“Cô giáo làng” tạo ra thế giới khác biệt trong văn chương

Lam Giang
31/01/2022 - 12:33
“Cô giáo làng” tạo ra thế giới khác biệt trong văn chương

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hòa

Không may bị bại liệt từ nhỏ nhưng với nghị lực và tài năng của mình, 15 năm nay, Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) vừa làm nghề “gõ đầu trẻ”, vừa gặt hái nhiều thành công trong văn chương. Cô là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng được Forbes Việt Nam tôn vinh năm 2021.

Trong danh sách "20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng" được Forbes Việt Nam tôn vinh năm 2021, Nguyễn Thị Kim Hòa là cái tên xứng đáng với bất kì ai biết về cô. 

Năm 2014, cô đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: "Đó là tác giả có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội". Trước đó, Kim Hòa từng đạt giải A cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức. Gần đây, cô đạt giải Nhất cuộc thi viết "Thương nhớ miền Trung" của báo Thanh niên. Kim Hòa cũng là một trong những nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa bộ mới.

Cô gái có duyên với giải Nhất ấy thường phải tranh thủ những lúc cơ thể mình không đau ốm để viết văn. Năm 2 tuổi, một cơn sốt ác tính khiến cô bé Kim Hòa bị khuyết tật vận động. Di chứng của cơn sốt ấy khiến cô phải sống chung với cột sống yếu ớt và hai cánh tay không thể lớn. Tuổi thơ của Kim Hòa bị ám ảnh bởi hình ảnh những cây kim châm cứu dài. Nhưng trong trang sách của cô, khi viết về tuổi thơ, đó là một thế giới nhiều ấm áp, yêu thương.

“Cô giáo làng” tạo ra thế giới khác biệt trong văn chương - Ảnh 1.

Trong danh sách "20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng" được Forbes Việt Nam tôn vinh năm 2021, Nguyễn Thị Kim Hòa là cái tên xứng đáng với bất kì ai biết về cô.

Tình thương của ba mẹ, ông ngoại, sự nỗ lực của các thầy thuốc và nghị lực của "cô bé hạt tiêu" cũng chỉ có thể giúp Hòa sử dụng bàn tay trái, với 3 ngón tay có thể hoạt động tốt, co duỗi được. Hòa luôn phải tranh thủ khi sức khỏe ít ốm đau để viết, trong tư thế nghiêng nghiêng vì cột sống yếu ớt. Vậy nhưng, Kim Hòa có tài tạo ra những thế giới khác biệt trong văn chương. Dù là truyện dài, truyện ngắn, tản văn; truyện cho người lớn hay trẻ con, Hòa cũng tạo được dấu ấn của riêng mình.

Với Hòa, được tạp chí uy tín Forbes tôn vinh đem lại thêm niềm vui khi thấy nỗ lực của mình được ghi nhận. Càng vui hơn khi được bạn bè chia sẻ và chúc mừng; những người thân yêu vẫn luôn dõi theo. Kim Hòa đã "đi" cùng văn chương được hơn 10 năm, làm "cô giáo làng", gắn bó với bọn trẻ trong xóm nghèo quê cô cũng ngót nghét 15 năm. Cả quãng thời gian ấy, Kim Hòa tự thấy mình may mắn khi luôn có gia đình, bạn bè bên cạnh động viên.

Làm "cô giáo làng", không chỉ giúp Kim Hòa mưu sinh mà còn giúp cô tích lũy vốn để "mở cửa tiệm viết", làm bà chủ chuyên "bán chuyện kể" cho thiếu nhi. 15 năm dạy học, cô có được gia tài là vô số nhân vật, từ ngữ, giọng điệu của trẻ nhỏ. Ở lâu với học trò, đôi lúc, cô thấy mình đang nói ngôn ngữ của các em, suy nghĩ y chang như các em. Kim Hòa thường tranh thủ những lúc "con nít hóa" ấy để lên vài ý tưởng gì đó. Nhiều ý tưởng như vậy đã thành sách. Tụi học trò của Hòa hay đọc chúng và reo lên rằng: "A. Cô viết về con nè. Đúng không cô?".

"Biết viết văn, tôi có thêm nhiều bạn: bạn đọc rồi bạn viết. Tôi tìm được những tâm hồn đồng điệu với mình nhờ những trang văn. Có văn chương, cuộc sống tôi vui hơn. Quanh quẩn suốt ngày với lớp học, sức khỏe cũng không cho phép đi nhiều nơi, không gian sống của tôi chỉ gói gọn trong bốn bức tường nhà mình. Chính văn chương đem tôi ra khỏi "lâu đài kính" ấy. Đến với văn chương, tôi được đi nhiều hơn, những chuyến đi thực sự, đến với những vùng đất chưa từng nghĩ sẽ đặt chân đến được. Tôi khỏe hơn, tôi "liều" hơn và vì vậy, tôi sống trọn vẹn hơn", nhà văn Kim Hòa chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm