Có một con đường ai nấy đều muốn tìm về

20/07/2021 17:31
Con đường rơm mùa gặt. Ảnh: Trần Kháng

Con đường rơm mùa gặt. Ảnh: Trần Kháng

Biết bao con đường từng đặt chân qua, nhưng chắc chắn, con đường làng vẫn là nơi ai nấy đều muốn quay về, đôi khi chỉ là để tìm lại cho mình chút dư vị bình yên...

Từ con đường làng năm nào, lũ trẻ chúng tôi rẽ hướng đi muôn ngả. Có người lên phố thị, người thì đi biệt xứ, cũng có người chỉ chuyển sang làng bên. Biết bao con đường từng đặt chân qua, nhưng chắc chắn, con đường làng vẫn là nơi ai nấy đều muốn quay về, đôi khi chỉ là để tìm lại cho mình chút dư vị bình yên.

Những con đường nhựa thẳng tắp dưới chân các tòa cao ốc của thành phố dễ khiến con người ta khát thèm cảm giác được chân trần chạy trên nền đất làng quê mỗi độ chiều về. Ngày ấy, đám trẻ con đứa nào đứa nấy đều thích bỏ dép, chạy tít tắp trên con đường làng uốn quanh thôn xóm.

Con đường ấy đa phần là đất, xóm nào khang trang hơn thì được lát những viên gạch nhỏ nhấp nhô, đôi khi cũng chẳng theo làng, theo lối. Đường bê tông thì phải đến sau những năm 2000 mới xuất hiện ở quê tôi.

Có một con đường ai nấy đều muốn tìm về - Ảnh 1.

Đi trên con đường đất sợ nhất những ngày trời mưa

Quanh co bên con đường làng là cả bầu trời ký ức mà chỉ cần gợi lại một kỷ niệm, chúng lại kéo nhau ùa về. Mỗi trận mưa rào ập đến, xóm nào có đường lát gạch thì viên nào viên nấy sáng loáng, sạch sẽ vì vừa được gột rửa lớp đất cát theo chân người làng đem từ đồng về. Xóm nào đường đất thì chỉ mong cơn mưa chóng vánh, tạnh thật nhanh, kẻo đường lầy khó đi lại.

Chiều về, đám trẻ con thường tụ tập chơi trên đường làng. Ném dép, nhảy lò cò, nhảy dây, ô ăn quan... trò nào cũng không vắng mặt chúng tôi. Đám con trai thì tỏ ra thích thú hơn với đánh pháo, bắn bi. Chẳng vậy mà trên con đường đất lúc bấy giờ luôn thấy những lỗ nhỏ được đào.

Nhà ở quê không san sát như trên thành phố, không gian cho cây cối vẫn chiếm diện tích lớn. Hai bên đường làng trồng đủ loại cây, nào dâm bụt, chuối, tre, dứa dại... Nhờ thế mà con đường làng luôn có bóng mát, khung cảnh thôn xóm cũng thêm phần bình yên.

Nơi ấy, các bà, các chị chiều chiều thường ra ngồi đón gió, giữa trưa đi làm đồng về thì có chỗ dừng chân nghỉ mát. Đám trẻ con rất thích làm nhà bằng những tàu lá chuối để chơi trò gia đình và bán đồ hàng trên con đường ấy.

Có một con đường ai nấy đều muốn tìm về - Ảnh 2.

Làng quê mùa gặt

Bao quanh làng là cánh đồng và một con sông. Tuổi thơ chúng tôi còn gắn liền với thú thả diều trên con đường đất ven cánh đồng. Tôi nhớ, có những sáng chúng tôi đứng trên bờ xem mẹ lội sông bắt con trai, con ốc, rồi lệ khệ khiêng chậu về như thể thành quả của chính mình.

Trên con đường làng ấy cũng có bao đôi trai gái từng hò hẹn, tâm tình. Có những đôi bị đám trẻ chúng tôi phát hiện và trêu trọc đến ngượng chín mặt. Nơi ấy cũng có những đợi chờ của ông bà, bố mẹ mỗi lần con cháu đi học về muộn, và đôi khi nó chứng kiến cả những trận đòn roi vì đi chơi xa mà quên xin phép.

Đến vụ cấy, sáng sớm tinh mơ người làng tôi đã chân trần đi trên con đường ấy, í ới gọi nhau gánh mạ ra đồng. Các cụ già cũng có thói quen dậy giờ đó, nhưng không ra đồng mà men theo con đường làng để lên chợ mua chút thức ăn cải thiện bữa cơm cho người đi cấy.

Vào mùa gặt, con đường làng phát huy nhiều tác dụng hơn khi trở thành nơi phơi rơm, phơi rạ cho bà con. Diện tích sân trong nhà đôi khi chỉ đủ để phơi thóc, nên rơm rạ phải trải hết ra đường, ra ngõ cho mau khô, tối về còn đánh đống.

Ký ức về ngày mùa trên con đường làng có lẽ là thước phim đọng lại nhiều hình ảnh nhất trong tâm trí người xa quê. Nếu chưa được nghỉ hè, lũ trẻ chúng tôi sẽ rất dễ bực dọc mỗi lần đạp xe đến trường trên chiếc xe đạp vốn đã vừa cao, vừa khó đi. Chốc chốc, rơm rạ đã quấn kẹt vào các đũa xe, không sao đạp tiếp. Chưa kể, lớp rơm dày, sức lực để đạp cũng phải tăng lên gấp đôi. Nhiều đứa còn rủ nhau đi bộ, và đúng, đi bộ trên đường rơm còn nhanh hơn đi bằng xe đạp.

Có một con đường ai nấy đều muốn tìm về - Ảnh 3.

Trò chơi kéo mo cau của tuổi thơ trên đường làng quê

Cơn gió chiều đưa những chuyến xe thồ lúa cuối cùng của bố về. Đám con nít 5, 6 tuổi rất thích chạy ra đồng rồi leo lên xe thồ về cùng bố. Thường, đường làng tôi có khá nhiều ổ gà, ngồi trên xe sẽ đau hơn đi bộ. Nhưng nhờ lớp rơm ngày mùa, bánh lái của bố cứ gọi là êm ru. Ngồi trên sống xe, đám trẻ con còn vắt chéo chân hát vang mấy bài đồng dao, chốc chốc lại hí hửng đếm trong xà cạp xem hôm nay có "bội thu" muồm muỗm không. Nếu có, tối về kiểu gì cũng được một bữa nướng thơm phức.

Niềm vui của con trẻ đơn giản nên đôi khi cũng không hiểu hết được nỗi vất vả của bố mẹ. Gặt lúa về, người lớn lại lo chất lúa chờ máy tuốt đến. Nhà nào cổng nhỏ sẽ tận dụng đường làng để tuốt lúa luôn. Con đường làng lại một lần nữa phát huy tác dụng. Bao nhiêu mẻ thóc thu được từ đó, bố mẹ lại vận chuyển vào trong nhà. Đôi chân trần trên nền đất làng cứ thế nuôi lớn chúng tôi đến tận bây giờ.

Trưởng thành rồi, đám trẻ năm nào không còn được chơi đủ mọi trò trên con đường làng, hay hò reo mỗi chuyến lúa bố về, cũng hiếm khi được đứng đó đón mẹ đi chợ xa mang về tấm bánh.

Cuộc sống của chúng tôi giờ gắn liền với những con đường trải nhựa không chút gồ ghề, không cần đợi phủ rơm dày mới dám ngồi lên sống xe. Con đường làng ngày ấy bây giờ đã được nâng cấp nhiều, đổ bê tông nhẵn thín. Nhưng có lẽ, điều làm chúng tôi nhớ nhất không phải là con đường đất hay đường gạch, mà là nhiều tập phim của hồi ức đẹp đã diễn ra trên con đường làng năm ấy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.