Khám phá biểu tượng giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ

Chùa Tây An còn được gọi là Tây An cổ tự, là một ngôi chùa Phật giáo ở An Giang. Ngôi chùa này được coi là một trong những biểu tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tây An cổ tự nằm dưới chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chùa Tây An đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam". Chùa cũng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1980.

Chiêm ngưỡng biểu tượng giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ - Ảnh 1.

Hai ngọn tháp có phần dưới vuông giống như kiến trúc chùa tháp Việt, phần đỉnh lại mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ

Có nhiều ý kiến giải thích vì sao chùa mang tên "Tây An". Có ý kiến cho rằng, Tây An là ngôi chùa ở phía Tây thành An Giang. Một số khác cho rằng, Tây An là thể hiện các yếu tố tạo nên chùa như vật liệu từ Trấn tây, Tây Thành và xây dựng trên đất An Giang. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, Tây An là cầu mong bình an cho miền Tây Nam đất nước, với ước muốn vùng đất mới được khai phá sẽ an cư lạc nghiệp lâu dài.

Theo một số thông tin cho rằng, chùa Tây An do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng có tên là Nguyễn Nhật An xây dựng năm 1820. Kiến trúc ngày nay của chùa được tôn tạo dưới thời Hòa thượng Bửu Thọ vào năm 1958. Hòa thượng Bửu Thọ cũng là người đã cho xây dựng thêm 3 ngôi lầu cổ, mặt tiền chùa và sửa lại chánh điện, tạo thêm nét kiến trúc phương Đông kết hợp với kiến trúc Ấn Độ. Các ngôi lầu cổ có kiến trúc hình chữ tam theo mô típ chùa Việt ở Nam bộ, kết hợp hài hòa với kết trúc Ấn Độ.

Chiêm ngưỡng biểu tượng giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ - Ảnh 2.

Tượng các vị thần Ấn Độ trên trần tại lối vào chánh điện chùa Tây An

Các trụ trì chùa Tây An đã nuôi giấu, giúp đỡ nhiều cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Riêng Hòa thượng Thích Bửu Thọ đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Toàn bộ chùa được xây dựng bằng gạch ngói và xi măng. Phía sau chùa là Núi Sam như bức bình phong làm nổi bật ngôi chùa với một màu xanh thẫm. Điểm nhấn ấn tượng nhất của chùa là 3 ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.

Giống như hầu hết các ngôi chùa khác, chùa có cổng tam quan. Cổng được chia làm 3 cửa, cửa ở giữa là nơi thờ tụng tượng phật Quan Âm Thị Kính, 2 bên là 2 biển ghi tên của chùa là Tây An cổ tự.

Chiêm ngưỡng biểu tượng giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ - Ảnh 3.

Chùa Tây An về đêm

Khuôn viên của chùa được xây dựng rộng rãi và thoáng mát với nhiều cây xanh. Trong khuôn viên có cột cờ cao khoảng 16m, 2 chú voi, 1 chú voi trắng 6 ngà và một chú voi đen 2 ngà. Ngay bậc thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, vai có đắp nổi hai vị thần tiên ngồi bên trên mặt trăng lưỡi liềm, hai bên là hai hành lang, phân biệt cho tín đồ nam nữ.

Khu vực chánh điện là khu nhà rộng và được xây dựng ở chính giữa trong thửa đất của chùa. Ngôi chính điện được xây dựng lớn với 2 tầng mái cong vút. Khác với những ngôi chùa cổ ở miền Bắc, phần mái ngói lợp bằng ngói vảy cá, mái ngói của chùa Tây An được lợp là ngói đại ống. Trên đỉnh của điện được trang trí hình ảnh tứ linh: long, lân, quy, phượng độc đáo.

Chiêm ngưỡng biểu tượng giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ - Ảnh 4.

Người dân đi lễ chùa Tây An

Chùa có tới 11.270 tượng lớn nhỏ, đa số tượng được làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối có màu sắc rực rỡ. Đặc biệt, chùa có Đại Hồng chung ở khu vực lầu chuông, được tạc vào năm thứ 32 đời vua Tự Đức (năm 1879).

Tây An cổ tự là một trong những điểm du lịch nổi tiếng mà bất cứ ai đến Châu Đốc đều khó có thể bỏ qua. Chùa Tây An không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp, gắn liền với việc khai khẩn, lập ấp của người dân An Giang xưa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.