Chấp nhận tổn thương, mất mát để trưởng thành hơn

08/10/2021 10:39
Cây chịu tổn thương, khắc nghiệt để trưởng thành khiến mỗi người rút ra được bài học cho mình

Cây chịu tổn thương, khắc nghiệt để trưởng thành khiến mỗi người rút ra được bài học cho mình

Trong cuộc sống cũng có khi chúng ta như chính loài cây, chấp nhận những tổn thương, mất mát để bắt đầu lại và trưởng thành hơn.

"Thắng không kiêu, bại không nản" - Đó là một trong những dòng súc tích thầy chủ nhiệm viết trong lưu bút của tôi, ngày tôi rời ghế trường phổ thông. Thầy không hề là người "nói nước đôi". Bởi tôi, như nhiều cô cậu bạn học trường dân lập khác không thể chiếm niềm tin tuyệt đối vào thầy cô mình rằng chắc chắn sẽ đậu đại học. Đến học sinh công lập, thậm chí trường chuyên còn có thể trượt cơ mà.

Vậy chưa đủ, thi xong, thầy hỏi: "Em đã cố hết sức chưa?". "Dạ rồi". "Vậy không cần phải suy nghĩ nhiều nữa nhé, chẳng giải quyết được gì, quan trọng là em đã làm hết sức và sẽ có kết quả cho biết sức mình nằm ở đâu"…

15 năm trước tôi giống tâm trạng các cô cậu học sinh lớp 12 bây giờ. Ngơ ngác, hoang mang, hy vọng, chờ đợi… đủ đầy các trạng thái rối bời. Và tâm trạng nặng nề ấy chỉ cất đi khi có kết quả thầy chủ nhiệm báo tin thi đậu. Hóa ra, thực lòng thầy mong kết quả thi, lo lắng với trò không kém, nhưng thầy không tạo một áp lực nào lên trò mình.

* * *

Bạn tôi không may mắn như tôi. Bạn thi rớt. Nhưng bạn không quá buồn phiền. Bạn nói, vì trước đó, không biết là tình cờ hay hữu ý, thầy đã tặng bạn một liều thuốc tinh thần rồi. Hôm bạn ghé nhà thầy cùng với T., thầy đang trồng cây. Thầy nhờ bạn phụ thầy một tay, chuyển một cây từ phía trong râm – nơi có mái che ra ngoài nắng. Thầy dùng một cái xẻng to để đào cây, làm đứt mất vài sợi rễ. Bạn tỏ vẻ ngần ngừ hỏi: "Liệu cây này có thể sống khỏe mạnh không? Sao thầy không để yên cây ở đó khi đất còn rộng, cây vẫn sống khỏe?".

"Không sao, trong cuộc sống cũng có khi chúng ta như chính cây này, chấp nhận những tổn thương, mất mát để bắt đầu lại và trưởng thành hơn. Và dĩ nhiên sau đó sẽ rất vững dẫu thời gian có chậm hơn, thân thể nhiều vết thương hơn" – Thầy trả lời.

Bạn nói, bài học cái cây đơn giản vậy mà không hiểu sao thật thấm khi bạn thi rớt, và thấm tới tận cả khi bạn trải qua những khó khăn vất vả về sau này. Bài học ấy luôn nhắc với bạn rằng, hãy mạnh mẽ và thời gian sẽ trả lời rằng, chắc chắn bạn sẽ trưởng thành. Mà quả thật, tới bây giờ, cậu bạn thi rớt năm ấy là một trong những người thành công trong cuộc sống hiện nay.

T., cậu bạn cùng đi với cậu đến thăm thầy hôm ấy là người có kinh tế vững nhất trong cả lớp tôi hiện nay. Cậu không ngồi ghế giảng đường đại học ngày nào. Thời gian bạn bè học 4 năm đại học, cậu ngược lên tận những vùng ven biên cương để tìm những nguồn hàng hiếm, lạ bán về xuôi, học những bài học kinh doanh đầu tiên. Hiện nay, bạn là một trong những chủ cửa hàng bán sim số điện thoại và kinh doanh cho thuê xe hơi rước dâu có thương hiệu ở thành phố tỉnh lỵ quê hương tôi.

Thất bại nhiều khi là động lực để chúng ta mạnh mẽ, trưởng thành hơn

Thất bại nhiều khi là động lực để chúng ta mạnh mẽ, trưởng thành hơn

Bố mẹ tôi cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác hẳn nhiên sẽ rất buồn khi con mình không trúng tuyển vào cao đẳng, đại học. Bởi tâm lý làm thầy hơn làm thợ đã và vẫn đang ngấm ngầm chảy trong đa số dòng suy nghĩ của những gia đình ở phố. "Nếu con thi rớt, nhà không có ruộng mà cày"… là một trong những câu nói quen thuộc mà bố vẫn nói với tôi với kiểu đặt lên vai con mình áp lực trước khi đi thi: "Nhất định phải đậu đại học".

Khi tôi âu lo chờ kết quả thi, bố cũng lo không kém. Mỗi khi tôi đi đâu về, bố lại hỏi kết quả thế nào rồi, khiến tôi càng thêm sốt ruột và phát cáu. Bố nói: "Thôi thì nếu trượt, bố sẽ đóng thêm một xe xích lô chở than, hai bố con cùng chở than đi bán, cũng vui. Chỉ cần con thích lao động thì kiểu gì chẳng sống tốt. Chỉ có điều, đi bán than thì vất vả lắm đấy", giọng bố bùi ngùi. Điều ấy khiến tôi thấy mình có lỗi nếu thi rớt và cảm thấy áp lực tới mức hàng ngày chạy ra chùa Đức Ông gần nhà cầu cho có kết quả thi đậu.

Rốt cùng, tôi thi đậu, nhưng sau 15 năm, thi thoảng tôi vẫn gặp lại những giấc mơ đi thi. Thậm chí toàn mơ thấy làm bài Toán, Lý, Hóa mướt hết mồ hôi vì tôi học kém những môn tự nhiên. Và sau 15 năm, đủ để chuyển một đứa học sinh khát khao vào đại học đến cháy bỏng, sợ thi rớt tới ám ảnh thành một bà mẹ hoàn toàn không có suy nghĩ đặt áp lực rằng con phải thi tốt, học giỏi, để mai này vào đại học.

Thắng không kiêu, bại không nản; bài học về loài cây chịu tổn thương, khắc nghiệt để trưởng thành hơn trong một hoàn cảnh khác của thầy tôi mà bạn kể; và đơn giản hơn – chỉ cần con yêu lao động, con sẽ sống tốt mà ông bố "nhà quê bao năm ở phố" của tôi dạy… đủ để tôi có một hành trang dày dặn sống và tin yêu trên những bước đường cuộc sống. Bài học ấy, bạn tin tôi đi, quan trọng hơn rất nhiều bài học trên giảng đường đại học mà tôi đã được học qua. Vì thế, nếu bạn không hoặc chưa có cơ hội để học đại học, cũng chẳng phải là điều tồi tệ quá trong cuộc đời này, phải không?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.