Cô giáo người Nùng: Sự bình an là nền tảng tạo nên hạnh phúc gia đình

12/05/2023 10:35
Chị Chỉnh dành thời gian trong ngày bên các con

Chị Chỉnh dành thời gian trong ngày bên các con

Là một giáo viên người dân tộc Nùng, chị Nguyễn Thị Chỉnh có quan điểm “Tổ ấm gia đình” được xem là nền tảng để tạo ra hạnh phúc. Chính vì vậy, chị đã có cách chăm sóc gia đình và con cái rất đặc biệt...

Chị Nguyễn Thị Chỉnh, người dân tộc Nùng, sinh năm 1985 tại thôn Làng Khang, xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Khi phần lớn người phụ nữ dân tộc thiểu số có suy nghĩ an phận, thụ động, thậm chí cam chịu, thì chị Chỉnh lại là người luôn chủ động trong cách sống, cách nuôi dạy con cái và bảo vệ tổ ấm gia đình.

Cô giáo người Nùng: Giúp con khám phá là cách đồng hành với con - Ảnh 1.

Chị Chỉnh đồng hành cùng con gái trong học tập, chị cũng là một người bạn của con

Chia sẻ một kỷ niệm với con, chị kể: "Có lần con gái tôi do nghịch ngợm, dồn hết mỹ phẩm của mẹ vào một lọ để làm thí nghiệm. Lúc tôi phát hiện ra vừa tức, vừa tiếc nên đã mắng con. Nhưng khi bình tâm trở lại, tôi đã hỏi con và biết được do con tò mò, muốn thực hành những kiến thức mà con học được. Tôi đã bình tĩnh phân tích cho con hiểu rằng mẹ sẽ giúp con thực hành nhưng trước khi làm con cần phải được sự đồng ý của mẹ. Sau đó, tôi đã mua những dụng cụ cho con học tại nhà liên quan đến bài tập để con khám phá".

Từ đó giữa 2 mẹ con chị có sự gần gũi hơn rất nhiều, ngoài chia sẻ việc học, thì con gái chị rất thích rủ mẹ cùng thực hành thí nghiệm nào đó; nhờ mẹ kèm dạy nấu ăn, pha chế đồ uống...

Cô giáo người Nùng: Giúp con khám phá là cách đồng hành với con - Ảnh 2.

Gia đình hạnh phúc của cô giáo Chỉnh

Chị Chỉnh cho rằng, sự bình an trong cuộc sống được xem là nền tảng tạo nên hạnh phúc gia đình. Vì thế chị luôn dành thời gian chăm lo sức khoẻ, bữa ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho gia đình, con cái và chính bản thân mình.

"Quan điểm của tôi là luôn tạo cho con không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc xen lẫn sự nghiêm khắc để các con phát triển theo hướng tích cực. Trong gia đình có sự phân công rõ ràng rằng là mẹ luôn dành lời yêu thương, chăm sóc tỉ mỉ cho những đứa con. Bố là người mang đến những bài học quý giá trong chính sự nghiêm khắc của mình. Công việc giảng dạy của tôi đã giúp tôi vận dụng được rất nhiều trong cuộc sống, cả về kiến thức lẫn cách chăm sóc và thời gian cho con cái", chị Chỉnh chia sẻ.

Cô giáo người Nùng: Giúp con khám phá là cách đồng hành với con - Ảnh 3.

Chị Chỉnh quan niệm, trong hôn nhân, hai vợ chồng phải tôn trọng, chia sẻ và cùng nhau giữ lửa.

Đó là đối với cách nuôi dạy con cái, còn đối với hạnh phúc gia đình, chị quan điểm rằng, trong hôn nhân, hai vợ chồng phải tôn trọng, chia sẻ và cùng nhau giữ lửa. Đồng thời, chồng phải luôn đồng hành cùng vợ nuôi dạy con cái, tạo điều kiện cho con trẻ sống vui vẻ và phát triển trong một gia đình hạnh phúc.

Chia sẻ về hạnh phúc, hôn nhân và gia đình của người phụ nữ dân tộc thiểu số mà chị quan sát được, chị Chỉnh cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều người có quan điểm phụ nữ phải chịu thiệt, nhẫn nhịn, "một điều nhịn, chín điều lành" để gia đình luôn êm ấm. Chính vì vậy, họ sống thụ động và chịu nhiều thiệt thòi. Đồng thời, không thể bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình trong cuộc sống hôn nhân.

Cùng với đó, phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít giao lưu, ngại tiếp xúc với mọi người, ít tham gia công tác xã hội nên chưa bắt nhịp được với cơ chế thị trường, cách làm ăn để thoát nghèo, ít có không gian vui chơi với con cái. Điều này cũng gây thiệt thòi cho bản thân và cho những đứa trẻ trong gia đình.

Cô giáo người Nùng: Giúp con khám phá là cách đồng hành với con - Ảnh 4.

"Công việc giảng dạy của tôi đã giúp tôi vận dụng được rất nhiều trong cuộc sống, cả về kiến thức lẫn cách chăm sóc và thời gian cho con cái", chị Chỉnh chia sẻ

Bằng kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của một cô giáo, chị Chỉnh luôn mở lòng truyền lại kinh nghiệm cũng như trò chuyện để những chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn bớt đi những suy nghĩ lạc hậu, tiến tới xây dựng và phát triển việc làm, hành động mang lại sự độc lập, tự chủ cho chính bản thân.

Bên cạnh đó, chị mong muốn hội phụ nữ, chính quyền, tổ chức các buổi gặp mặt, chương trình tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội, giúp chị em thêm tự tin; Tổ chức các giải thưởng, khen thưởng hàng năm cho phụ nữ tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, giúp đỡ phụ nữ học tập và tham gia hoạt động chính trị văn hoá, văn nghệ, thể thao để các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số tự tin hơn, hòa đồng hơn với xã hội hiện đại.

Bằng cách chăm sóc, nuôi dạy con khéo léo, xây dựng gia đình hạnh phúc êm ấm, gia đình chị Chỉnh đã trở thành tấm gương cho nhiều phụ nữ noi theo. Năm nào gia đình chị cũng nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá" do UBND xã trao tặng; được tặng Giấy khen "Gia đình tiêu biểu" do LĐLĐ huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trao tặng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.