Ẩn mình trong Công viên Nara thanh bình của Nhật Bản, chùa Todaiji là minh chứng đáng chú ý cho lịch sử, văn hóa và sức mạnh kiến trúc của quốc gia.

Chùa Todaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản

Ẩn mình trong Công viên Nara thanh bình của Nhật Bản, chùa Todaiji là minh chứng đáng chú ý cho lịch sử, văn hóa và sức mạnh kiến trúc của quốc gia.

Chùa Todaiji, hay Đông Đại Tự, ở tỉnh Nara là một di tích lịch sử và văn hóa quan trọng của Nhật Bản. Có từ khoảng 1.300 năm trước trong thời kỳ Nara (710-794), Tōdaiji là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và mang tính biểu tượng nhất của Nhật Bản. Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và là một trong những hạng mục thuộc "Di tích Nara cổ", ngôi chùa cũng là nơi lưu giữ tượng Đại Phật và bộ sưu tập các báu vật quốc gia vô giá khác.

Trung tâm văn hóa cổ đại

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 1.

Nai, con vật biểu tượng của Nara, nằm cạnh đài công nhận Di sản văn hóa của UNESCO.

Cố đô Heijō-kyō, nơi ngày nay thuộc tỉnh Nara, có tầm quan trọng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Được thành lập vào năm 710 và là thủ đô của Nhật Bản cho đến năm 794, Heijō-kyō là trụ sở của quyền lực đất nước, trung tâm trao đổi văn hóa và phát triển tri thức. Thời kỳ chứng kiến sự phát triển rực rỡ của văn hóa và chính trị trong nước, chịu ảnh hưởng lớn từ sự tương tác với các nền văn minh lục địa châu Á.

Điều này dẫn đến một thời kỳ đổi mới và phát triển, tác động lên nhiều phương diện của xã hội, như nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo. Các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Thần đạo xây dựng trong thời gian này tồn tại qua nhiều thế kỷ, đóng vai trò như lời nhắc nhở hữu hình về ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu dài của khu vực. Nổi bật trong số này là Todaiji, nơi có tượng Đại Phật, cùng với một số di tích khác ở Nara được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1998.

Quần thể chùa Tōdaiji nằm dưới chân núi Wakakusa trong khuôn viên của Công viên Nara, nơi có một cụm các ngôi chùa và đền thờ lịch sử. Được xây dựng vào khoảng năm 752, đây là ngôi chùa đầu não của hệ thống các tự viện quốc gia (Kokubunji). 

Trong thời kỳ Heian (794 - 1185), chùa là một trung tâm nghiên cứu về hasshū kengaku, những giáo lý của tám trường phái Phật giáo nổi bật ở Nhật Bản thời điểm đó. Todaiji cũng là trụ sở chính của trường phái Phật học Kegon (Hoa Nghiêm tông) của Nhật Bản, ra đời vào thế kỷ thứ 8.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 2.

Con đường dẫn đến Chūmon, một cánh cổng màu đỏ được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng.

Sự kết nối của lịch sử

Trung tâm của quần thể chùa Tōdaiji là Đại Phật Điện, nơi có tượng Đại Phật Nara. Mặc dù trải qua nhiều trận hỏa hoạn trong suốt lịch sử, Đại Phật Điện vẫn là minh chứng cho những thành tựu kiến trúc và nghệ thuật của Nhật Bản. Cấu trúc hiện tại, được xây vào năm 1709 với chiều cao 48 mét, dài 57 mét và rộng 50 mét, là một trong những tòa nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới. Cả Đại Phật Điện và tượng Đại Phật đều được công nhận là bảo vật quốc gia của Nhật Bản.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 3.

Đật Phật Điện của chùa Todaiji.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 4.

Todaiji thắp sáng Mantō Kuyōe, lễ hội 10.000 chiếc đèn lồng được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 hàng năm.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 5.

Khuôn mặt của Đức Phật được nhìn thấy qua cửa sổ, và cửa sổ này chỉ mở vào ngày đầu năm và trong lễ Obon, lễ hội được xem như Lễ Vu Lan của Nhật.

