Chuyện ít biết về lễ Kết nghĩa anh em của đồng bào dân tộc Cơ Tu

11/06/2021 14:25
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Bên cạnh những lễ hội như: Lễ Ăn mừng lúa mới, Ăn mừng nhà Gươl mới… đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn còn một lễ hội đặc sắc khác là lễ Kết nghĩa anh em (Pâr ngóoch).

Già làng Y Kông (92 tuổi, trú thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, trước kia lễ hội Pâr ngóoch có mục đích là đoàn kết để thương lượng, quản lý lãnh thổ, địa bàn lao động sản xuất, địa bàn săn bắt, hái lượm… trên các tuyến núi rừng và sông suối. Pâr ngóoch còn giúp cho hai bên dân làng xưa nay đã mất đoàn kết trước đây nay hàn gắn lại. Lễ Pâr ngóoch còn nhằm để tăng thêm sức mạnh, hỗ trợ nhau chống chọi với thiên tai, thú dữ và kẻ thù khác từ bên ngoài. Lễ Pâr ngóoch còn giúp các thanh niên nam nữ gần gũi nhau hơn ở các làng chia cách.

Khi làm lễ Pâr ngóoch thì hội đồng già làng hai bên đã quyết định hết mọi vấn đề và hòa giải hết những gì chuyện bất đồng, mâu thuẩn, thù hằn… xưa nay còn vướng mắc, tồn tại. Khi đã tiến hành Pâr ngóoch thì từ nay về sau, hai làng coi như "anh em một nhà", bất cứ câu chuyện gì cũng được thương lượng, hòa giải kịp thời, đồng thời được quyền lao động sản xuất, săn bắt, yêu nhau, giúp nhau cùng tồn tại và phát triển…

Các già làng người Cơ Tu đều cho hay, lễ hội Pâr ngóoch là lễ hội lớn nhất, được chuẩn bị công phu và đông người tham gia nhất và thời gian chuẩn bị lâu nhất. Nói đến Pâr ngóoch thì hầu hết gái trai, già trẻ đều tham gia đồng loạt, từ khâu chuẩn bị săn bắt thú rừng, chim, ếch, cá tôm, ủ rượu cần, rượu tà vạt… cho đến làm cơm lam, sắn lam, bánh sừng trâu, cơm xôi dẻo rồi đến các loại trái cây hái từ rừng về.

Tăng cường tình đoàn kết với lễ Kết nghĩa anh em của đồng bào dân tộc Cơ Tu - Ảnh 1.

Múa Tung tung của người Cơ Tu trong lễ hội

Tại lễ hội Pâr ngóoch, các già làng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị, giao chỉ tiêu cho từng hộ gia đình phải chuẩn bị 3 tháng trước khi diễn ra lễ hội chính thức. Mỗi hộ phải có nếp, rượu cần, ống cá thịt các loại, gà vịt, chiếu gối phụ nữ tự đan bằng lá cọ rừng, khố váy để làm quà lưu niệm cho làng được mời.

Em bé trong bụng mẹ cũng được chia phần

Trong lễ, các thành viên trong thôn, làng được hưởng như nhau không phân biệt lớn nhỏ hay trai gái và họ được ăn thoải mái, được chia thịt theo đầu người, được hát hò, hát đối đáp, hát giao duyên, hát lý, nói lý. Đặc biệt, qua lễ hội này, có nhiều thanh niên nam nữ trong làng hoặc ngoài làng tìm hiểu, yêu nhau trở thành vợ chồng. Qua lễ hội Pâr ngoóch, người Cơ Tu đã thể hiện được nếp văn hóa trong ẩm thực như tặng, cho, biếu sén, chia phần rất công bằng và hợp lý như có phần cho em bé trong bụng mẹ hay có phần cho người trong gia đình có người đi bộ đội.

Tăng cường tình đoàn kết với lễ Kết nghĩa anh em của đồng bào dân tộc Cơ Tu - Ảnh 2.

Hội đồng già làng trong lễ “Kết nghĩa anh em” của người Cơ Tu

Múa trong lễ hội Pâr ngóoch, dẫn đầu là thanh niên, trung niên mạnh khỏe múa tung tung za zá đi trước rồi đến các cụ già làng có uy tín, tiếp đó đến phụ nữ và cuối cùng là trẻ em. Còn bên đăng cai đứng hai hàng dọc của hai bên đường để đón, mời khách vào nhà Gươl. Và sau đó hai bên hòa mình vào múa xen kẽ cùng nhau theo vũ điệu.

Làng Cơ Tu đăng cai chuẩn bị lễ vật cúng là những con vật có vú 4 chân như: Heo, mang, nai, chuột... Còn làng Cơ Tu được mời thường chuẩn bị những thực phẩm, đồ cúng là những con vật không có vú như: Gà, chim, cá... và các loại rau rừng. Tất cả lễ vật, thực phẩm đều được mang đến nhà Gươl của làng đăng cai để tiến hành.

Trong nhà Gươl, dân làng cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng gồm: Gà luộc, tiết gà, một con cá niên nướng, 2 con ốc, 2 con chuột khô và rượu tà vạt, chế biến các thức ăn truyền thống dâng lên cúng Yàng, tổ tiên ông bà. 2 chủ làng cùng khấn vái. Sau khi khấn, 2 chủ làng lấy tiết gà bôi lên trán nhau. Mọi người có mặt trong buổi lễ cũng lần lượt bôi tiết gà cho nhau thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa hai làng.

Tăng cường tình đoàn kết với lễ Kết nghĩa anh em của đồng bào dân tộc Cơ Tu - Ảnh 3.

Các già làng cúng Yàng phù hộ cho hai làng được ấm no, hạnh phúc, bình an, đoàn kết, gắn bó…

Ngoài sân Gươl, 2 chủ làng khấn bài cúng trên rồi đọc bài khóc tế trâu. Theo truyền thống, nếu người Cơ Tu ở làng đăng cai mời người Cơ Tu làng kết nghĩa anh em thì già làng và thanh niên làng được mời sẽ cầm dụ đâm trâu. Trống chiêng vang lên, nam nữ thanh niên tay trong tay rộn ràng, uyển chuyển trong điệu múa truyền thống. Khi trâu bị đâm chết, đồng bào lần lượt lấy tấm tút đắp lên mình trâu, các loại bánh cũng được họ đặt vào chỗ trâu chết với ước vọng cầu cho con trâu đi vào thế giới thần linh cũng được no đủ... Trâu được xẻ thịt chế biến thành các món ăn truyền thống, ngon nhất là món thịt trâu nướng mộc chấm với muối tiêu rừng. Mọi người tụ tập lại nhà Gươl ăn uống, vui chơi, hát lý tới tận sáng hôm sau.

Qua lễ hội Pâr ngóoch, cho ta thấy rằng tộc người Cơ Tu chưa hình thành pháp luật sớm, nhưng từ xa xưa họ đã có tổ chức, có kỉ luật cao, biết đoàn kết để trường tồn và phát triển.

Ngày nay, người Cơ Tu hưởng ứng chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từ năm 2016, tục đâm trâu đã bãi bỏ trên vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, khi tiến hành lễ hội, cũng có con trâu thật để dắt đi vòng treo trụ Gương chôn giữa sân, có nơi có thể thế bằng con trâu gỗ. Sau khi xong phần cũng tế, trâu thật được dắt về sau nhà Gươl để xẻ thịt cúng Yàng và chế biến các món ăn cho người tham dự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn