Cần giải pháp bền vững để người trồng cam không khóc vì được mùa

27/04/2023 17:27
Hội LHPN huyện Văn Chấn, Yên Bái, tích cực giới thiệu sản phẩm vùng miền tại các hội chợ...

Hội LHPN huyện Văn Chấn, Yên Bái, tích cực giới thiệu sản phẩm vùng miền tại các hội chợ...

Xã Tân Thịnh là cửa ngõ của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - đây cũng là địa bàn phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn có múi, loại cây giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nơi đây cũng tồn tại nghịch lý, có những năm người dân khóc ròng vì… được mùa, cây cho nhiều trái…

Không tiêu thụ được vì… trái lớn

Những năm trước đây, cây cam Văn Chấn là một trong những cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện. Thậm chí cây cam còn được xem là cây làm giàu, giúp nhiều người thay đổi cuộc sống. Tân Thịnh cũng là một xã phát triển mạnh việc trồng cây có múi.

Theo thống kê, xã Tân Thịnh có trên 300 ha trồng cây ăn quả, với khoảng 170 ha trồng các loại cam. Xã có trên 100 hộ trồng cam (chủ yếu là cam Vinh và cam Đường canh). Cây ăn quả có múi đã đem lại thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã.

Tân Thịnh là một xã phát triển mạnh việc trồng cây có múi - Ảnh minh họa

Chị Phạm Thùy Giang, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Khe Sừng, xã Tân Thịnh- cũng là hộ gia đình trồng cây có múi chia sẻ, thu nhập của người dân trong thôn chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây ăn quả (cam, chanh). Tuy nhiên, cũng có những năm người dân rơi vào cảnh khóc ròng vì… được mùa.

"Có năm cam chỉ 2-3.000 đồng/kg, bí 1,5-2.000 đồng/kg, chè tươi 3-4.000 đồng/kg… Số tiền này không đủ bù tiền phân đạm (giá 20.000 đồng/kg, hiện tại là 16.000 đồng/kg)"- chị Thùy Giang chia sẻ.

Chị Thùy Giang thông tin thêm: Thực tế, sản phẩm đầu ra của người dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên không ổn định, không chủ động được nguồn hàng, đầu ra bấp bênh; liên hệ với một số nhà phân phối lớn thì họ nói có thể thu mua nhưng yêu cầu cam canh quả phải nhỏ từ 9 đến 14 quả/1kg, lượng tiêu thụ 5-6 tấn đến 14 tấn/ngày. Yêu cầu này, người dân không đáp ứng được vì cây được trồng theo quy trình tự nhiên nên quả to (6-7 quả/1 kg) và không được giá.

Cần giải pháp bền vững để người trồng cam không khóc vì được mùa - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thịnh Nguyễn Thị Hà

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thịnh Nguyễn Thị Hà cũng xác nhận điều này và cho biết thêm, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh phân phối trên mạng, trực tiếp nhưng lượng tiêu thụ không ổn định. Hội LHPN huyện, tỉnh cũng hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa cao. Những năm được mùa, giá thấp, chúng tôi cũng kêu gọi giúp đỡ… qua nhiều kênh.

"Nhiều buổi tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap, sản phẩm hữu cơ lành và sạch, có thể có chỗ đứng vững trên thị trường đã được Hội LHPN tổ chức!"- bà Nguyễn Thị Hà thông tin.

Cần có những giải pháp lâu dài

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái Hoàng Phương Thúy cho biết, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ được Hội LHPN rất quan tâm. Hội LHPN đã rất chủ động làm việc với các ngành chức năng như nông nghiệp, sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Yên Bái đến các vùng miền. Thực tế, có chuyện "được mùa, mất giá", thí dụ như cam quýt có những thời điểm rớt giá, rất thương người nông dân khi chanh quả chỉ có 2.000 đồng/kg...

Theo bà Hoàng Phương Thúy, Trung tâm hỗ trợ phụ nữ Yên Bái- đơn vị trực thuộc Hội LHPN tỉnh cũng tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Để tìm được đầu ra cho sản phẩm, các chị em cũng phải lăn xả, năng động kết nối với các siêu thị, doanh nhân… Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái cũng đứng ra mời thầu, thí dụ như tìm được đầu ra cho quả táo mèo Mù Cang Chải…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Yên Bái cho rằng về lâu dài, cần những giải pháp mang tính bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm, đây là câu chuyện chung, không phải với riêng Yên Bái bởi có thời gian Sơn La cũng có cảnh được mùa mất giá như vậy. Rõ ràng để bán được hàng thì phải có thương hiệu, có hợp tác xã đảm bảo tính liên kết chuỗi tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Hoa quả có thời gian rẻ quá cho không đắt tức là rẻ đến mức độ công thu hoạch còn đắt hơn. Nếu đồng bộ được, thí dụ như ở vùng trồng cây có múi, có nhà máy để sơ chế hoặc sản xuất nước cam ép giữ nguyên được chất lượng thì chắc chắn có đầu ra vì một cốc nước cam vắt trên thị trường giá cũng 30 nghìn đồng rồi. Hay như có sự liên kết giữa các vùng trong việc tiêu thụ sản phẩm, bên công thương tổ chức nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại…

"Chỉ khi làm được đồng bộ thì mới không lo cảnh trái cây chất đống trong nhà vì giá chỉ vài nghìn; hoặc người dân tràn ra hai bên đường bán sản phẩm. Nhìn cảnh đó xót xa lắm vì đây đều là những loại cây lâu năm, trồng vài năm mới được thu hoạch"- bà Hoàng Phương Thúy chia sẻ.

Nâng cao chất lượng các vùng sản xuất cây ăn quả

Để tiếp tục hình thành và nâng cao chất lượng các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cuối năm 2021, huyện Văn Chấn đã xây dựng Đề án "Phát triển cây ăn quả huyện Văn Chấn, giai đoạn 2021 - 2025". Theo Đề án, huyện sẽ hỗ trợ 70% giá giống để tiến hành các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để trồng mới, trồng thay thế, ghép cải tạo 195 ha cây ăn quả gồm: cam, nhãn, lê, hồng; phấn đấu đến năm 2025 có tổng quy mô diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt trên 3.300 ha, sản lượng đạt 45.000 tấn.

Đối với cây ăn quả quy hoạch trong đề án, mục tiêu đến năm 2025 có quy mô diện tích đạt trên 2.500 ha, sản lượng đạt 35.000 tấn; đảm bảo năng suất tăng từ 1,2 đến 2 lần so với hiện nay, đáp ứng nhu cầu quả của thị trường trong huyện, tỉnh và bán ra ngoài tỉnh.

Huyện cũng tiến hành quy hoạch, xác định vùng trồng; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cây ăn quả; bố trí 1 ha đất tại thị trấn Nông trường Trần Phú để làm vườn ươm cung cấp các giống cây trồng sạch bệnh, kịp thời cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo hệ thống khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm kịp thời chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất ngay từ các khâu chọn giống, trồng, chăm sóc thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh...

Trong những năm qua, huyện Văn Chấn luôn quan tâm, tạo điều kiện cung cấp giống, vốn cho nhân dân phát triển cây ăn quả, góp phần nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 2.800 ha. Một số địa phương đã sử dụng giống cây ăn quả tiến bộ, khả năng chống chịu sâu bệnh, chín trái vụ, giống có năng suất, chất lượng cao vào trồng.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.