Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc

28/08/2021 16:25
Phượng bào kết hợp với Phượng quan triều Nguyễn

Phượng bào kết hợp với Phượng quan triều Nguyễn

Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử, chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ. Cổ phục Việt Nam không đơn thuần là trang phục mà còn là một cách để quảng bá nét văn hóa truyền thống.

Hiện nay, cổ phục được nhiều người quan tâm và tìm đến. Mỗi bộ trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu văn hóa truyền thống và phong tục của dân tộc, đó là hơi thở, linh hồn của nước ta.

Áo viên lĩnh

Áo viên lĩnh có đường viền cổ may hình tròn ép sát vòng cổ, cài cúc bên phải, trang phục rất rộng, có 6 thân áo với 2 thân ngoài đắp chồng lên nhau. Áo xẻ tà hai bên, tay áo ngoài là dạng thụng, khi người mặc khoanh tay sẽ tạo thành hình vuông vức. Áo bào thiết triều của vua-quan Việt từ triều Lý đến triều Nguyễn hầu hết là viên lĩnh.

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Áo viên lĩnh

Vào triều Nguyễn, một số áo viên lĩnh khoác ngoài được thay bằng thụ lĩnh (áo cổ đứng), song kết cấu vẫn không thay đổi nhiều.

Áo giao lĩnh

Áo giao lĩnh phổ biến vào thời Lý - Trần – Lê, được sử dụng ở mọi tầng lớp từ vua chúa, quý tộc cho đến dân thường. Trang phục có phần cổ giao nhau trước ngực, vạt trái đè lên vạt phải. Thân áo dài hay ngắn tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng, phần thân dưới mặc váy và quây bên ngoài, tay áo có thể là dạng thụng hoặc chẽn.

Giao lĩnh là một dạng áo cổ của phương Đông, nên áo của nữ có nét khá giống với trang phục cổ truyền của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Áo giao lĩnh thân ngắn, tay chẽn

Bạn Trần Thanh Hoài, sinh viên năm 4 ngành Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,một thành viên tích cực trong việc truyền thông cho Cổ phục Việt, cho biết: "Khi tổ chức sự kiện truyền thông cho giới trẻ, mình đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về cổ phục Việt. Hiện nay, nhiều bạn cho rằng cổ phục Việt giống với trang phục truyền thống một số nước Á Đông, theo mình thì việc các nền văn hóa ảnh hưởng lẫn nhau là bình thường. Tuy nhiên, cổ phục Việt vẫn có cho mình cốt cách riêng, phù hợp với văn hóa nước nhà. Truyền thông về cổ phục Việt vẫn còn hạn chế nên công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ chưa phân biệt cũng như hiểu hết giá trị, tinh hoa bên trong mỗi bộ trang phục. Trong tương lai, mình tiếp tục tìm hiểu về cổ phục Việt để có thể quảng bá nét đẹp văn hóa Việt đến các thế hệ sau này".

Do đặc điểm khí hậu là các vùng xứ lạnh, nên cổ áo giao lĩnh của Trung Quốc và Hàn Quốc cao và khít, còn Nhật Bản quan niệm gáy là phần đẹp của phụ nữ nên cổ áo được kéo xuống để lộ phần gáy ra. Ở Việt Nam, khí hậu nóng hơn nên cổ áo thường rộng và buông thõng.

Phượng bào triều Nguyễn

Phượng bào là lễ phục cao quý dành cho Hoàng hậu nhà Nguyễn, thể hiện địa vị tối cao của người mặc. Áo có màu vàng chính sắc, được thêu hoa văn phượng hoàng, mây, thủy ba, cùng với các chữ mang nghĩa tốt lành. Phượng bào với đồ án phi phụng được chế tác công phu toát lên vẻ lộng lẫy, với tâm điểm là hình chim phượng trên ngực áo.

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Phượng bào kết hợp với Phượng quan

Bạn Tô Thị Thu Phượng, sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, nói: "Mình khá quan tâm đến văn hóa truyền thống của nước ta, nhất là về kiến trúc và các họa tiết trang trí cổ. Vì vậy khi thấy cổ phục Việt được phục dựng lại từ hoa văn, họa tiết đến phụ kiện đã cho mình cảm giác thích thú. Khi mặc cổ phục, mình cảm thấy rất tự hào và xúc động, trên bộ trang phục là bề dày lịch sử và nét văn hóa độc đáo. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ yêu văn hóa cổ như mình".

Trang phục của các bậc vua chúa nhà Nguyễn có nhiều loại, mỗi loại lại có tên gọi, màu sắc riêng và chỉ mặc trong những dịp cụ thể. Phượng bào được hoàng hậu mặc lúc thiết đại triều.

Nhật bình

Theo sách Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức, NXB Thế giới: "Áo nhật bình là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng hậu, công chúa. Áo nhật bình có nguyên mẫu là dạng áo phi phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo bản to tạo thành hình chữ nhật ở dưới ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo. Thường phục nhật bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn".

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Áo nhật bình thường được kết hợp với khăn vành dây

Ở Việt Nam áo nhật bình đã được biến tấu nhiều để phù hợp với phong tục và văn hóa. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá tinh xảo, điểm xuyến bằng các hạt kim tuyến lấp lánh. Đặc biệt, ở tay áo có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ mang lại năng lượng phù hợp, hài hòa và tốt lành.

Áo ngũ thân

Đây là một loại trang phục truyền thống của người Việt Nam, áo có ngũ (năm) thân, tượng trưng cha mẹ hai bên và chính người mang áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường (nhân - lễ - nghĩa - trí – tín), cho thấy người mặc áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội. Mặc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 5.

Áo ngũ thân

Bạn Đinh Quân, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Cốt cách của ông cha ta thể hiện qua bộ trang phục. Đối với nữ thì đó là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt. Đối với nam đó là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt".

Áo dài ngũ thân còn biểu thị cho các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế. Thể hiện qua kỹ thuật may như ghép hoa văn ở sống áo, đường kim thẳng, nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Tà áo uốn lượn, vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Áo dài ngũ thân được xem là tiền thân của áo dài ngày nay.

Áo tấc

Còn được gọi với những cái tên khác như áo ngũ thân tay thụng, áo lễ, áo thụng. Áo tấc mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến quá đầu gối một chút. Áo có cổ đứng cài cúc bên phải người mặc, tà chắp từ năm mảnh vải, tay dài và thụng, phần viền áo rộng đúng 1 tấc.

Cổ phục Việt lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc - Ảnh 6.

Áo tấc

Khi mặc kết hợp cùng với mũ tú tài hay là khăn xếp đối với nam, đội mấn cài trâm đối với nữ. Áo tấc phổ biến ở thời nhà Nguyễn, vì là trang phục dành cho cả nam và nữ, không phân biệt tầng lớp nên mỗi người dân đều lựa chọn để mặc trong ngày trọng đại như kết hôn, lễ, Tết, tang lễ...

Để cổ phục Việt không chỉ là trào lưu

Những trang phục cổ trước giờ chỉ bắt gặp trên sách báo, phim ảnh, nay đã xuất hiện gần hơn với mọi người qua những trào lưu trên Tiktok hay những bộ ảnh có chủ đề cổ phục. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chủ động tiếp cận cổ phục vì muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống.

"Mình quan tâm đến cổ phục không xuất phát từ các trend hay những cơn sốt, mà vì muốn tìm hiểu thêm về các giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm với những nét văn hóa truyền thống riêng thông qua trang phục, qua đó thêm yêu và tự hào về những gì mình đang có ở hiện tại. Hy vọng các cơ quan báo chí, các câu lạc bộ... sẽ tiếp tục tôn vinh và đưa tin về nét tinh hoa cổ phục Việt, góp phần gìn giữ những nét đặc sắc mang dấu ấn lịch sử của dân tộc", bạn Đinh Quân chia sẻ thêm.

Những bộ trang phục của quá khứ tạo nên sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại cho chúng ta thấy, sau mỗi tấm áo là lịch sử, sau sự trở lại của cổ phục là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc phát triển những yếu tố khác, chúng ta cần gìn giữ và đưa những nét đẹp của văn hóa Việt vươn ra thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn