Đối với đồng bào miền núi, các loại cây trồng để lấy sợi làm nguyên liệu dệt váy áo như lanh, đay, gai, bông vải là thứ cây trồng quan trọng sau cây lúa, hoa màu.

Cây lanh - nhựa sống của người Mông

Đối với đồng bào miền núi, các loại cây trồng để lấy sợi làm nguyên liệu dệt váy áo như lanh, đay, gai, bông vải là thứ cây trồng quan trọng sau cây lúa, hoa màu.

Trong các tộc người miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Mông, cây lanh là loại cây nguyên liệu chính để dệt váy áo, tạo ra sắc phục truyền thống dân tộc.

Nương lanh sắp thu hoạch của người Mông. Những bó lanh vừa được thu hoạch để làm sợi.

Cây lanh là loại cây ưa khí hậu ôn đới, có độ ẩm cao và nhiều ánh sáng, đất trồng lanh phải tốt, có độ phì nhiêu cao, thường ở ven chân núi hay các thung lũng. 

Ngay từ lúc 12- 13 tuổi, các cô gái Hmông đã được mẹ dạy cách trồng lanh. Các cô gái có nương trồng lanh của riêng mình để lấy sợi dệt vải may quần áo cho cha mẹ, anh, em và cho chính mình. 

Phải hai tháng rưỡi cây lanh mới cho thu hoạch. Thân cây lanh phơi khô tách lấy vỏ giã sạch rồi xe lại cho chắc và cuộc tròn lại. Để có được sợi lanh đều, nhẵn và trắng, người ta phải cuốn đi cuốn lại cả trăm lần cùng với nhiều công đoạn, các khâu kỹ thuật. 

Những sợi lanh vừa được se và giăng sợi lên khung để quấn thành búp sợi.

Người thợ thủ công phải có sự cần cù, chịu khó, kiên trì, nhẫn nại. Việc tước và nối các sợi lanh đều do người phụ nữ đảm nhận. Do công việc bận rộn, lại phải tranh thủ thời gian, vì thế người phụ nữ Mông đi đâu cũng mang theo vỏ lanh bên mình. Họ tranh thủ tước lúc đi đường, xuống chợ hay lúc nghỉ giải lao khi lao động...

Dệt vải lanh để làm nguyên liệu cắt may trang phục. Những tấm vải lanh vừa được dệt chuẩn bị in sáp ong, nhuộm màu chàm.

Hiện nay, cây lanh vẫn còn trồng phổ biến ở vùng đồng bào Mông. Gia đình nào cũng có khung dệt vải lanh, mỗi năm một người phụ nữ Mông có thể dệt 4-5 tấm vải lanh. Hầu hết các nhóm địa phương Mông đều có truyền thống trồng lanh và dệt váy áo lanh. 

Váy lanh của phụ nữ Mông là loại váy kín, nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Màu sắc, hoa văn trên chiếc váy áo là một tiêu chuẩn để nhận biết các nhóm Mông như Mông hoa, Mông xanh, Mông đen, Mông trắng, Mông đỏ... 

Từ trái qua, từ trên xuống dưới: Đun sáp ong để vẽ hoa văn trên nền vải lanh. Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên bề mặt vải lanh. Tấm vải lanh đã vẽ đầy hoa văn, chuẩn bị mang đi nhuộm màu và các sản phảm từ sợi lanh.

Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa. Tạp dề mang trước bụng thả xuống chân làm cho người mặc càng thêm duyên dáng.

Trang phục của cô gái Mông xanh (trái) và thiếu nữ Mông hoa.

Cây lanh chẳng những là thứ cây trồng làm nên nguyên liệu cho nghề dệt thổ cẩm mà còn là linh hồn của truyền thống tộc người. Đây là những cây trồng có liên quan sống còn đến việc bảo tồn di sản truyền thống và cũng là "cây của sự sống và sinh trưởng". 

Với người Mông, cây lanh đã tích lũy cho bao thế hệ một truyền thống văn hóa trang phục hết sức phong phú. Gia đình người Mông nào cũng có một nương trồng cây lanh. Họ coi cây lanh là biểu tượng của dân tộc mình, cây lanh gắn bó với họ suốt đời.

Cây lanh- nhựa sống của người Mông - Ảnh 6.

Những sợi lanh được trau chuốt, óng mượt, thành quả lao động của mẹ và con gái.

Người Mông nói rằng: "Ở đâu có cây lanh thì ở đó có người Mông sinh sống". Bộ váy áo lanh của họ không chỉ là đồ mặc thông thường mà còn là tín hiệu để nhận biết cội nguồn. 

Người phụ nữ Mông đã tạo ra đủ loại hoa văn, màu sắc tươi thắm, trầm ấm trên bộ váy áo của mình. Họ biết kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong giống với kỹ thuật batic ở một số tộc người vùng Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia. 

Phụ nữ Mông thích mặc váy, áo bằng vải lanh do chính mình làm ra. Chợ phiên vùng cao như Sa Pa, Bắc Hà, Cán Cấu... luôn rực rỡ sắc phục của người Mông. Họ thường diện bộ váy đẹp nhất của mình khi tới chợ.



Tấn Vịnh
Tấn Vịnh - Nguyễn Văn Thắng
16/06/2023 09:32