Cô giáo dành trọn tâm huyết để cải thiện điều kiện dạy và học ở vùng cao

07/01/2022 09:26
Cô Lê Thị Hồng cùng học sinh

Cô Lê Thị Hồng cùng học sinh

Cô Lê Thị Hồng – Hiệu trưởng trường Mầm non Tả Phời (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã dành trọn tâm huyết để cải thiện điều kiện dạy và học ở vùng cao.

Trăn trở từ những "điểm trường"

Tả Phời là một xã vùng cao nằm ở phía Nam TP Lào Cai, toàn xã có 6 dân tộc là người Kinh, Tày, Dao, Giáy, Mông, Xa Phó. Đa số người dân địa phương làm nông nghiệp, một số rất ít làm cán bộ và công nhân. Trường Mầm non Tả Phời có 10 lớp học với gần 300 em. Tuy nhiên, với đặc trưng của các trường vùng cao, trường có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ cách nhau từ 2 - 4km, dẫn đến việc quản lý khó khăn.

“Mong các con giao tiếp tốt bằng tiếng Việt” - Ảnh 1.

Cô Lê Thị Hồng đã có hơn 22 năm cống hiến trong ngành giáo dục

Cô Lê Thị Hồng cho biết, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông rất bận rộn và vất vả nên thời gian quan tâm đến con em mình còn hạn chế. Nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số nên thường hay giao tiếp bằng ngôn ngữ dân tộc mình, dẫn đến vốn tiếng Việt rất hạn chế. Bên cạnh đó, trẻ ít giao tiếp và trải nghiệm nên nhút nhát hơn những trẻ vùng thấp, thành phố, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi còn cao…

“Mong các con giao tiếp tốt bằng tiếng Việt” - Ảnh 2.

Cô Hồng hướng dẫn trẻ chơi trò chơi

"Từ khi nhận được nhiệm vụ quản lý, tôi vô cùng trăn trở làm sao khắc phục được những khó khăn này để các con có điều kiện học tập tốt hơn và các cô cũng có điều kiện làm việc tốt, dành trọn tâm sức cho trẻ. Đặc biệt là giúp các con tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, để khi các con bước vào bậc Tiểu học sẽ không còn bỡ ngỡ… Và cũng nhờ sự đồng cảm, chia sẻ của người dân nơi đây đã giúp tôi có thêm động lực và quyết tâm từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân. Nếu như trước đây cha mẹ chỉ cho con 4, 5 tuổi đi học, đôi khi còn phải vận động thì nay trẻ 3-5 tuổi ra lớp 100%, đây là điều mà chúng tôi rất phấn khởi" - cô Hồng tâm sự.

Tâm huyết vì học sinh vùng cao

Trong 22 năm cống hiến trong ngành giáo dục thì xã Tả Phời là nơi cô gắn bó lâu nhất (hơn 10 năm). Nhiều năm qua, bằng những nỗ lực tìm giải pháp, cô Hồng đã cùng với các cô giáo trong ban giám hiệu tổ chức các cuộc thi như Lớp đẹp, Giáo viên dạy giỏi, Đồ dùng đồ chơi tự tạo… để giáo viên có cơ hội được phát huy sáng tạo, ý tưởng cũng như học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, lựa chọn các đề tài khó để giáo viên cùng nhau chia sẻ cách làm hay, hiệu quả phù hợp với đối tượng học sinh của mình để giúp trẻ nhận thức nhanh nhất.

Bên cạnh đó nhà trường còn tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại cho trẻ như: Thăm doanh trại bộ đội, bảo tàng tỉnh, khu di tích lịch sử Đền Thượng, các khu vui chơi… để trẻ được trải nghiệm, từ đó trẻ thích được đi học và nuôi dưỡng những ước mơ.

“Mong các con giao tiếp tốt bằng tiếng Việt” - Ảnh 3.

Những chuyến dã ngoại của học sinh Mầm non Tả Phời

Để trẻ có thể tiếp thu trọn vẹn các kiến thức của cô giáo truyền thụ thì trẻ phải hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Việt, vì vậy cô Hồng đã chỉ đạo tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ và tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại trường để trẻ mạnh dạn, tự tin sử dụng tiếng phổ thông. Đó cũng là tiền đề cho trẻ tiếp thu các kiến thức ở tất cả các lĩnh vực.

Ngoài ra, cô Hồng còn tham mưu với chính quyền địa phương, xin hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm để bổ sung cơ sở vật chất, các khu vui chơi cho trẻ và kinh phí để bổ sung khẩu phần ăn, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao. Mặt khác, cô đã tổ chức các buổi tuyên truyền tới cha mẹ học sinh về cách nuôi con theo khoa học, cách phối hợp với cô giáo và nhà trường để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi…

“Mong các con giao tiếp tốt bằng tiếng Việt” - Ảnh 4.

Cô Hồng đã chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại trường

Cô Hồng chia sẻ: "Chúng tôi từng bước áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến phù hợp với tình hình thực tế, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để trẻ có cơ hội được trải nghiệm, rút ngắn khoảng cách giữa vùng khó khăn và thuận lợi. Mong sao các em có một tuổi thơ được chăm sóc và dạy dỗ đúng nghĩa, tự tin như những chú chim non đủ lông đủ cánh khi rời trường mầm non".

“Mong các con giao tiếp tốt bằng tiếng Việt” - Ảnh 5.

Số lượng trẻ đến lớp ngày càng đông hơn

Vượt qua những vất vả mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được, cô Lê Thị Hồng vẫn lặng lẽ vững tay chèo lái con thuyền để các con đến được bến đỗ bình yên, tự tin hướng tới những ước mơ và hy vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn