Cần thêm chính sách hỗ trợ kịp thời nữ cán bộ y tế tham gia chống dịch

Minh Đức
26/08/2021 - 08:55
Cần thêm chính sách hỗ trợ kịp thời nữ cán bộ y tế tham gia chống dịch
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tính từ đầu năm 2020 đến nay đã có hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Những đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có nhiều nữ y, bác sĩ, thật lớn lao.

Đánh đổi cả mạng sống

"Gia đình và các đồng nghiệp sẽ mãi mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân". Đây là một trong những nội dung trong thư chia buồn của ông Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, gửi đến gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh (32 tuổi, nhân viên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương). Chị Trinh qua đời ngày 16/8 vừa qua vì nhiễm Covid-19 trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Khi tử vong, chị đang mang thai 20 tuần.

Dẫu biết trong cuộc chiến nào, kể cả với dịch bệnh, không tránh khỏi mất mát, đau thương nhưng sự ra đi của nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh và đứa con trong bụng thật đau xót. Ngày 22/8/2021, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cùng các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sĩ đối với điều dưỡng Dương Nguyễn Thùy Trinh.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, do biến chủng Delta gây ra, lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở phía Nam. Hàng chục nghìn cán bộ y tế phía Bắc đã vào miền Nam để hỗ trợ chính quyền và đồng bào miền Nam không chế, đẩy lùi dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 23/8, đã có trên 17.500 sinh viên ngành y, cán bộ y tế, vào miền Nam hỗ trợ chống dịch.

Thật xúc động khi nhiều cán bộ y tế đã gửi 2 con nhỏ ở nhà để Nam tiến và nhiều cán bộ y tế đã phải gác lại tình riêng, hoãn cưới đến mấy lần để tham gia tuyến đầu chống dịch. Nhiều người khi cha mẹ mất đã không thể về chịu tang, nhìn mặt bố mẹ lần cuối.

Chăm sóc bệnh nhi như con

Khác với các đợt dịch trước, đợt dịch thứ 4 này khiến nhiều trẻ em mắc bệnh. Không như các bệnh nhi khác, trẻ mắc Covid-19 thì nhiều cha mẹ không thể vào bệnh viện chăm sóc con. Vì thế, những cán bộ y tế, chủ yếu là điều dưỡng, nữ bác sĩ, đã tận tâm chăm lo cho những bệnh nhi như đứa con của mình.

Chị Võ Thị Thanh Truyền, nhân viên y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil (Đắk Nông), từng là bệnh nhân Covid-19 sau khi tham gia hỗ trợ các địa phương trong tỉnh chống dịch. Khỏi bệnh, chị tình nguyện ở lại cơ sở chăm sóc các F0 nhỏ tuổi đang điều trị Covid-19.

Theo chị Truyền, cuối tháng 7 vừa qua, chị được đưa vào khu điều trị vì mắc Covid-19. Lúc nhập viện, chị gặp cháu V.T.P. (7 tuổi) là F0 trở về từ TPHCM. Thời điểm đó, cháu P. phải vào viện một mình do bố thì đang cách ly ở một khu vực khác còn mẹ cháu không nhiễm. Chứng kiến cảnh cậu bé 7 tuổi mang theo đồ đạc một mình vào khu cách ly, chị Truyền đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị, vừa điều trị bệnh, vừa chăm sóc cháu P.

Nữ cán bộ y tế tham gia chống dịch: - Ảnh 1.

Chị Võ Thị Thanh Truyền tình nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc trẻ nhiễm Covid-19

Hàng ngày, chị Truyền chăm sóc P. nằm li bì trên giường. Có đêm, cậu bé nhớ mẹ, chị Truyền ôm cháu vào lòng, vỗ về. Sau 14 ngày điều trị, chị Truyền được xuất viện, còn cháu P. vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2. Thương cháu không có người thân bên cạnh, chị Truyền đã tự nguyện ở lại để tiếp tục chăm sóc P. Thời điểm này, bệnh viện có thêm 2 bệnh nhi nhập viện điều trị Covid-19, trong đó có một cháu mới 8 tháng tuổi. Biết được hoàn cảnh của các cháu, nữ cán bộ y tế đã xin được chăm sóc cho đến ngày các cháu được xuất viện.

Cần thêm chính sách hỗ trợ kịp thời

Dù đã thực hiện nghiêm các biện pháp bảo hộ nhưng nhiều nhân viên y tế đã nhiễm Covid-19, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên y tế, như tập huấn kỹ các biện pháp tránh lây nhiễm, sử dụng đồ phòng hộ đúng quy định... Nhưng do làm việc tại cơ sở điều trị F0 nồng độ virus cao, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng. Trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu sơ suất thì có thể bị lây nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện K, vào chi viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM gần 1 tháng nay. Bác sĩ Tĩnh cho biết, lượng bệnh nhân quá đông, lại toàn ca nặng, khiến các y, bác sĩ phải chia 3 ca, 4 kíp làm việc, 8 tiếng ban ngày và 10 tiếng ban đêm trong bộ đồ bảo hộ cấp 4. Họ luôn phải cẩn trọng từng khâu.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, ngoài đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, y, bác sĩ còn chịu áp lực về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng...

Cần thêm chính sách hỗ trợ kịp thời nữ cán bộ y tế tham gia chống dịch - Ảnh 2.

Các điều dưỡng bệnh viện dã chiến Hoà Vang (Đà Nẵng) chia tay bệnh nhân mắc COVID sau khi được chữa khỏi. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, cho rằng, cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu, có thể là phụ cấp về độc hại, làm ngoài giờ... Đồng quan điểm này, TS. Phạm Thanh Bình cho biết, các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ. Quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng cần đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Có thể động viên F0 đã khỏi bệnh ở lại chăm sóc F0, nhằm giảm tải cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần lập thêm bộ phận tư vấn tâm lý để giảm stress cho y, bác sĩ. 

"Công đoàn Y tế Việt Nam đã 2 lần đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ. Về phía Công đoàn Y tế sẽ luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành cùng các y, bác sĩ nơi tuyến đầu", TS. Phạm Thanh Bình chia sẻ.

Thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ công đoàn viên tham gia chống dịch. Cụ thể, Công đoàn đã hỗ trợ trên 7.300 công đoàn viên y tế tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch, mỗi người một bộ sản phẩm dinh dưỡng trị giá 1 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền mặt. Công đoàn đang triển khai mua 10.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế chống dịch Covid-19...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm