Chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận

Phạm Thủy
28/08/2023 - 20:58
Chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận

Đoàn công tác đến thăm và tặng quà đồng bào dân tộc Raglay

Ngày 28/8, Ban Công tác phía Nam (TƯ Hội LHPN Việt Nam), Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận và Huyện ủy Bác Ái đã tổ chức Chương trình truyền thông Dự án 8 tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, với sự tham gia của hơn 250 phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ban tổ chức đã thực hiện chuỗi hoạt động gồm: Giới thiệu, truyền thông Dự án 8 với các hình thức làm phim, sách lật điện tử, tờ gấp, câu chuyện truyền thanh, bản tin phát thanh và các sản phẩm quà tặng nhằm chuyển tải các nội dung đến với đông đảo phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Chăm lo, h trợ thiết thực

Chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" đã trao tặng học bổng và quà cho 82 học sinh DTTS mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bác Ái (quà và tiền mặt 500.000 đồng/em); kết nối đỡ đầu 8 em học sinh mồ côi đang học cấp 3 và đậu đại học năm 2023, mỗi em 5 triệu đồng/năm; trao tặng 8 sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi vượt khó hiếu học (5 triệu đồng/sổ/em/năm); 4 học sinh mồ côi do Covid-19 được Ban Công tác phía Nam - TƯ Hội LHPN Việt Nam nhận đỡ đầu từ năm 2022 được tặng phương tiện học tập; tổ chức Chương trình phim hoạt hình đến với trẻ em vùng DTTS, miền núi, tạo sân chơi để các em được gặp gỡ, giao lưu và được hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tiếp sức cho các em trước thềm năm học mới 2023-2024. 

Ngoài ra, thực hiện chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", BTC đã trao tặng 50 phần quà với nhiều mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, đồ gia dụng, hóa phẩm, quần áo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe góp phần hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho phụ nữ DTTS nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ Hội LHPN huyện Bác Ái ra mắt mô hình "Áo dài 0 đồng - Trao yêu thương" tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Trao tặng máy vi tính cho Hội LHPN xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; công trình dân sinh, sân chơi cho các em thiếu nhi, mái ấm tình thương… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; hỗ trợ xây dựng tổ chức Hội và phong trào phụ nữ vững mạnh. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là hơn 500 triệu đồng.

Chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận - Ảnh 1.

Chị em phụ nữ huyện Bắc Ái tham gia thử áo dài 0 đồng

Giúp chị em phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức, chống bạo hành gia đình

Trong chuỗi hoạt động, bên cạnh công tác chăm lo vật chất, Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức Phiên tòa giả định - Xét xử tội phạm "Cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự", chiếu tiểu phẩm kịch "Đừng im lặng" do nhóm kịch Hạnh Thúy xây dựng kịch bản và thực hiện. Phiên tòa nhằm cung cấp các kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn phụ nữ, trẻ em biết bảo vệ bản thân trước vấn nạn bạo hành gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận - Ảnh 2.

Phiên toà giả định với sự tham gia của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng cộng sự tại Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Bác Ái là huyện miền núi với đa phần dân số là người dân tộc Raglay. Tỷ lệ hộ nghèo trên 34%, cận nghèo 8% nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn thách thức trong quá trình phát triển và ổn định dân sinh. 

Chị Katơr Thị Ái, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Bình, cho biết, xã hiện có 1.518 phụ nữ 18 tuổi trở lên, có 965 hội viên, 100% hội viên là người DTTS, hơn 50% chị em không biết chữ. Quán triệt tư tưởng "không để chị em nào bị bỏ lại phía sau", Hội tập trung hỗ trợ chị em tiếp cận Quỹ hỗ trợ của tỉnh dành cho phụ nữ, đặc biệt với gói cho vay từ 7 đến 15 triệu đồng, hiện tại xã có 4 tổ với 85 chị em được vay trên 300 triệu để sản xuất nông nghiệp như: trồng cao su, nuôi dê, nuôi gà, dệt thổ cẩm…

Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Cục Truyền thông Công an Nhân dân - Cơ quan đại diện tại TPHCM, Quỹ Bàn Tay ấm Nhà hàng Khải Phương, Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Công ty TNHH Kao Việt Nam, Công ty TNHH Nệm Ưu Việt, Mô hình trao yêu thương P.16, Quận 8, THCM... cùng chung tay sẻ chia, chăm lo thiết thực về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống.

Bà Phan Thị Ngân Hạnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận: "Đây là chương trình có ý nghĩa lớn đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Ninh Thuận. Chương trình đã ra mắt được gian hàng Áo dài 0 đồng với khẩu hiệu "Ai cần thì đến nhận, ai có đến trao". Đây là mô hình đầu tiên mà tỉnh Ninh Thuận thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào, ý thức bảo tồn phát huy nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua chiếc áo dài và việc mặc áo dài. Đặc biệt, thông qua mô hình này, nhiều chị em có áo dài đẹp như ý, nhất là với địa bàn như Bác Ái, nhiều phụ nữ không dễ có được một chiếc áo dài. Đồng thời, qua chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", các mạnh thường quân đã giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ như mua sách và dụng cụ học tập để động viên tinh thần, giúp các em thêm phấn khởi và quyết tâm đạt thành tích cao trong học tập. Cuối cùng, rất ý nghĩa là "Phiên toà giả định" với mục tiêu tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chống bạo hành gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là người DTTS. Tuyên truyền với hình thức sáng tạo này giúp người nghe ấn tượng hơn, thu hút được sự tập trung của chị em hơn. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và đưa vào các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là trong các địa bàn thực hiện Dự án 8".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm