Châu Điền (Trà Vinh): Phụ nữ Khmer thu nhập ổn định từ đan lát

05/11/2018 - 21:56
Châu Điền (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 81,7%). Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã Châu Điền đã có nhiều việc làm thiết thực, giúp nhiều hội viên khó khăn có việc làm, vươn lên thoát nghèo.
Châu Điền hiện có trên 2.200 phụ nữ trong độ tuổi lao động, trong đó có 1.668 chị em tham gia tổ chức Hội. Đa phần chị em ở đây sống bằng nghề nông nghiệp nên thời gian nhàn rỗi rất nhiều. Để giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội LHPN xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương tỉnh Trà Vinh) tổ chức các lớp truyền nghề đan lát xuất khẩu. Công việc này đã giúp không ít chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống.
 
Chị Thạch Thị Sô Phi, ở ấp Xóm Lớn (xã Châu Điền) sống phụ thuộc vào công việc làm thuê, nên cuộc sống thường thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi được học nghề đan lát, chị đã nhận nguyên liệu về đan và được trả tiền công theo sản phẩm. Do nhận làm gia công nên chị đã chủ động được thời gian, tranh thủ lúc rảnh rỗi thì đem ra làm, bình quân mỗi ngày chị đan được 5-6 sản phẩm, mỗi sản phẩm được trả tiền công 11.000 đồng.
dscn3737-copy.jpg
Chị Thạch Thị Sô Phi ở ấp Xóm Lớn tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm nghề đan kiếm thêm thu nhập

 

Nguồn thu này cũng giúp giải quyết được phần nào các khoản chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chị Sô Phi nói: “Làm từ sáng tới tối cũng được 7 sản phẩm, thu nhập một ngày cũng được hơn bảy chục ngàn, giúp trang trải việc ăn uống, quần áo sách vở cho con đi học. Vì vậy, cuộc sống thoải mái hơn”.
 
Theo chị Trần Thị Bích Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Điền: Hiện Châu Điền đã có hơn 100 hội viên tham gia đan lát gia công. Để giúp chị em có việc làm liên tục, Hội đã ký hợp đồng với Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Thiên Phúc ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) cung cấp nguyên vật liệu; đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho lao động.
 
Nhờ đó, mỗi khi có mẫu sản phẩm mới, chị em đều tiếp cận và đan thành thạo các sản phẩm đạt độ thẩm mỹ cũng như chất lượng theo yêu cầu. “Trong thời gian tới, ngoài củng cố và nhân rộng các mô hình tiết kiệm tín dụng, giúp các chị tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các Dự án hỗ trợ phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Hội LHPN Châu Điền sẽ tiếp tục phối hợp với ngành có liên quan tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp với điều kiện của chị em, những nghề mà trong lúc thời gian nhàn rỗi như nghề đan lát. Qua đó góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống còn gần 11% theo tiêu chí đa chiều”, chị Bích Loan nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm