Cô gái dân tộc Mường và hành trình trở thành Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á

28/10/2021 17:16
Năm 2021, Bùi Thanh Huyền đạt giải thưởng Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á hạng mục Thể thao (Woman of the Future Awards South East Asia)

Năm 2021, Bùi Thanh Huyền đạt giải thưởng Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á hạng mục Thể thao (Woman of the Future Awards South East Asia)

Nhờ nỗ lực, cô gái người Mường - Bùi Thanh Huyền đã trở thành một huấn luyện viên, cán bộ điều phối của dự án thể thao truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên và cộng đồng. Năm 2021, Bùi Thanh Huyền đạt giải thưởng Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á.

Đồng thời, cô cũng là 1 trong 55 người hưởng ứng chiến dịch #KeepingGirlsinthePicture - "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái" trong khuôn khổ dự án "Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn", thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Bùi Thanh Huyền sinh năm 1988 tại xóm Nuông, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình trong một gia đình làm nghề nông. Tuổi thơ đến với những con chữ của Huyền khá vất vả khi trường học cách xa nhà đến 22km. Gia đình cô có 6 anh chị em nhưng chỉ có cô là được đi học và tốt nghiệp cấp 3 vì các anh chị đều phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ. 

Cô gái Mường trở thành Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bùi Thanh Huyền là huấn luyện viên, cán bộ điều phối của dự án thể thao truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên và cộng đồng

"Hết cấp 3, tôi tự ôn thi ở nhà và thi đại học nhưng không đỗ. Một số trường trung cấp có gọi đi học nhưng bố mẹ tôi bảo nhà mình nghèo không lo được cho con học trung cấp, sau khi học thì cũng không lo được việc làm cho nên tôi đành ở nhà", Huyền nhớ lại những năm tháng của tuổi thanh niên với những khó khăn khi cố gắng vươn lên.

Mấy năm sau, Huyền vào Bình Dương làm công nhân ở một công ty, với khát khao gom góp được một số tiền để học trường nghề. Nhưng ước mơ ấy cũng đứt gánh sau 6 tháng vì gia đình cô có biến cố. Cô trở về Hòa Bình làm công nhân rồi lấy chồng, thế nhưng, khao khát vươn lên, làm điều gì đó có ích cho bản thân, xã hội vẫn mãnh liệt trong cô.

Thế rồi, cơ hội cũng đến với cô gái này. Năm 2015, dự án Pass It Back tuyển thanh niên trong cộng đồng làm huấn luyện viên giảng dạy kỹ năng sống thông qua chơi bóng bầu dục. Pass It Back là một dự án thể thao vì phát triển đột phá - dạy kỹ năng sống thông qua môn bóng bầu dục cho trẻ em và thanh thiếu niên. Dự án được hợp tác thực hiện bởi ChildFund Rugby và Mạng lưới bóng bầu dục tỉnh Hòa Bình trên địa bàn 2 huyện Kim Bôi và Tân Lạc.

Khi nghe tin đăng tuyển, cô được mẹ chồng và chồng khuyến khích tham gia phỏng vấn ứng tuyển. Huyền trở thành Huấn luyện viên của Dự án từ tháng 7/2015 sau khóa tập huấn huấn luyện viên ở Lào trở về. Huyền là 1 trong 15 huấn luyện viên đầu tiên mở ra cơ hội và sân chơi cho bóng bầu dục phát triển tại Việt Nam.

Cô gái Mường trở thành Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á - Ảnh 2.

Huyền là 1 trong 15 huấn luyện viên đầu tiên mở ra cơ hội và sân chơi cho bóng bầu dục phát triển tại Việt Nam

Bùi Thanh Huyền tâm sự: "Trước kia, ở địa bàn tôi sinh sống, những đứa trẻ thường rất ít có có cơ hội được tham gia các hoạt động vui chơi và học kỹ năng sống, thường 7 – 8 tuổi thì phải theo bố mẹ, anh chị học việc đồng áng. Trước Pass It Back, các bạn nhỏ trong cộng đồng ngoài các giờ học trên lớp sẽ phải dành thời gian để làm việc nhà, việc đồng áng, chăn trâu. Hơn nữa, nếu các em muốn học muốn chơi, cũng không có ai đứng ra tổ chức. Trải qua các giáo trình tập huấn của chương trình, tôi hiểu hơn về giới, về phòng chống bạo lực, về sức khỏe sinh sản... Tôi thấy rằng các kiến thức này rất ý nghĩa và cần thiết với bản thân và đặc biệt là các em nhỏ trong cộng đồng. Tôi muốn qua dự án này, bản thân mình thay đổi, các em cầu thủ thay đổi và cộng đồng cũng có những thay đổi về các nhận định giới và thay đổi để tạo ra một xã hội công bằng giới. Chính vì vậy, tôi quyết định nỗ lực học hỏi và gắn bó với chương trình cho đến nay đã hơn 6 năm và luôn thấy vui với công việc này".

Vì nhiều lí do mà Bùi Thanh Huyền đã không thể học lên cao, nhưng bằng khát khao và niềm tin, cô vẫn nỗ lực từng ngày để hoàn thiện bản thân. Giờ đây cô đã có cơ hội mang lại những điều có ích cho nhiều trẻ em trong cộng đồng, truyền cảm hứng và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, mang đến cho các em những nụ cười và hạnh phúc.

Năm 2018, Bùi Thanh Huyền đã trở thành trưởng nhóm huấn luyện viên của xã Nuông Dăm, điều phối quản lý đo lường và là giảng viên kỹ năng sống của chương trình tại Hòa Bình.

Cô là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia giảng dạy an toàn cho trẻ trong thể thao tại một hội thảo cùng tên tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tháng 4/2018, cô được mời làm giảng viên dạy kỹ năng sống cho các cầu thủ nhí Nhật Bản trong chuỗi sự kiện bên lề giải vô địch bóng Bầu dục Thế giới tại Nhật.

Năm 2019, 2020, cô được mời làm giảng viên kỹ năng sống, đào tạo cho hơn 20 huấn luyện viên về giáo trình Lập kế hoạch cho tương lai tại Lào và đào tạo cho 31 huấn luyện viên mới về cách giảng dạy giáo trình Giới tại Campuchia.

Cô gái Mường trở thành Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á - Ảnh 3.

Bùi Thanh Huyền (thứ 2 từ phải sang) cùng các huấn luyện viên trong một đợt tập huấn

Năm 2020, mặc dù không có bằng đại học nhưng cô được tổ chức ChildFund Việt Nam và Ủy ban Nhân Dân huyện Kim Bôi tuyển dụng làm Cán bộ điều phối dự án Pass It Back huyện Kim Bôi. Năm 2021, Bùi Thanh Huyền đạt giải thưởng Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á hạng mục Thể thao (Woman of the Future Awards South East Asia). Nhưng giải thưởng quan trọng nhất mà cô đạt được cho đến nay đó chính là trở thành người truyền cảm hứng cho hơn 100 huấn luyện viên của Mạng lưới bóng bầu dục Hòa Bình và hơn 2.300 cầu thủ trong chương trình Pass It Back tại quê hương mình.

"Tôi cũng mong rằng những việc mình làm sẽ thúc đẩy nhiều phụ nữ khác trong cộng đồng thay đổi suy nghĩ, đòi quyền bình đẳng, có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các công tác xã hội và có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng. Điều mà bản thân tôi thấy tự hào nhất là khi tham gia các hoạt động của chương trình, tôi được các cầu thủ yêu mến và gọi tên mỗi khi gặp trên đường và niềm vui được các đồng nghiệp tin tưởng", Thanh Huyền cho biết. 

Bùi Thanh Huyền chia sẻ: Việt Nam nói chung và người Mường nói riêng đã có nhiều tấm gương phụ nữ lãnh đạo, sẵn sàng vượt qua những rào cản để đóng góp cho xã hội. Vậy nên trong xã hội ngày nay, việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ có điều kiện vươn lên là rất quan trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn