Chiêm ngưỡng bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á và khám phá tục thờ thần Nam hải của ngư dân vùng biển

25/10/2021 11:45
Lễ hội Cầu ngư được ngư dân nhiều vùng biển tổ chức hàng năm. Ảnh minh họa

Lễ hội Cầu ngư được ngư dân nhiều vùng biển tổ chức hàng năm. Ảnh minh họa

Nếu muốn chiêm ngưỡng "bảo tàng" xương cá ông lớn nhất Việt Nam, bộ cốt cá ông lớn nhất Đông Nam Á, nghe kể chuyện cá ông cứu người, tìm hiểu tục thờ cá ông và các lễ hội văn hóa truyền thống tín ngưỡng độc đáo của ngư dân vùng biển… mọi người có thể đến vạn Thủy Tú (đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo các bậc cao niên ở phường Đức Thắng, những ngư dân thuở xa xưa đi đánh cá, gặp nạn trên biển đã được cá voi che chở, cứu sống và đưa vào bờ. Từ đó, loài cá này được gọi tôn kính là cá ông hay thần Nam hải. Dọc bờ biển ở khu vực miền Trung có hàng trăm lăng vạn hàng trăm năm tuổi. Nơi nào có lăng vạn thì nơi ấy là những vùng đất có duyên lành được cá ông lụy (chết) dạt vào bờ.

Chiêm ngưỡng bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á và khám phá tục thờ thần Nam hải của ngư dân vùng biển - Ảnh 1.

Năm 2003, bộ cốt cá ông lớn nhất Đông Nam Á được phục chế và bảo quản tại vạn Thủy Tú

Đối với dân vùng biển, cá ông lụy vào đâu thì ở đó may mắn, cả năm được mùa, ra khơi bình yên. Do đó, từ bao đời nay tục thờ cá ông không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng.

Vạn Thủy Tú được xây dựng năm 1762 gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp ra đời sớm nhất ở Bình Thuận. Đây được xem là vạn gốc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của loại hình tín ngưỡng thờ cá voi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Truyền thuyết dân gian địa phương kể rằng, sau khi xây xong vạn Thủy Tú, trời nổi bão giông mấy ngày đêm, mưa mù mịt không ngớt hạt. Sau 3 ngày, mây tạnh trời quang, có một số ghe, tàu của ngư dân đánh cá bị kẹt ngoài khơi được cá ông cứu giúp. Riêng cá ông thì đã tử nạn vì kiệt sức khi kè cập, đưa tàu, ghe của ngư dân vào bờ an toàn.

Chiêm ngưỡng bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á và khám phá tục thờ thần Nam hải của ngư dân vùng biển - Ảnh 2.

Đoàn nghinh ông về cổng chính vạn Thủy Tú trong Lễ hội Cầu ngư chính mùa

Sau khi chết, cá ông trôi dạt vào bờ phía trước vạn, ngư dân trong vùng được huy động để đưa vào mai táng trong khuôn viên của vạn Thủy Tú. Vì cá ông quá lớn, dài 22m, nặng 65 tấn nên phải đến 2 ngày sau mới đưa được vào bờ để mai táng.

Vạn Thủy Tú là ngôi vạn được xây dựng lâu đời với kiến trúc khá đặc biệt. Hương án chính giữa vạn thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần; bên trái thờ Thủy Long Thánh Phi Nương Nương tôn thần; bên phải thờ Thái Hiệu Tiên Sư tôn thần. Phía sau là phòng lưu trữ bảo tồn hơn 100 bộ cốt cá ông, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100-150 năm. Nơi đây được xem là "bảo tàng" xương cá ông lớn nhất Việt Nam.

Phía hữu vạn Thủy Tú là doi đất rộng để mai táng cá ông, gọi là Ngọc Lân Thánh Địa. Sau 3 năm, cốt của cá ông được bốc, rửa sạch và nhập tẩm trong vạn theo nghi thức trang trọng.

Năm 2003, bộ cốt cá ông dài 22m, nặng 65 tấn được Viện Hải Dương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phục chế và bảo quản tại vạn. Đây được xem là bộ cốt cá ông lớn nhất Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á vẫn còn nguyên vẹn đến nay.

Chiêm ngưỡng bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á và khám phá tục thờ thần Nam hải của ngư dân vùng biển - Ảnh 3.

Vạn Thủy Tú đang gìn giữ chiếc chuông đồng quý đúc vào năm Nhâm Thân 1872

Vạn Thủy Tú nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi những nét độc đáo hiếm có, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến việc hình thành và phát triển nghề biển Bình Thuận nói riêng, vùng Nam Trung bộ nói chung. Nơi thờ này có 24 sắc phong quý của các vị vua triều Nguyễn.

Ngoài ra, vạn Thủy Tú còn có các di sản văn hóa Hán-Nôm, các hoành phi. Đặc biệt, vạn đang gìn giữ chiếc chuông đồng quý đúc vào năm Nhâm Thân 1872, thân chuông có dòng chữ "Tự Đức nhị thập ngũ niên - Xuân quý giáo đáng - Thủy Tú vạn - Bổn vạn đồng ký". Năm 1996, vạn Thủy Tú được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2019, Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, ở vạn Thủy Tú diễn ra 3 kỳ Lễ hội Cầu ngư, gồm: Lễ hội Cầu ngư đầu mùa (ngày 20/4 âm lịch), Lễ hội Cầu ngư chính mùa (từ ngày 19 - 22/6 âm lịch) và Lễ hội Cầu ngư cuối mùa (ngày 23/8 âm lịch). Trong đó, Lễ hội Cầu ngư chính mùa là quan trọng nhất. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá ông, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, ra khơi được bội thu để người dân ấm no.

Lễ hội Cầu ngư chính mùa ở vạn Thủy Tú có các nghi lễ quan trọng như: nghệ sắc, nghinh ông, thỉnh thập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh, phóng đăng, khai xá thuyền rồng, thỉnh chư vị thủy thần và thỉnh chư vị tiền hiền, cầu quốc thái dân an, khai đàn chẩn tế âm linh, thả thuyền rồng trên biển, tế tiền hiền, chánh lễ tế thần Nam Hải, nghệ sắc hoàn mãn. Bên cạnh phần lễ, Lễ hội Cầu ngư chính mùa còn có phần hội như: hát bội, chèo bả trạo, đua thuyền trên sông Cà Ty, các trò chơi dân gian...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.