Chưa kết hôn có được đòi cấp dưỡng cho con ngoài giá thú?

23/01/2018 - 16:17
Chúng tôi yêu nhau được hơn một năm thì tôi có thai. Người yêu của tôi bắt tôi phải đi phá thai nhưng tôi không chấp nhận… Vậy tôi có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con bị người yêu chối bỏ?
Hỏi: Chúng tôi yêu nhau được hơn một năm thì tôi có thai. Người yêu của tôi bắt tôi phải đi phá thai nhưng tôi không chấp nhận. Kể từ đó, anh ta xa lánh và chấm dứt quan hệ với tôi. Khi tôi sinh con, dù có thông báo với anh ta, nhưng anh ta không thừa nhận. Xin Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, tôi có thể yêu cầu anh ta cấp dưỡng cho con không?

                                                                                                          Trần Thị Lam (Bình Dương)
chng-khng-cp-dng-nui-con-v-c-c-khng-cho-con-nhn-cha-khng.jpg  Trong đơn yêu cầu nhận cha cho con, chị có thể kèm theo yêu cầu về nghĩa vụ cấp dưỡng. Ảnh minh họa: Internet

Trả lời: Theo quy định tại Điều 110, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con, thì: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Tuy nhiên, trong trường hợp của chị, để có thể yêu cầu anh ta có nghĩa vụ cấp dưỡng, trước hết, chị phải làm thủ tục nhận cha cho con.
 
 Cụ thể, khoản 1, Điều 90, Luật HN&GĐ 2014, quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.

Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con, Điều 101 Luật này quy định: 1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp; 2.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp…
Về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con, theo khoản 2, Điều 102 Luật HN&GĐ 2014, thì: Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này (trường hợp có tranh chấp)…

Như vậy, vì con chị đang nhỏ, nên chị là người giám hộ đương nhiên của cháu bé. Theo chị trình bày, anh ta đã bỏ rơi mẹ con chị, không thừa nhận và cũng không có trách nhiệm với cháu bé, nên chị hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án xác định cha cho cháu. Cũng trong đơn yêu cầu nhận cha cho con, chị có thể kèm theo yêu cầu về nghĩa vụ cấp dưỡng.

Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa, anh ta có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm