Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài cuối): Giải thoát khỏi phiền não

Để cuộc sống cân bằng nên giải thoát khỏi phiền não…

Để cuộc sống cân bằng nên giải thoát khỏi phiền não…

Những phiền não trong cuộc sống hằng ngày như lo âu, sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng... gây nên đau khổ. Những phiền não không được loại trừ, ngày ngày sẽ càng ăn sâu tạo thành gốc rễ. Để cuộc sống cân bằng, trước hết chúng ta cần giải thoát phiền não…

Một sự mất cân bằng trong cuộc sống xuất hiện có thể do những yếu tố bên ngoài tác động vào như hoàn cảnh, môi trường. Nhưng những nguyên nhân chủ yếu chúng ta có thể thấy đa phần là do nội tâm của bản thân, từ những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực gây ra phiền não ảnh hưởng đến chính cuộc sống của mình.

Những phiền não trong cuộc sống hàng ngày như lo âu, sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng... gây nên đau khổ. Những phiền não không được loại trừ, ngày ngày sẽ càng ăn sâu tạo thành gốc rễ. Để cuộc sống cân bằng, trước hết chúng ta cần giải thoát phiền não, không để cho chúng xen vào gây cản trở và nhiều khi chi phối chúng ta, có thể tiếp nhận và thực hành một số phương pháp dưới đây:

Giữ thái độ hài hòa (trung đạo): Trung đạo không phải là ép mình nhưng cũng không buông thả, luôn có sự thư giãn, không chống đối, cũng không cố gắng làm cho nó phải khác đi. Bởi vì mọi sự đều do duyên rồi có, có rồi phải mất.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài cuối): Giải thoát khỏi phiền não - Ảnh 1.

Những phiền não trong cuộc sống hằng ngày như lo âu, sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng... gây nên đau khổ

Vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách kiên nhẫn chờ cho nó qua đi. Khi giận, chúng ta nên án binh bất động, lúc này ta có thể trở về với hơi thở, thở vào "Bụt ơi! Con đang giận, con đang khổ", thở ra "Bụt ơi! Giúp cho con với", có thể tập thiền kiềm chế cơn giận qua từng nhịp thở trong mỗi bước chân, đây là năng lượng của chánh niệm. Khi trở về với hơi thở, thực hành thiền thì mình đã chiến thắng mình và có thể giúp cho người kia, tức là làm cho mình bớt khổ và không gây khổ cho người khác.

Nếu bạn vững hơn thì bạn có thể thực tập một phương pháp cốt lõi trong giáo lý Phật giáo, đó là thực tập chánh niệm. Chánh niệm có thể chuyển hóa mọi tâm hành. Thực tập chánh niệm là một nghệ thuật nghỉ ngơi trong tỉnh thức. Chúng ta cần thực tập từ từ, năng lượng chánh niệm càng lớn thì sự chuyển hóa càng dễ. Chánh niệm là trái tim của sự thực tập thiền quán, chánh niệm là năng lượng có thể chuyển hóa mọi tâm hành, vì trong chánh niệm có trí tuệ, có từ bi, chánh niệm nó đưa tới các tâm sở thiện khác như vô tham (sự vắng mặt của tham dục); vô sân (sự vắng mặt của giận hờn); vô si (sự vắng mặt của u mê, hiểu lầm)... Có chánh niệm chúng ta có thể chuyển hóa được phiền não, biến khổ thọ thành lạc thọ.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài cuối): Giải thoát khỏi phiền não - Ảnh 2.

Tập thiền có thể giúp cân bằng cuộc sống

Nuôi dưỡng tâm bình yên: Cuộc đời là tập hợp những điều như ý và bất như ý. Chúng ta thường chỉ chấp nhận những điều như ý, theo ý muốn của mình và sẵn sàng tránh né những điều bất như ý. Tránh né không được, kháng cự cũng không xong vì vậy chúng ta khổ. Giải pháp đúng đắn nhất là chấp nhận những điều bất như ý cũng như chúng ta đã từng chấp nhận những điều như ý.

Chúng ta nên dành cho bản thân thời gian gác lại công việc để nhìn lại mình, nhìn lại thái độ sống, thái độ hành xử của mình. Có phải những khổ đau, bất an mà chúng ta có là do chúng ta mải mê chống cự lại hoàn cảnh hay cái khác hay không, có phải vì thiếu chấp nhận nên chúng ta trở nên mệt mỏi và bệ rạc hay không? Hãy thử liệt kê những điều bất như ý, từ những điều nhỏ nhặt đến lớn lao, trước đó hãy nên ngồi thiền hoặc thiền hành cho khỏe, cho lắng đọng, cho nhận thức được sáng tỏ.

