Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trao quà cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc Chăm tại phường 12, quận 10 (TPHCM), gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Long Hồ

Trao quà cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc Chăm tại phường 12, quận 10 (TPHCM), gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Long Hồ

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước đã có những hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ, động viên và chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại TPHCM, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt là người nghèo. Để giúp bà con giảm bớt khó khăn, thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể tại TPHCM tích cực triển khai nhiều hoạt động sẻ chia, hỗ trợ người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gần đây nhất, sáng 11/9, đoàn công tác Quận ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận 10 (TPHCM), do ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 10 làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc Chăm, Hoa trên địa bàn quận 10.

Tại thánh đường Hồi giáo Hayatul Islam, phường 12, quận 10, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 10 Nguyễn Bắc Nam cho biết: Thời gian qua, quận 10 đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đó có đồng bào các dân tộc sinh sống và làm việc trên địa bàn quận. Dịp này, đoàn công tác đã trao 41 phần quà tặng các hộ gia đình đồng bào dân tộc Chăm tại phường 12. Mỗi phần quà gồm túi an sinh và tiền mặt 500.000 đồng.

Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã trao những phần quà cho các hộ dân tộc Hoa có hoàn cảnh khó khăn tại phường 5, quận 10. Đây là hoạt động thiết thực của quận 10 hỗ trợ các gia đình người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, qua đó góp phần chia sẻ động viên các hộ gia đình dân tộc khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực vượt qua tình hình dịch Covid-19.

Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đại diện Hội LHTN quận 6 tặng quà cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn. Ảnh ST

Trước đó, Hội LHTN Việt Nam quận 6 (TPHCM) tổ chức Chương trình "Chia sẻ yêu thương", trao tặng quà cho thanh niên là tín đồ tôn giáo, người dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, người già neo đơn trên địa bàn quận. Tại chương trình, ban tổ chức đã trao tặng 65 phần quà đến các thanh niên là tín đồ tôn giáo, người dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, người già neo đơn trên địa bàn quận. Mỗi phần quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu và vật dụng y tế với tổng kinh phí hơn 26 triệu đồng.

Còn tại Đồng Nai, Ủy ban MTTQ TP Long Khánh (Đồng Nai) vừa trao tặng hơn 500 phần quà cho các hộ đồng bào thiểu số khó khăn trên địa bàn. Theo Ủy ban MTTQ TP Long Khánh, trên địa bàn thành phố hiện có 12 dân tộc anh em, đan xen sinh sống ở các xã, phường. Qua rà soát, hiện có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Long Khánh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp sức ủng hộ lương thực, thực phẩm như: Gạo, mỳ tôm, dầu ăn, đường, sữa, nước chấm, cá hộp, trứng... nhằm giúp những bà con trên ổn định cuộc sống, vượt qua đại dịch Covid-19.

Trước đó, nhằm chia sẻ với đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trong đại dịch, Huyện ủy Long Thành phối hợp với Đảng ủy, UBND thị trấn Long Thành (Đồng Nai) tổ chức đoàn đến thăm và trao tặng hơn 400 phần quà cho đồng bào các dân tộc Chăm, Chơ Ro, X'tiêng trên địa bàn huyện.

Trong đó, trao 185 phần quà cho đồng bào dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn; 160 phần cho đồng bào dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình; 85 phần cho đồng bào dân tộc X'tiêng ở xã Tân Hiệp. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng gồm: 10kg gạo, 1 thùng mỳ gói, 10 trứng vịt và 50 khẩu trang y tế... góp phần động viên, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, an tâm tích cực phòng, chống đại dịch Covid-19.

Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Trao quà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh ST

Cũng như TPHCM và Đồng Nai, nhiều địa phương trong cả nước đã có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Ủy ban Dân tộc, chỉ tính riêng từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 24/8/2021, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có 322.166 ca F0. Trong đó, khu vực từ miền Trung trở vào có 1.874 ca F0 là người dân tộc thiểu số.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19; xây dựng kế hoạch bổ sung, các phương án và triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các Ban, Bộ, ngành... Mới đây, ngày 1/9/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-UBDT phê duyệt 470 triệu đồng để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh Trường dự bị Đại học tại TPHCM bị nhiễm Covid-19.

Theo Quyết định số 567/QĐ-UBDT, các tỉnh, thành được nhận hỗ trợ gồm: Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang và học sinh Trường dự bị Đại học tại TPHCM. Tổng số tiền 470 triệu đồng sẽ được hỗ trợ cho 368 người thuộc: 99 hộ nghèo, 102 hộ cận nghèo, 108 hộ có hoàn cảnh khó khăn và 58 em học sinh Trường dự bị Đại học tại TPHCM bị nhiễm Covid-19. Đây là nguồn hỗ trợ, động viên kịp thời của Ủy ban Dân tộc dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm Covid-19 ở những tỉnh, thành hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, góp phần giúp bà con yên tâm chống dịch, nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.