Chùa Vĩnh Tràng, công trình kiến trúc đặc sắc ở Tiền Giang

01/10/2021 10:37
Chùa Vĩnh Tràng, công trình giao thoa kiến trúc Á - Âu

Chùa Vĩnh Tràng, công trình giao thoa kiến trúc Á - Âu

Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa Vĩnh Tràng được biết đến như là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam bộ và là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Giao thoa kiến trúc Á - Âu

Đầu thế kỷ 19, chùa Vĩnh Tràng được ông bà Bùi Công Đạt bắt đầu xây dựng. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng lớn hơn và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1907, hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng tu ngôi chùa, kết hợp cả nét kiến trúc Á - Âu. Chính điện được bày trí trang nghiêm. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ, chạm trổ công phu. Bộ Thập bát La hán thượng kỳ thú là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ 20.

Chùa Vĩnh Tràng, công trình kiến trúc đặc sắc ở Tiền Giang - Ảnh 1.

Chùa Vĩnh Tràng kết hợp hài hòa kiến trúc Á – Âu

Chùa Vĩnh Tràng được xây cất trong nhiều năm, là một chùa lớn, kết hợp kiến trúc đa dạng Á - Âu (Pháp, La Mã, Thái...). Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa Vĩnh Tràng được xây theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) rộng 14.000 m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.

Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiến trúc Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam. Nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam, điều đó chứng tỏ rằng tổ tiên ta muốn đưa thiên nhiên vào tận nhà. Đứng ở mặt trước nhà tổ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc Rome với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

Chùa Vĩnh Tràng, công trình kiến trúc đặc sắc ở Tiền Giang - Ảnh 2.

Tượng Phật Thích Ca bằng đồng ở gian giữa chính điện

Đi vào từng gian, du khách sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp các hình chạm, trên các tượng phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong gian chính điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách". Trước chùa có hai cổng Tam quan kiểu võ rất tinh xảo, xây theo kiểu cổ lầu để hình hòa thượng Lê Ngọc Xuyên đứng trên bậc đúc bằng xi măng.

Chùa Vĩnh Tràng có trên 60 tượng phật làm bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng, đa số tượng bằng gỗ, tất cả được thếp vàng óng ánh và được tạo vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19.

Điểm đến không thể bỏ qua với du khách

Chùa Vĩnh Tràng là công trình kiến trúc đặc sắc, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi tới Tiền Giang. Trong chùa Vĩnh Tràng hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "Mai, lan, cúc, trúc", hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Điều đáng chú ý là những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Chùa Vĩnh Tràng, công trình kiến trúc đặc sắc ở Tiền Giang - Ảnh 3.

Cổng Tam quan kiểu võ rất tinh xảo

Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ Cách mạng. Dù địch phát hiện và nhiều lần tàn phá nhưng vẫn không thể làm hư hỏng được ngôi cổ tự. Qua các đời trụ trì, chùa Vĩnh Tràng được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp và trở thành ngôi cổ tự hoành tránh nhất tỉnh Tiền Giang.

Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận chùa Vĩnh Tràng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục "Chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa Việt."

Chính những nét độc đáo đó nên ngôi cổ tự này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và thắp hương. Ở thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, mỗi ngày, chùa Vĩnh Tràng đón tiếp gần 1.000 khách tham quan, trong đó có khoảng 300 khách quốc tế. Vào những ngày rằm, ngày Tết, số lượng du khách tăng đột biến. Đây cũng là một trong những điểm viếng thăm không thể thiếu được trong các tour, tuyến du lịch của các công ty lữ hành Việt.

Để phục vụ du khách, chùa Vĩnh Tràng mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Các chư tăng, chức sắc trong chùa đều thay nhau trực tiếp khách, sẵn sàng thuyết minh, hướng dẫn khi du khách cần.

Chùa Vĩnh Tràng, công trình kiến trúc đặc sắc ở Tiền Giang - Ảnh 4.

Quần thể chùa Vĩnh Tràng nhìn từ trên cao

Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng vẫn tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình để phục vụ cho công tác Phật sự và nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách như: Giảng đường, Bảo tháp, cổng, hàng rào...

Quần thể chùa Vĩnh Tràng được chỉnh trang, vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách với những kiến trúc, phong cảnh đẹp, trang nghiêm, đồng thời còn là địa chỉ văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang anh hùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.