Có thể thực hành ghi ra những điều mình đang hứa thực hiện vào mẩu giấy nhỏ, dán vào đâu đó trong phòng, nơi mà mình thường tập trung đến để mình luôn được nhắc nhở. Rồi chúng ta sẽ thấy, càng chấp nhận thì trái tim chúng ta càng rộng lớn và không gian sống của chúng ta sẽ rộng thênh thang. Chấp nhận để đi tới, chấp nhận không phải buông tay hay thua cuộc.

Thực tập quan sát phiền não: Muốn giải thoát phiền não, trước hết ta nên đối mặt với nó. Thiền chính là thái độ quay vào bên trong để quan sát chính mình, tìm một chỗ an toàn để nương tựa. Trong trường hợp không thể quan sát được phiền não của mình thì không nên tự ép buộc tâm mình, thay vào đó mình học cách thư giãn và buông xả trút bỏ phiền não. Nhờ có sự thư giãn, buông xả sẽ mau chóng lấy được sự cân bằng.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài cuối): Giải thoát khỏi phiền não - Ảnh 3.

Bản thân dám đối đầu với phiền não và kiên trì quan sát để phiền não suy yếu đi là bắt đầu tạo cơ hội cho ánh sáng trí tuệ đi tới. Mỗi giây phút là một cơ hội để phát triển chánh niệm, cho trí tuệ ra đời, vì thế đừng hoang phí thời gian vào những việc không cần thiết để tránh những phiền não lấn áp năng lượng chánh niệm của mình.

Học cách yêu thương chính mình: Hãy học cách yêu thương bản thân rồi mới bắt đầu thương yêu người khác. Đức Phật nói có bốn chất liệu để nói lên tình thương chân thật: Từ - một cái tôi có khả năng hiến tặng những giá trị có tính chất nuôi dưỡng, hướng thượng tâm hồn, những giá trị có thể làm cho đối tượng mình thương yêu được bình an và hạnh phúc hơn; Bi – chất liệu của sự chia sẻ nỗi buồn, niềm đau; Hỷ - chất liệu của sự nâng đỡ, đồng thuận cho ước vọng, đam mê của đối tượng thương yêu, giúp họ thực hiện hoài bão; Xả - buông xả, không chấp nhất, sự cởi mở, tự do, không ràng buộc.

Chúng ta có khả năng cho đi những giá trị tốt đẹp và có khả năng nhường nhịn, bao dung, tha thứ cho những yếu kém, lầm lỡ của người khác. Nếu chúng ta không có khả năng đó thì đừng thương yêu, bởi nếu không có hai khả năng đó mà thương yêu thì khiến đối tượng thương yêu của chúng ta sẽ khổ và chúng ta cũng khổ.

Thương yêu không phải sự trao đổi, thỏa mãn về cảm xúc mà nó là sự hiến tặng, sẻ chia, sự tùy thuận, buông xả. Có những nghịch cảnh, nghịch duyên bên ngoài gây ra khổ đau cho chúng ta, nhưng Đức Phật nói rằng thật ra những cái bên ngoài chỉ là tác nhân, đóng vai trò phụ còn nguyên nhân chính yếu là ở bên trong chúng ta, khổ đau đến từ bên trong, hạnh phúc cũng đến từ bên trong.

Đức Phật nói rằng trong mỗi chúng ta đều có hạt giống tốt và hạt giống không tốt, tùy vào cách sống của chúng ta mà hạt giống nào được nuôi dưỡng nhiều hơn. Một người sở hữu cái tôi bé nhỏ là cái tôi biết nhường nhịn, biết bao dung cho lầm lỡ của người khác, biết tôn trọng người khác. Một cái tôi bé nhỏ là cái tôi có dung lượng trái tim lớn, luôn có khuynh hướng muốn đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người hơn cho mình.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài cuối): Giải thoát khỏi phiền não - Ảnh 4.

Yêu thương bản thân là cách để bạn hạnh phúc

Như vậy, giải thoát phiền não trong cuộc sống là việc mà chúng ta không thể ngày một ngày hai làm được, chúng ta cần dành thời gian và thực tập có kế hoạch. Nếu chúng ta thực hành đúng, biết cách nhìn nhận phiền não mà hàng ngày chúng ta phải đối mặt, biết cách chuyển hóa mọi phiền não, không để nó chế ngự bản thân thì sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc và an nhiên chân thật.

Giải thoát phiền não bằng việc chúng ta nhìn nhận phiền não, giữ thái độ hài hòa, học cách vượt qua cảm xúc tiêu cực, thực tập chánh niệm nuôi dưỡng mọi tâm hành, học cách chấp nhận và yêu thương chính mình giúp cho ta biết mình đang lệch về hướng nào và có thể lấy lại cân bằng.

Sống cân bằng không khó nếu chúng ta hiểu đúng và thực hành đúng, từ đó sẽ tìm ra niềm vui, hạnh phúc chân thật từ trong chính chúng ta và cuộc sống xung quanh. Muốn cân bằng cuộc sống chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình và nên nhớ "Ta của ngày hôm nay không phải ta của ngày hôm qua", mọi thứ có thay đổi thì cũng hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.