Công giáo Việt Nam tích cực chung tay xây dựng quê hương, đất nước

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11 (TPHCM). Ảnh: MTTQ Việt Nam

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11 (TPHCM). Ảnh: MTTQ Việt Nam

Công giáo Việt Nam là tôn giáo tích cực tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Thời gian qua, cùng với các hoạt động tôn giáo, Giáo hội Công giáo Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

Đạo Công giáo vào Việt Nam khi nào?

Quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam bắt đầu từ các thập kỷ đầu của thế kỷ XVI, song thực tế phải đầu đầu thế kỷ XVII, hoạt động truyền bá mới được tổ chức một cách có quy mô và đạt hiệu quả. Có thể phân chia quá trình truyền giáo và phát triển đạo Công giáo vào Việt Nam qua 4 giai đoạn chủ yếu: Giai đoạn hình thành từ đầu thế kỷ XVI đến năm 1884; Giai đoạn từ 1885-1945 (giai đoạn thực dân Pháp đô hộ đến khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); Giai đoạn thứ ba từ 1945-1975 (Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ); Giai đoạn thứ tư từ năm 1975 đến nay.

Công giáo truyền vào Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực cho văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, một bộ phận nhỏ tín đồ và chức sắc Công giáo bị các thế lực đế quốc lợi dụng, ảnh hưởng đến quan hệ Nhà nước và Giáo hội.

Sau năm 1975 đất nước hai miền Nam - Bắc thu về một mối, Giáo hội hai miền có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành thống nhất. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, ra Thư Chung lịch sử với đường hướng hoạt động "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào". Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người Công giáo với đất nước: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là đòi hỏi của Phúc âm. Thư chung năm 1980 cũng định ra nhiệm vụ xây dựng một nếp sống đạo mới và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

Công giáo Việt Nam tích cực chung tay xây dựng quê hương, đất nước - Ảnh 1.

Các nữ tu Công giáo trước giờ lên đường vào bệnh viện dã chiến, hồi sức Covid-19 hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân

Công giáo Việt Nam có hơn 3.000 giáo xứ; tính đến đầu năm 2021 có 46 Giám mục, gần 6.000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, tu hội, tu đoàn với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín đồ.

Công giáo Việt Nam hiện có 3 Giáo tỉnh với 27 giáo phận: Giáo tỉnh Hà Nội có 11 giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh và Hà Tĩnh. Giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận: Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Kon Tum và Buôn Ma Thuột. Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận: Tổng Giáo phận TPHCM, giáo phận Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết và Bà Rịa.

Bên cạnh tổ chức mang tính chất hành chính điều hành hoạt động của Giáo hội như giáo phận, giáo xứ, Công giáo còn có hệ thống các dòng tu. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều dòng tu của Công giáo, theo thống kê năm 2018 của Ủy ban Tu sĩ, Hội đồng Giám mục Việt Nam có 285 dòng tu, trong đó hiện có 76 dòng tu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động, chấp thuận thành lập.

Nhiều hoạt động vì cộng đồng

Công giáo Việt Nam là tôn giáo rất tích cực tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Thời gian qua, cùng với các hoạt động tôn giáo, Giáo hội Công giáo đẩy mạnh các hoạt động như thành lập các trường mẫu giáo, nhà trẻ; tổ chức lớp học tình thương, bổ túc văn hóa cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo trao học bổng cho học sinh; mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, chăm sóc người già neo đơn, khuyết tật, phong cùi, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; làm đường liên thôn, xây cầu cho bà con nghèo vùng sâu… Đây là đóng góp quan trọng của Công giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Công giáo Việt Nam tích cực chung tay xây dựng quê hương, đất nước - Ảnh 2.

Trao tặng quà và giấy biểu dương cho các tình nguyện viên Công giáo hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19

Trong các đợt dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả ước, đạo Công giáo ở nước ta đã tích cực chung tay phòng chống Covid-19. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư kêu gọi mọi thành phần dân chúa hãy làm tất cả những gì có thể, để hỗ trợ đồng bào ruột thịt đang vất vả vì đại dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi, các giáo dân, giáo phận, giáo xứ, họ đạo, dòng tu… đã có những việc làm thiết thực như ủng hộ các phần quà gồm nhu yếu phẩm, hàng nghìn suất cơm miễn phí… cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đã có hàng trăm linh mục, tu sĩ và giáo dân lên đường ra tuyến đầu phục vụ bệnh nhân. Cụ thể, tại TPHCM, từ 22/7 đến nay, có hơn 500 tu sĩ Công giáo, gồm hơn 20 linh mục đã lên đường tình nguyện làm nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TPHCM. 

Còn ở Đồng Nai, Giáo phận Xuân Lộc cũng đã trên 600 tình nguyện viên gồm linh mục, tu sĩ, giới trẻ Công giáo… tham gia công tác chống dịch tại các trung tâm y tế các huyện, bệnh viện dã chiến… Ngoài ra, các Giáo phận đều có những hoạt động bác ái thiết thực để giúp đỡ người dân trong địa phương của mình. Những việc làm tốt đẹp trên đã góp phần chung tay cùng cả nước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn