy nhiên, theo tinh thần của các tôn giáo thì việc cúng giỗ cha mẹ nên được cân bằng, không nên tổ chức linh đình, tốn kém trong khi cha mẹ còn sống thì bỏ bê không chăm sóc. Bên cạnh đó, sự hiếu thảo còn thể hiện cả trên phương diện của đời sống tâm linh, đó là sự chăm lo về phần hồn cho cha mẹ, ví dụ con cái là tín đồ của tôn giáo mà cha mẹ còn chưa theo thì cần phải hướng để cha mẹ được cứu rỗi cả phần linh hồn khi tin theo đạo.

Nhìn chung, các tôn giáo thông qua hệ thống giáo lý, kinh sách, luật lệ, lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo đều đề cao giá trị hiếu thảo, xem đây là một trong những giá trị trung tâm, cốt lõi trong đời sống gia đình của mỗi người. Mặc dù biểu hiện của lòng hiếu thảo có thể khác nhau ở mỗi tôn giáo nhưng điểm chung là đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của thế hệ con cháu đối với thế hệ ông bà, cha mẹ. Đầu tiên là thể hiện khi ông bà, cha mẹ còn sống trên cõi đời, tiếp đến là cách ứng xử khi người đã qua đời. Việc phát huy giá trị tôn giáo trong duy trì truyền thống hiếu thảo được xem là nền tảng đầu tiên để hướng con người ta đến chân, thiện, mỹ.

Hiếu không đơn thuần chỉ là hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ mà hơn thế nữa, suy rộng ra chữ Hiếu còn bao gồm các mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình dòng tộc, là sự ghi nhận, tưởng nhớ của con của thế hệ sau đối với thế hệ trước.

Tư tưởng của các tôn giáo khuyên con người luôn nhớ đến "đạo hiếu", lấy chữ hiếu làm đầu trong giáo dục tín đồ, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam trong xây dựng văn hóa gia đình, tế bào của xã hội. Đạo hiếu chính là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần khích lệ mọi người quan tâm lẫn nhau, phát huy giá trị nhân bản và lan tỏa yêu thương.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn