"Chợ mới ông già" gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cha con

Chợ mới ông già được coi là ngôi chợ cổ nhất Việt Nam có từ thời Hùng Vương. Ngôi chợ này hiện nằm ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), xung quanh Chợ mới ông già còn có những câu chuyện mang đầy tính nhân văn về tình cha con và khát vọng tự do của một trong tứ bất tử của người Việt - Thánh Chử Đồng Tử.

Hình thức trao đổi hàng hóa đầu tiên

Câu chuyện tình yêu giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con gái Hùng vương thứ 18 – Hùng Duệ vương, khoảng thế kỷ thứ IV, trước Công nguyên) có lẽ bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng từng nghe tới. Các địa danh như bãi Tự Nhiên (huyện Thường Tín), đầm Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), hay làng Chử Xá (huyện Gia Lâm) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các câu chuyện dân gian, duy chỉ có địa danh Chợ mới ông già thì ít xuất hiện hơn.

Chúng tôi tìm về làng Vân La Thị (xã Hồng Vân) ven đê sông Hồng để tìm hiểu về Chợ mới ông già. Ông Nguyễn Văn Đễ (74 tuổi), nguyên là Chi hội trưởng chi hội Người Cao tuổi của làng là người thường xuyên tìm hiểu về lịch sử của địa phương qua một số tư liệu và các câu chuyện đời trước kể lại.

Chợ mới ông già gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cha con  - Ảnh 1.

Ông Đễ (ngoài cùng bên phải) đang trò chuyện với một số người trước đình làng Vân La Thị.

Ông Đễ kể cho chúng tôi nghe rằng, xa xưa, ở làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) có một gia đình gồm vợ chồng là Chử Cù Vân và Bùi Thị Gia, hai người có một người con trai tên Chử Đồng Tử.

Vợ mất sớm, Chử Cù Vân một mình nuôi con. Một lần, nhà bị cháy, toàn bộ gia sản trong nhà bị thiêu rụi, thậm chí cả quần áo cũng bị cháy hết chỉ còn duy nhất một chiếc khố che thân, hai cha con thay nhau mặc mỗi lúc ra ngoài. Người cha Chử Cù Vân bèn mang con trai đi xuôi theo dòng sông Hồng để mò cua bắt ốc, sống qua ngày. Đoạn họ thường mò cua bắt ốc chảy qua đất tổng Xâm Hồ và bãi Tự Nhiên, nay là khu vực xã Hồng Vân và xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), bờ hữu sông Hồng.

Tôm, cua, cá bắt được, Chử Cù Vân lại mang lên bờ đến một gò đất cao, nơi có một cây đa lớn, ngồi ở đó mà đổi lấy gạo, rau ăn (nay thuộc đất làng Vân La Thị). Ngồi nhiều thành quen, dân làng cũng mang các sản vật làm ra khu vực gò đất đó mà trao đổi, thế là thành chợ. Tên Chợ mới ông già không rõ có từ ngày đó hay sau này mới đặt, tuy nhiên mọi người vẫn hiểu nôm na rằng, có ông già ngồi đó mới có chợ và ông già đó chính là Chử Cù Vân.

Ông Đễ cho biết thêm, hiện nay ở nước ta, câu chuyện về Chợ mới ông già là câu chuyện cổ nhất đề cập đến việc trao đổi hàng hóa, hình thành chợ nên có thể coi Chợ mới ông già là ngôi chợ cổ nhất nước ta. Nhiều người làm công việc kinh doanh còn coi Chử Cù Vân như là "ông tổ" của ngành thương mại Việt Nam.

Một thời sầm uất nhất nhì xứ Sơn Nam Thượng

Vùng Sơn Nam Thượng xưa (nay là vùng phía nam ngoại thành Hà Nội) còn lưu truyền câu tục ngữ: Xứ Sơn Nam nhất chợ Bằng, nhì chợ Vồi, thứ ba Chợ mới ông già, cho thấy vị trí thương mại quan trọng của Chợ mới ông già. Chợ Bằng (làng Bình Vọng), cách Chợ mới ông già khoảng 4km, chợ Vồi (làng Hà Hồi) cách Chợ mới ông già khoảng 5km, tuy các chợ này nằm không xa nhau nhưng đều là những chợ lớn vùng cửa ngõ kinh thành Thăng Long, có nhiều mặt hàng riêng và cùng song hành tồn tại qua hàng trăm năm.

Theo chân ông Đễ, chúng tôi ra thăm lại khu gò đất trước kia là Chợ mới ông già bên phía ngoài đê (cách chợ hiện tại khoảng 500 mét). Ông Đễ kể rằng, Chợ mới ông già xưa chính là khu đất này nhưng vào thời nhà Lý, triều đình cho đắp đê Cơ Xá để ngăn lũ sông Hồng nên Chợ mới ông già được chuyển vào phía trong đê. Các gốc cây cổ thụ cũng mất dần, còn gò đất biến thành nơi an táng các hài nhi xấu số, trước có một ngôi miếu nhỏ ở đó. Tuy nhiên sau này, cả miếu và gò đều bị san phẳng trong quá trình tu sửa đê. Bãi đất hiện nay trở thành đất nông nghiệp bằng phẳng nhưng ông Đễ vẫn xác định được chính xác gò đất xưa.

Xưa, hàng hóa được vận chuyển nhiều bằng đường thủy, với lợi thế nằm ven sông Hồng, Chợ mới ông già là nơi trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định... lên kinh thành Thăng Long, các tiểu thương từ đây lại gánh hàng lên kinh thành bán lẻ. Chợ có quy mô chục mẫu Bắc Bộ, các dãy quán, tường bao được xây dựng chỉnh tề và có lợp mái. Hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng nông sản, gia súc gia cầm, công cụ lao động nông nghiệp...

Bước vào thời kỳ chiến tranh sau năm 1945, thực dân Pháp thường lui tới chợ cướp bóc hàng hóa, bắn phá gian hàng của tiểu thương nên nhiều người phải ly tán đi khắp nơi. Đến khi hòa bình lập lại, đất nước bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, giao thông vận tải đường sắt, đường bộ phát triển hơn, Chợ mới ông già không còn là vị trí trung tâm giao thương sầm uất nữa và trở thành một chợ nhỏ của các xã phía đông huyện Thường Tín.

Ông Đễ nhớ lại ngày thơ bé vẫn thường ra khu vực gò đất chăn trâu, vui đùa cùng bạn đồng trang lứa. Ông kể rằng, ngày đó còn có một vài người bán hàng cho trẻ con ngồi, thậm chí còn có cả một bài vè của trẻ con truyền tai nhau rằng về họ: "Bánh đúc ông Đọt, bánh ngọt cụ Đa, bánh khoai ông Xán, bánh rán cô Nga...". Tuy nhiên đến nay, cuốn theo sự phát triển kinh tế xã hội, gò đất xưa chỉ còn là một bãi đất bằng phẳng và nếu không có những người cao niên như ông Đễ nhắc lại, có lẽ lớp trẻ không ai xác định được vị trí của Chợ mới ông già xưa.

Riêng ông Đễ, với tình yêu quê hương đất nước, đã tự làm những vần thơ về Chợ mới ông già:

Chợ Mới quê tôi đã lâu rồi

Mấy nghìn năm cũ lá vàng rơi

Chuyện xưa ông lão bày tôm cá

Đổi lấy ngô khoai có thế thôi

Bao cuộc đổi thay đã bao đời

Liêu xiêu quán lá chợ quê tôi

Tảo tần mẹ nhặt đồng xu nhỏ

Nuôi lớn khôn tôi để thành người

Góc làng vẫn là chợ quê tôi

Mái tôn san sát đứng kề đôi

Xi măng sàn chợ thưa người tới

Khách của chợ quê chạy đâu rồi

Xây nông thôn mới có chợ quê

Giữ lấy nếp xưa giữ lấy lề.

Gìn giữ một địa chỉ văn hóa

Nếu như không về làng Vân La Thị, nghe những câu chuyện của ông Đễ, có lẽ nhiều người tin rằng địa danh Chợ mới ông già chỉ tồn tại trong câu chuyện dân gian, chứ không phải là một địa chỉ văn hóa được xác định cụ thể và tồn tại đến ngày nay.

Chợ mới ông già gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cha con  - Ảnh 2.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục cho Chợ mới ông già vào năm 2020.

Xét về mặt lịch sử, thì Chợ mới ông già không chỉ là chợ lâu đời nhất ở nước ta mà có lẽ, trên thế giới Chợ mới ông già cũng thuộc tốp những chợ lâu đời nhất. Ngoài ra, năm 2020 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chợ mới ông già là ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử thời Hùng Vương tại Việt Nam.

Ông Đễ cho biết, xung quanh khu vực này, các di tích gắn liền với Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa có rất nhiều như: đình Thượng, đình Hạ (xã Tự Nhiên), đền Dạ Trạch hay đền Hóa (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), nơi Chử Đồng Tử và nhị vị công chúa hóa về trời hay như chính đình làng Vân La Thị cũng thờ tự Chử Đồng Tử và nhị vị công chúa làm thành hoàng làng. Tuy nhiên, chưa có một di tích nào gắn với người cha của Chử Đồng Tử là Chử Cù Vân, ngoài Chợ mới ông già.

Cuộc đời và công việc trao đổi cá dưới gốc đa của Chử Cù Vân được coi như sự khởi thủy của một địa chỉ thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, vì vậy việc gìn giữ một địa chỉ văn hóa như Chợ mới ông già xưa rất có ý nghĩa.

Chợ mới ông già gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cha con  - Ảnh 3.

Trưởng thôn Vân La Thị Nguyễn Xuân Tuấn đứng trên mảnh đất của Chợ mới ông già xưa.

Trưởng thôn Vân La Thị, ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết: Nhân dân thôn Vân La Thị và chính quyền địa phương xã Hồng Vân đã có những nghiên cứu, chủ trương và lên phương án quy hoạch để xây dựng một ngôi đền trên gò đất xưa là Chợ mới ông già (khoảng 1.000 m2), nhằm mục đích lưu giữ địa danh di tích khởi nguồn của việc trao đổi hàng hóa. Đồng thời, để nhắc nhở, giáo dục con cháu về tình cha con trong gia đình, tưởng nhớ công ơn của Chử Cù Vân, người đã nuôi dưỡng một trong bốn vị thánh tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, dự toán kinh phí để xây dựng đền khoảng 2 tỷ đồng, đây là một con số khá lớn mà nguồn kinh phí, vận động chưa đáng kể là bao nên rất cần nguồn đóng góp từ xã hội hóa trong tương lai, còn hiện tại chưa thể triển khai được.

Ông Tuấn còn cho biết thêm: Xã Hồng Vân là một điểm du lịch sinh thái, văn hóa nổi tiếng của TP. Hà Nội. Ngoài các dịch vụ du lịch sinh thái như tham quan làng nghề cây cảnh, trải nghiệm không gian làng quê xưa thì việc khám phá các di tích văn hóa cổ xưa rất được du khách ưa thích. Hiện nay, các di tích văn hóa nổi bật ở Hồng Vân như nhà bia tiến sĩ Nguyễn Ý, Lăng đá Quận Vân Đỗ Bá Phẩm, đình làng, nếu có thêm đền thờ Chử Cù Vân ở Chợ mới ông già sẽ rất có ý nghĩa để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Trò chuyện với ông Đễ, ông Tuấn, chúng tôi hiểu được niềm tự hào và mong mỏi của nhân dân thôn Vân La Thị về Chợ mới ông già huyền tích. Chắc chắn không chỉ họ mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn lưu giữ và lan tỏa được địa chỉ văn hóa Chợ mới ông già cũng những câu chuyện nhân văn về tình cha con giữa Chử Cù Vân và vị thánh Chử Đồng Tử. Hy vọng rằng, việc xây dựng đền thờ tại khu đất Chợ mới ông già xưa sẽ sớm được khởi công và nhận được sự chung tay của cả cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.