Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc

Các nữ tu Công giáo Việt Nam tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch năm 2021, đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TPHCM

Các nữ tu Công giáo Việt Nam tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch năm 2021, đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TPHCM

Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nước ngoài là một bộ phận của người Việt Nam tại nước ngoài được hình thành qua quá trình di dân kéo dài hàng thế kỷ. Bài viết dưới đây đề cập đến mối quan hệ giữa người Công giáo Việt Nam và cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, một số nội dung trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Quá trình hình thành cộng đồng người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có gần 5 triệu người (80% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tín ngưỡng, tôn giáo) đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông nhất ở Mỹ (2,2, triệu người, chiếm 50% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài, Pháp 400.000 người, Úc 350.000 người; Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản khoảng 300.000 người… Đại bộ phận kiều bào ta ở nước ngoài vẫn giữ được truyền thống văn hóa, bản sắc của dân tộc. Trong đó có một bộ phận là tín đồ các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài…

Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài hình thành chủ yếu từ đầu thế kỷ 20, có thể nói cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài được bổ sung nhiều nhất là sau khi hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 và sau chiến thắng 30/4/1975, cộng đồng lớn người Công giáo Việt Nam là công chức, linh mục, tu sĩ, giáo dân đã di cư sang nước ngoài, hình thành nên một cộng đồng người Công giáo Việt Nam tại các nước ở châu Âu, Á, Mỹ, Phi và Úc. Những năm gần đây, bổ sung thêm số lượng lớn người Công giáo Việt Nam sang lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài, đáng kể là cộng đồng Công giáo Việt Nam sang lao động, học tập tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tính trên toàn thế giới thì Công giáo Việt Nam hiện nay có khoảng 1 triệu giáo dân. Tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaisia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Thái Lan. Châu Âu như Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Ý. Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Brazin, Peru, Haiti, Paraguay. Châu Đại Dương là Úc và New Zealand cùng một số nước. Trong đó cộng đồng Công giáo Việt Nam nhiều nhất là ở các nước Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc…

Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài xây dựng khối đoàn kết dân tộc - Ảnh 1.

Liên Tu sĩ Việt Nam tại Roma Hành hương Đền Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi

Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chủ yếu là sau năm 1975. Năm 2014, Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Mỹ có khoảng 1.000 linh mục, 110 phó tế vĩnh viễn, 500 nữ tu. Hàng năm có thêm hàng chục linh mục và nữ tu. Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ đánh giá cao Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc chăm lo mục vụ cho đồng bào Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Còn tại Pháp, hiện nay có khoảng 70 cộng đoàn Công giáo Việt Nam, với khoảng 250.000 người. Tại Paris có giáo xứ của Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Hiện nay có Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp, hội có trên 600 linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Pháp.

Cộng đồng công giáo Việt Nam ở hải ngoại có nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, có nơi lập thành những giáo xứ Việt Nam với ngôi nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt do một linh mục Việt Nam làm quản xứ quản nhiệm, có nơi cộng đoàn Việt Nam chỉ là thành phần trong một giáo xứ địa phương với linh mục Việt Nam làm cha phó phụ trách, có nơi cộng đồng Công giáo Việt Nam chỉ là một cộng đồng nhỏ lẻ chưa có người phụ trách thỉnh thoảng mới tụ họp nhau dâng thánh lễ bằng tiếng Việt. Các tín hữu công giáo Việt Nam hải ngoại không chỉ hoạt động riêng trong phạm vi mỗi quốc gia mà họ cư ngụ mà còn hoạt động liên quốc gia.

Công giáo Việt Nam và cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài

Tòa thánh Vatican thiết lập cơ quan ngành dọc chăm sóc đời sống thiêng liêng, tinh thần cũng như trợ giúp các hoạt động liên quan đến xã hội cho người di cư trên khắp thế giới đó là Ủy ban Mục vụ di dân. Theo đó, Hội đồng Giám mục của mỗi quốc gia đều có Ủy ban Mục vụ di dân phụ trách chăm sóc người di dân là người nước ngoài sinh sống tại đất nước.