Cao 15 mét, Đại Phật trở thành một trong những tượng Phật lớn nhất thế giới. Hình ảnh uy nghi này đại diện cho Phật Như Lai, còn được gọi là Biroshana hoặc Vairochana trong tiếng Phạn. Phật Như Lai thường đại diện cho ánh sáng của trí tuệ, ánh hào quang của lòng từ bi chiếu rọi xuống trái đất và tất cả chúng sinh. Bức tượng thường bị khuất khỏi tầm nhìn từ bên ngoài. Vào những dịp đặc biệt, khi cửa sổ nhìn ra lối vào và cổng trung tâm chùa được mở, có thể nhìn thấy khuôn mặt vị Phật với vẻ uy nghiêm và thanh tịnh.

Todaiji có nguồn gốc từ chùa Kinshōsanji (Kim Chung Sơn), được xây dựng vào năm 728 với mục đích ban đầu là làm nơi an dưỡng tinh thần cho thái tử Motoi, con trai của Hoàng đế Shōmu (701 - 756). Năm 743, sau nhiều năm thiên tai và bất ổn chính trị, Shōmu cho xây dựng một tượng Phật lớn với hy vọng mang lại ổn định và bình yên cho vùng đất này.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 6.

Bức tượng Phật Như Lai trong tư thế ngồi.

Trước đó, việc xây dựng một tượng Phật khổng lồ chưa từng được thực hiện. Một công trình lớn như vậy đòi hỏi nhiều nguồn lực đáng kể, bao gồm kinh phí, vật liệu và lao động. Lúc bấy giờ, thầy Gyōki ở chùa Kinshōsanji và các để tử đóng vai trò quan trọng trong việc quyên góp xây chùa. 

Tận dụng ảnh hưởng và các mối quan hệ của mình, Gyōki tìm kiếm các nguồn lực cần thiết trên khắp đất nước, từ tài chính, vật liệu xây dựng đến nhân công.

Tượng Phật được hoàn thành vào năm 749, tiếp theo là Đại Phật Điện vào năm 752. Chính trong thời gian này, ngôi chùa bắt đầu được gọi là Todaiji, phản ánh sự phát triển của nó từ Kinshōsanji ban đầu và ý nghĩa như một trung tâm thực hành và sùng kính Phật giáo lớn.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 7.

Tượng Phật nhiều lần bị hư hại và được phục dựng, thể hiện qua các sắc thái màu sắc khác nhau của các phần.

Đại Phật Điện ở chùa Todaiji nhiều lần bị phá hủy bởi hỏa hoạn do xung đột. Năm 1180, trong Chiến tranh Genpei, chùa bị lực lượng của Taira no Shigehira đốt cháy và được tu sĩ Chōgen chỉ đạo trùng tu vào năm 1185. Năm 1567, một trận hỏa hoạn khác do xung đột gia tộc đã làm hư hại bức tượng đồng. Những nỗ lực phục dựng bắt đầu vào năm 1684 và mất 25 năm để hoàn thành.

Tượng Đại Phật hiện nay là kết quả của quá trình tái thiết qua bốn thời kỳ lịch sử Nhật Bản. Phần ngực và đế được đúc từ thời Nara, trong khi phần eo được tái xây dựng vào thời Kamakura (1185–1333), thân trên từ thời Chiến Quốc (1467–1568) và đầu trong thời kỳ Edo (1603–1868). Sự kết hợp các phần của bức tượng từ các thời kỳ mang đến một câu chuyện trực quan về quá trình phát triển lịch sử của Nhật Bản.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 8.

Hakkaku tōrō, một chiếc đèn lồng bằng đồng sáu mặt, cao 4,6 mét có niên đại từ ngày xây dựng Todaiji.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 9.

Một mô hình bên trong Đại Phật Điện cho thấy cấu trúc ban đầu của chùa Todaiji.

Người canh gác nổi tiếng

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 10.

Tượng kongōrikishi hay thần hộ mệnh Niō.

Một trong những điểm nổi bật của Tōdaiji là Nandaimon, cổng lớn phía nam của chùa. Cổng này được xây dựng lại trong thời kỳ Kamakura theo thiết kế từ triều đại nhà Tống của Trung Quốc. 

Với chiều cao 25 mét và chiều rộng hơn 8 mét, Nandaimon là một trong những cánh cổng lớn nhất của Nhật Bản. Nó không chỉ là một công trình kiến trúc ấn tượng mà còn là nơi đặt kongōrikishi, hai tượng lớn bằng chạm khắc bằng gỗ bởi các nhà điêu khắc bậc thầy là Kaikei và Unkei.

Kongōrikishi hay thần hộ mệnh Niō là hai nhân vật Agyō và Ungyō, có nhiệm vụ canh gác lối vào và bảo vệ chùa. Được đặt hai bên cổng, hai bức tượng toát ra sự uy quyền, hình dáng hung dữ khiến nhiều người kính sợ. Đáng chú ý, hai bức tượng được cho là hoàn thành trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn, chỉ 69 ngày.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 11.

Nandaimon, cổng lớn phía nam của chùa Todaiji.

Những bảo vật lịch sử

Một trong những nơi có kiến trúc cổ xưa nhất của Tōdaiji là điện Hokkedō, hay "Lotus Hall" được xây dựng vào thế kỷ thứ 8. Được đặt tên theo Kinh Pháp Hoa (Hokke-kyō), đây là nơi tổ chức lễ tụng kinh Pháp Hoa vào tháng Ba hàng năm. 

Ngoài ra, nó còn là nơi diễn ra các bài giảng đầu tiên về bản kinh quan trọng này ở Nhật Bản. Điện Hokkedō thờ đối tượng chính là Fukūkensaku Kannon (Bất Không Quyên Sách Bồ Tát), một vị Bồ Tát gắn liền với lòng trắc ẩn và lòng từ bi. Bên cạnh nhân vật này, điện thờ còn lưu giữ một số hình ảnh khác có từ thời Nara. Những hình ảnh này được công nhận là bảo vật quốc gia với ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và tinh thần to lớn.

Phía tây của Đại Phật Điện là Kaidandō, là một phần của khu phức hợp Kaidan-in. Trong Kaidandō có những tác phẩm điêu khắc bằng đất sét trưng cho "Tứ đại thiên vương". Được chế tác từ thời Nara, những bức tượng này có giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng và đã được chính thức công nhận là bảo vật quốc gia.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 12.

Hokkedō bao gồm điện thờ raidō (trong ảnh), được xây dựng lại vào thời Kamakura và một điện thờ khác ở phía sau.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 13.

Những ngọn đuốc được thắp sáng trong lễ hội Shunie.

Phía đông của Đại Phật Điện là Shigatsudō, nơi có tượng Jūichimen Kannon (Thập Nhất Diện Quan Âm) cùng với những kiệt tác khác từ thời Heian (794 - 1185). Ở khu vực lân cận là Kaisandō, một điện thờ tưởng nhớ vị trụ trì đầu tiên của Todaiji, Rōben. Liền kề với Kaisandō là Ōyuya, phòng tắm của ngôi chùa. Được xây dựng trong thời Muromachi (1333 - 1568), nó cũng được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng.

Nigatsudō là địa điểm tổ chức lễ hội Shunie trong hơn 1.250 năm mà phần nổi bật là lễ Omizutori với buổi diễu hành đuốc dọc theo ban công của điện. Khu điện này ban đầu bị lửa thiêu rụi và cấu trúc hiện tại, được xây lại vào năm 1669.

Hai địa điểm khác gợi nhớ về lịch sử 1.300 năm đầy biến động của Tōdaiji là phần còn lại của ngôi chùa lớn phía đôngKōdō, hay giảng đường cũ, hiện chỉ còn những viên đá nền. Ngoài các khu vực lịch sử, chùa Todaiji còn mang đến những trải nghiệm thay đổi theo các mùa trong năm. Mùa xuân là cảnh hoa anh đào nở rộ, trong khi đầu hè là hình ảnh những chú nai con mới chào đời hay mùa thu với những tán lá nên thơ.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 14.

Kōdō và Đại Phật Điện trong khung cảnh mùa thu.

Chùa Tōdaiji: Nơi lưu giữ lịch sử và văn hóa Nhật Bản - Ảnh 15.

Một chú nai con và mẹ gần cổng Nandaimon.


Kim Ngọc
28/08/2023 10:03