Chiếc tivi màu cùng mảnh ký ức khó phai về chuyện đi xem nhờ

26/06/2021 08:23
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở cái tuổi chạm mốc 30, tôi và chị vẫn thường có thói quen nằm nướng trên giường ôn lại chuyện cũ; đứa này kể, đứa kia cười, rồi hai đôi mắt cùng lim dim hướng về một nơi xa xăm nào đó. Mớ ký ức ấy sống động nhất có lẽ là năm 2003, khi nhà tôi diễn ra những hai sự kiện trọng đại: Mẹ sinh thêm em bé và bố mua tivi màu.

Bước sang thế kỷ 21, tôi vào lớp 1. Hai chị em tôi lúc bấy giờ chỉ là những cô bé ngày đeo balo hai buổi tới trường, chiều về, cứ ngồi vào bàn học là cố moi móc, liên tưởng đến mọi đồ vật trong nhà để xem với bài văn miêu tả con mèo này, mình so sánh đầu nó với quả cam, thân nó với quả mướp đã hợp lý chưa. Xong bài sớm, hai chị em và cả đám trẻ con trong khu xóm mang tên Ngõ Đá, lại rồng rắn kéo nhau ra nhà ông Nhân "xem nhờ" tivi.

Chả là hồi đó, hết Tây du ký, serie Hậu Tây du ký ra đời. Đám chúng tôi "khoái" Tây du ký bao nhiêu, thì đến phiên bản Hậu Tây du ký lại ngóng chờ, háo hức bấy nhiêu, nhất là được xem bằng tivi màu. Đi học về, chúng tôi làm luôn bài tập cũng vì lẽ đó. Đúng 18h, luồng âm thanh từ bài hát giới thiệu phim thúc giục tôi và thật nhanh miếng cơm chiều, rồi nhanh như cắt, tôi í ới đám "đồng minh" kéo nhau ra nhà ông Nhân.

Lần đầu tiếp cận với tivi màu sao mà sung sướng đến thế. Thế hệ 9X ngày ấy ăn đã đủ no, mặc đã đủ ấm, chỉ có điều... "đói" tivi, tivi màu thì lại càng "đói". Tôi cứ hay tự xếp một thứ tự rất vui: Xóm này nhà tôi giàu có thứ nhì, nên chỉ có tivi đen trắng; nhà ông Nhân là giàu nhất.

Chiếc tivi màu cùng mảnh ký ức khó phai về chuyện đi xem nhờ - Ảnh 1.

Không những trẻ em, người lớn cũng đi xem nhờ ti vi

Cả đám chúng tôi, dễ phải đến chục đứa, chẳng cần ghế, bệ để ngồi, cứ thế dán mắt vào màn hình mà thỏa mãn, hả hê với luồng ánh sáng, âm thanh và cả màu sắc phát ra từ khối hình hộp chữ nhật ấy. Nhiều đứa và cơm chậm, đến sau, phải ngó nghiêng trèo một chân qua cánh cửa sổ để xem. Cả dàn diễn viên đẹp mở ra trước mắt, họ khoác lên mình những bộ trang phục cùng lối trang điểm mê hoặc ánh mắt tôi. Đúng là khác xa so với hình ảnh "đơn điệu hai màu" ở khối hình hộp đen trắng nhà tôi!

Từ hồi có tivi màu, nhà ông Nhân hạn chế đun nước hẳn, vì ông biết, có đun bao nhiêu cũng không đủ cho những vị khách không mời nhưng vẫn đến trong niềm hân hoan như chúng tôi. Mặc kệ chuyện nước nôi, chúng tôi đâu có khát, chỉ cần đúng khung giờ ấy, có được một chỗ ngồi ổn định, thì còn gì mong chờ hơn?

Hồi ấy, thế giới phim truyện còn chưa đa dạng lắm, nhưng chỉ Hậu Tây du ký, Hoàn châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt; Đất phương Nam, Đời cát; hay serie phim hoạt hình Hãy đợi đấy... cũng dư thừa để hoàn thành nhiệm vụ làm thỏa mãn cơn khát thèm của chúng tôi.

Có hôm, sau giờ "tan phim", tôi chạy về nhà, thấy bố đang căng mắt nhìn màn hình đen trắng và xem bóng đá. Màu cờ sắc áo của hai đội tuyển không phân biệt được, nên có lần, bố còn cổ vũ nhầm, cứ vỗ đùi rồi thi thoảng lại cuống lên hỏi: "Đội nào đang đá vào ấy nhỉ?".

Tôi vừa từ thế giới tivi màu trở về nhà, giọng điệu kênh kiệu hẳn: "Ôi bố ơi, tivi màu mới xem được bóng đá chứ?". Thế rồi, cả nhà bật cười... Chưa kể đến việc, tivi đen trắng nhà tôi rất biết "hành" chủ. Cứ chuẩn bị xem là lại phải chạy ra xoay ăng-ten. Những hôm có "cơn gió mạng" thổi qua, phải hì hục xoay đến mấy lần.

Hai năm tiếp theo, tôi vẫn lớn lên bằng việc đi xem nhờ nhà hàng xóm. Bố tôi thì vào Nam công tác. Có lần bố viết thư về dặn: "Con gái cố gắng xếp thứ nhất của lớp, bố về bố mua tivi màu cho".

Chiếc tivi màu cùng mảnh ký ức khó phai về chuyện đi xem nhờ - Ảnh 2.

Tôi nghiện thế giới phim Tàu, nghiện lối trang điểm cổ trang đầy bắt mắt, nhưng không bao giờ để ảnh hưởng đến việc học. Tiếc là "phong độ" của tôi quá ổn định, ổn định đến mức mấy năm liền tôi vẫn thua thằng Đắc cùng làng, nó đứng nhất, còn tôi chỉ đứng thứ hai.

Mùa gặt năm ấy bố về, mang theo một thùng carton to tướng, hai chị em tôi í ới, mắt liếc dọc, ngang, rồi đoán mò xem trong đó chứa gì. Tôi đoán là đặc sản, đồ ăn gì đó trong Nam. Chị tôi bỗng cốc vào đầu tôi: "Dốt thế, to thế này thì phải là tivi".

Bố mở hộp ra, tôi hét toáng lên. Là tivi, một chiếc tivi màu, bự như nhà ông Nhân! Tôi sung sướng đến nỗi nhảy ào lên vai bố cười khoái chí. Hóa ra, bố đưa giao kèo xếp thứ nhất cũng chỉ để động viên tôi cố gắng, dù tôi không đạt được ý nguyện đó nhưng vẫn chiều theo ý tôi.

Có tivi màu, tôi chạy đi khoe khắp xóm, còn ra mặt hẹn đám trẻ đến dự "festival phim" ở nhà tôi. Nghỉ hè, tôi lại càng được thỏa sức sống trong thế giới tivi màu hơn. Con bé sinh ra ở vùng quê như tôi được tiếp cận với một nền văn minh mới, bóng bẩy, sống động và có sức hút lạ thường. Mỗi chuyến thồ lúa về, xếp lúa lên hiên nhà, bố lại ghé đầu vào hỏi: "Có nét không con?".

Mùa đông năm đó, nhà nào nhà nấy đều dần dần sắm tivi màu hết lượt. Nhưng dù sao tôi cũng được vài tháng huyênh hoang với lũ bạn. Cuối năm, mẹ tôi sinh thêm em, cứ chốc chốc tôi lại vào phòng ngó em ngủ, rồi lại chạy ra "hóng" tivi.

Tôi sống trong thế giới thích thú ấy nhiều năm sau đó, chương trình phát sóng cũng đa dạng và thay đổi dần theo thời gian, nhưng mảnh ký ức về đám trẻ năm nào tíu tít gọi nhau mỗi giờ xem phim, đối với tôi, vẫn là "kênh" phim màu hấp dẫn nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.