Tại châu Á, Hội đồng Giám mục Giáo hội các nước cũng rất quan tâm đến tình trạng di dân. Đây cũng là chủ đề được bàn thảo trong nhiều phiên họp của Liên Hội đồng Giám mục châu Á. Một số giải pháp được đưa ra giữa Hội đồng Giám mục châu Á như các cuộc họp song phương của Ủy ban Di dân của Hội đồng Giám mục các nước châu Á nhằm triển khai các chương trình huấn luyện những tác viên mục vụ di dân ở cấp quốc gia và cấp địa phương; đưa việc mục vụ di dân vào các chương trình mục vụ chung trong giáo phận, đặc biệt tăng cường việc đối thoại và hợp tác giữa giáo phận gốc và giáo phận nơi di dân đang cư trú; kết nối các vấn đề của di dân với các vấn đề và chính sách lao động để tìm ra giải pháp đồng bộ… nhằm tìm giải pháp phù hợp giúp đỡ người di dân.

Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài xây dựng khối đoàn kết dân tộc - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Đối với Công giáo Việt Nam thì Ủy ban Mục vụ di dân được thành lập tại Đại hội lần X (2007 – 2010) Hội đồng Giám mục Việt Nam để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho người di dân trong và ngoài nước. Hồng y Phạm Minh Mẫn làm chủ tịch đầu tiên của Ủy ban. Ủy ban Mục vụ di dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã liên hệ, trao đổi với Ủy ban mục vụ di dân của các nước sở tại về tình hình di dân là người Công giáo Việt Nam ở các nước, tại một số nước, Ủy ban Mục vụ di dân đã phối hợp với một số Ủy Ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam để gửi linh mục, tu sĩ sang hoạt động mục vụ, chăm sóc đời sống cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài.

Thống kê của Ủy ban Tu sĩ, Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2018: có 875 tu sĩ đi du học nước ngoài (hầu hết tại: Hoa Kỳ, Rôma, Pháp, Philippines, Úc); 2.183 tu sĩ hoạt động mục vụ tại nước ngoài (hầu hết tại: Lào, Thái Lan, Đức, Bỉ, Ý, Nhật Bản).

Ủy ban mục vụ di dân, Ủy ban Tu sĩ của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người Công giáo Việt Nam tại nước ngoài như:

Hình thành mạng lưới mục vụ với các linh mục và tu sĩ ở ngoài nước để chăm sóc nhu cầu mục vụ cho người lao động. Tổ chức Thánh lễ và các Bí tích: Các thánh lễ cho người di dân đáp ứng nhu cầu tâm linh của các người tạm cư, xa xứ, trong đó hiện nay 2 quốc gia có di dân lao động, học hành (di dân tạm thời), Công giáo Việt Nam mời gọi người Công giáo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự các thánh lễ bằng tiếng Việt. Đồng thời liên hệ với Công giáo bản địa giúp người Công giáo Việt Nam nhanh chóng hội nhập đời sống xã hội và có đới sống tâm linh tại nơi xa xứ; khuyến khích người Công giáo Việt Nam gia nhập các giáo xứ, cộng đoàn địa phương, để họ có thể lãnh nhận các bí tích thường xuyên như khi ở Việt Nam…

Tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh: Cuộc sống của nhiều người Công giáo Việt Nam tại nước ngoài còn gặp khó khăn, trở ngại về môi trường sống, ngôn ngữ, văn hóa, học hành, công việc. Để nâng cao đời sống tinh thần cho người Công giáo Việt Nam, một số Linh mục, tu sĩ người Việt Nam tại nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí cho người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, cùng tổ chức gặp gỡ, sinh hoạt để cùng giúp đỡ và tương trợ trong đời sống tâm linh và xã hội; tổ chức các khóa tĩnh tâm, các buổi học hỏi/ chia sẻ lời Chúa, họp nhóm, sinh hoạt ca đoàn cũng là những dịp để người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện tham dự vào đời sống đạo.

Hỗ trợ pháp lý, giúp ổn định đời sống, bảo vệ người gặp khó khăn: Trường hợp một số người Công giáo ở nước ngoài bị bạo hành, là nạn nhân của việc bắt cóc, buôn người, gặp khó khăn khi sinh sống tại các quốc gia bản địa, gặp khó khăn khi liên hệ với Đại Sứ quán đã được Linh mục, tu sĩ liên hệ với Công giáo bản địa giúp đỡ, cũng như hợp tác với các cơ quan thẩm quyền ở các nước sở tại, liên hệ với Đại Sứ quán để giúp đỡ họ…

Ở chiều ngược lại, đã có nhiều chức sắc, người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm quê hương, tham dự các hoạt động tôn giáo, tham gia giảng dạy, đào tạo tại các Đại Chủng viện, giảng tĩnh tâm tại các giáo phận, dòng tu; một số chức sắc khi quay về thăm quê hương đã xin nhập quốc tịch Việt Nam chuyển về sinh sống luôn ở Việt Nam…

Đóng góp xây dựng quê hương, đất nước

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nói chung, trong đó có việc đoàn kết, hòa hợp đối với những người theo Công giáo ở nước ngoài nói riêng. Đảng, Nhà nước ta khẳng định rõ việc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo cùng đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ. Có thể nói, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận.

Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài xây dựng khối đoàn kết dân tộc - Ảnh 3.

Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến ở TPHCM năm 2021. Ảnh: TGPSG

Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Các tôn giáo, Công giáo được tổ chức các hoạt động tôn giáo lớn, được mời các chức sắc Công giáo nước ngoài vào hoạt động mục vụ. Các hoạt động, các lễ lớn của Công giáo với sự tham dự của hàng trăm nghìn giáo dân, có Đại hội của Công giáo Việt Nam tổ chức có hàng trăm nghìn người tham dự như Đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang, có hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á mời hàng trăm Giám mục, linh mục nước ngoài… đều diễn ra tốt đẹp, được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về an ninh trật tự, giao thông… Nhiều chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo nước ngoài ấn tượng tốt đẹp về chính sách, sự quan tâm của các cấp chính quyền với Công giáo.

Các tôn giáo, Công giáo được tự do hoạt động, tham gia vào trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, được tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo… Trong lĩnh vực y tế, thống kê năm 2017 trên toàn quốc có 56 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, người nhiễm HIV/AIDS của các tổ chức, cá nhân thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được các bộ, ngành, địa phương cấp phép hoạt động (cả nước có 113 cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo đã đăng ký hoạt động). Chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Công giáo hoạt động trong các lĩnh vực này.

Giáo hội Công giáo Việt Nam, hầu hết chức sắc, tu sĩ, người Công giáo Việt Nam tin tưởng vào chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước, tích cực hợp tác với các cấp chính quyền cùng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời mong muốn Nhà nước thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ chủ trương, chính sách và tình hình trên, thời gian qua nhiều chức sắc, giáo dân Công giáo định cư ở nước ngoài, có người đã định cư 40-50 năm khi về Việt Nam đã được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước, sự phát triển của Giáo hội Công giáo Việt Nam, đời sống đạo tự do, sốt sắng của người Công giáo Việt Nam đã thay đổi cách nhìn về quê hương, đất nước và đã có những đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài di cư với nhiều lý do khác nhau. Do vậy, thái độ của mỗi người, mỗi nhóm người đối với dân tộc, đất nước cũng khác nhau nhưng vượt qua tất cả, tình yêu tổ quốc, đất nước, quê hương vẫn là mẫu số chung của người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài. Một số chức chức sắc, tu sĩ sinh sống, hoạt động hàng chục năm ở nước ngoài, được đào tạo chuyên ngành về y tế, giáo dục đã về nước và tham gia tích cực, hiệu quả vào trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo.

Từ thực tế trên, trong công tác đối với người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, cần tăng cường tuyên truyền đối ngoại trên các phương tiện thông tin, trong đó chú ý kênh tuyên truyền qua Giáo hội Công giáo Việt Nam, khi Giáo hội Công giáo Việt Nam, các chức sắc, tu sĩ, giáo dân thông tin về hiện tình đất nước. Bên cạnh đó, có thêm chính sách để thu hút những người xa quê hương nhiều năm về thăm quê hương, đất nước, thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam, chứng kiến chính sách tự do tôn giáo, sự phát triển của đất nước, cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, nhất là tham gia đóng góp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn