Campuchia: Nhiều nhà sư dùng TikTok để truyền bá đạo Phật

17/03/2023 10:12

Một số nhà sư đang sử dụng TikTok để truyền bá đạo Phật nhưng điều này cũng đặt ra một mối nguy mới cho cộng đồng Phật giáo ở Campuchia khi nhảy múa, ca hát và tìm kiếm danh tiếng, là vi phạm quy tắc tu viện.

Sau khi hoàn thành việc học và cầu nguyện, Bo Pisey, một tu sĩ Phật giáo 22 tuổi người Campuchia, vào phòng riêng với chiếc điện thoại, khóa cửa và ngồi trên giường. Tại đó, người tu sĩ chỉnh sửa video TikTok trong nhiều giờ để chia sẻ với 132.000 người theo dõi của mình trước khi đi ngủ.

Khi những người khác trong tu viện bận học hoặc tụng kinh thì Pisey ghi âm, xem hướng dẫn chỉnh sửa và cắt cảnh. Họ vẫn trêu chọc Pisey về sở thích này, ngay cả sau khi lượng người xem của vị tu sĩ bùng nổ sau hai video làm thơ đăng trong thời gian phong tỏa Covid-19.

"Họ như kiểu: Việc này có lợi gì? Tại sao phải dành hàng giờ cho việc này?", Pisey nói với Rest of World từ tu viện ở thành phố Battambang phía tây bắc. Vị tu sĩ nói tiếp: "Thật sự, tôi chỉ muốn truyền bá chánh pháp. Tôi không nhận được điều gì từ việc này, nhưng tôi thích làm vậy".

Campuchia: Sự nổi lên của các nhà sư TikTok - Ảnh 1.

Bo Pisey, một tu sĩ 22 tuổi, có hơn 130.000 người theo dõi trên TikTok

Sự nổi lên của các nhà sư TikTok

TikTok đã trở thành một động lực trong lĩnh vực giải trí tại Campuchia, nơi mà theo công ty mẹ ByteDance, tính đến đầu năm 2022, 6,7 triệu người trưởng thành trong tổng số 17 triệu dân đang sử dụng ứng dụng này. Lướt qua TikTok của Campuchia chủ yếu sẽ thấy những người nổi tiếng khoe quần áo sang trọng, những thanh thiếu niên nhảy theo nhạc và nhiều người bán sản phẩm skincare.

Tuy nhiên trong vài năm qua, một nhóm các nhà sư siêu sao cũng tạo ra thị trường cho riêng mình, họ sử dụng TikTok để thuyết giảng các nguyên tắc và giáo lý đạo Phật. Số lượng người theo dõi của Pisey rất khiêm tốn so với một số vị có hơn nửa triệu người theo dõi.

Sự nổi lên của MonkTok (từ ghép giữa Monk và TikTok) cũng đặt ra một mối nguy mới cho cộng đồng Phật giáo ở Campuchia khi nhảy múa, ca hát và tìm kiếm danh tiếng, những điều gần như bắt buộc với các ngôi sao TikTok, là vi phạm quy tắc tu viện. Những người vi phạm quy tắc nghiêm trọng nhất có thể bị đuổi khỏi tăng gốc. Khi sử dụng TikTok, các vị sư phải cân bằng giữa việc giải trí cho người theo dõi mà không làm tổn hại đến Phật giáo và phổ biến giáo pháp mà không khiến người xem thấy xa lạ.

Campuchia: Sự nổi lên của các nhà sư TikTok - Ảnh 2.

Pisey sống tại Wat Kor ở Battambang, một thành phố có hơn 119.000 dân ở phía tây bắc Campuchia.

Trong nhiều năm, các nhà sư đã sử dụng YouTube và Facebook để đưa ra lời khuyên, chia sẻ clip từ các bài phát biểu và thậm chí theo dõi bầu cử và nạn phá rừng thông qua livestream. Nhưng TikTok đại diện cho một thách thức khác: sự chuyển dịch đến đối tượng khán giả trẻ hơn với mong muốn xem các nội dung ngắn và theo xu hướng.

Trong khi nhiều tu sĩ như Pisey nói rằng họ đến với TikTok để truyền bá giáo pháp, thì những người khác cho rằng việc sử dụng nền tảng này là sai. Tài khoản của một số nhà sư trẻ cũng không thể phân biệt được với người bình thường vì đăng các nội dung không phù hợp.

"Mọi thứ đang thay đổi. Chúng tôi vẫn có thể truyền bá Phật pháp mà không cần phải đến bất cứ nơi nào, vì mọi người chỉ cần mở điện thoại lên. Thời đại thay đổi khi trải qua những thời điểm khác nhau, nhưng mục đích của chúng tôi không thay đổi", Hak Sienghai, một nhà sư TikTok 38 tuổi ở Battambang, nói.

Campuchia: Sự nổi lên của các nhà sư TikTok - Ảnh 3.

Tài khoản TikTok của Hak Sienghai, 38 tuổi, có hơn 500.000 người theo dõi.

Một cách truyền bá giáo lý Phật giáo

Sienghai, người có hơn 500.000 người theo dõi trên tài khoản TikTok, ủng hộ các nhà sư khác sử dụng nền tảng này, nhưng có lời khuyên cần cẩn thận khi đăng tải nội dung. Lần đầu tiên sử dụng TikTok vào năm 2020, Sienghai đăng các bài học ngữ văn và tiếng Khmer trước tấm bảng trắng. Tuy nhiên theo thời gian, Sienghai đã chuyển sang phong cách kết hợp nội dung mô phạm với nụ cười vui vẻ và khiếu hài hước".

"Tôi cố gắng giúp người theo dõi trên TikTok gần gũi hơn với tôi nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định qua các tương tác trên ứng dụng này", Sienghai nói và chia sẻ thầy thường thảo luận những nội dung đăng lên TikTok với các thành viên ban quản trị nhà chùa và các vị sư nổi tiếng khác, làm gương cho các nhà sư khác rằng ứng dụng này không hoàn toàn tách biệt với nghĩa vụ tôn giáo của họ. "Họ không biết cách sử dụng TikTok để tạo ra tác động. Tôi lo lắng điều đó".

Pisey, người đi tu khi mới 12 tuổi, thoải mái hơn trong việc sử dụng cá tính của mình để giảng dạy giáo pháp. Thầy tải TikTok ngay sau khi bắt đầu học cử nhân và thấy một số sinh viên dán mắt vào ứng dụng này trong giờ học. Mặc dù khoảng 70% dân số Campuchia sử dụng Facebook, nhưng "hầu hết các video đều dài, giống như trên YouTube. Xem lâu như vậy rất khó", Pisey cho biết.

Tháng 4/2021, trong bối cảnh phong tỏa do Covid-19 ở Phnom Penh, Pisey đã đọc một bài thơ và đăng video lên TikTok. Bài thơ bắt đầu: "Mọi người được yêu cầu ở nhà để tránh dịch bệnh. Người giàu có thể ở nhà mà không cần lo lắng, nhưng người nghèo thì không". Đoạn video bùng nổ với hơn 400.000 lượt xem. Pisey vô cùng sửng sốt, đó là trải nghiệm đầu tiên khi video của thầy được lan truyền. "Tôi đã rất ngạc nhiên. Cảm giác đó thúc đẩy tôi tiếp tục".

Kể từ đó, Pisey tập trung vào việc đăng các clip ngắn, đơn giản có hình minh họa cho đến lồng tiếng chuyện hoặc nguyên tắc Phật giáo. Thầy tránh xa những nội dung khác không phù hợp với giáo lý đạo Phật. "Sử dụng TikTok để truyền bá giáo pháp là một cách thực sự tốt để tương tác với mọi người".

Pisey chuẩn bị một video TikTok để đăng lên tài khoản

Ranh giới giữa thế giới thực và TikTok

Các nhà sư Campuchia, những người thực hành Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy), phải tuân theo các quy tắc khác với người bình thường. Bộ luật tu viện, có 227 điều luật, cấm những hành vi như tình dục, ăn sau buổi trưa và nằm giường quá thoải mái. Ngay cả các nhà sư mới cũng phải tuân theo nhiều giới luật cơ bản bao gồm kiềm chế sát sinh, trộm cắp, nói dối, ca hát và nhảy múa.

Nó được thực thi bởi một hệ thống quản lý đa tầng dưới sự điều hành của hội đồng sư trụ trì quốc gia. Theo Yon Seng Yeath, quyền phó hiệu trưởng tại một trường đại học Phật giáo ở Phnom Penh, ít nhất một nửa các quy tắc nhằm ngăn chặn các nhà sư tìm kiếm sự nổi tiếng hoặc sự ngưỡng mộ từ công chúng, những hành động đối nghịch lại việc trở thành ngôi sao trên TikTok.

Campuchia: Sự nổi lên của các nhà sư TikTok - Ảnh 5.

Hak Sienghai tặng sách cho một em nhỏ trong buổi gặp gỡ khách du lịch

San Pisith, một nhà sư 31 tuổi đang học tiến sĩ ở Estonia, gần đây đã viết một bài cảnh báo các nhà sư không nên thu hút chú ý trên mạng xã hội và kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia đưa ra hướng dẫn chặt chẽ hơn, như quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Mặc dù không cho rằng các nhà sư nên hoàn toàn từ bỏ mạng xã hội, nhưng thầy muốn thấy "100% nội dung mang tính giáo dục" được tạo ra. Đó là một trong những cách lý tưởng nhất để đối phó với các vấn đề về mạng xã hội vì khi các tài khoản tìm cách phát triển hoặc tương tác với những người theo dõi, họ có nguy cơ vi phạm các nguyên tắc như chánh niệm và sự buông bỏ.

"Mục đích chính của bạn là giảng pháp cho đại chúng. Sợ hãi và lo lắng việc không đăng những nội dung thịnh hành sẽ giảm số lượng người theo dõi mình không phải là điều đúng đắn khi là một nhà sư", San Pisith nói.

Seng Yeath cho biết: "Các nhà sư phải cố gắng hiểu đâu là sự khác biệt giữa TikTok và thế giới thực. Đối với tôi, đó là cùng một thế giới nhưng với các cửa sổ khác nhau".

Nguồn: Rest of World

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn