“Cuộc chiến” giành giật sự sống cho sản phụ mắc Covid-19

"Cuộc chiến" giành giật sự sống cho sản phụ mắc Covid-19

Việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thường vốn dĩ đã khó khăn, vất vả thì đối với sản phụ mắc Covid-19 lại càng gian nan vô cùng. Các y bác sĩ phải bước vào "cuộc chiến" thật sự để giành giật sự sống cho cả mẹ và bé. 

Một cơ thể - hai sinh mạng

Ngày 21/7, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) bắt đầu tiếp nhận sản phụ mắc Covid-19 với tổng số 120 giường, trong đó có 12 giường điều trị bệnh nhân nặng. Số sản phụ mắc Covid-19 tăng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh tại thành phố diễn biến phức tạp khiến toàn bộ số giường bệnh ngay lập tức được lấp đầy.

Tại khu điều trị sản phụ mắc Covid-19 chuyển nặng, các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Hùng Vương ngày đêm túc trực bên cạnh bệnh nhân để cứu chữa, giành giật sự sống cho cả mẹ và bé.

"Khi phát hiện kịp thời các trường hợp diễn tiến nặng, cứu được mẹ và con thì rất vui, đây là nguồn động viên rất lớn cho mọi người. Những nỗ lực mình làm được bù đắp", BS CKII Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa K1 - Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ.

Có lẽ cũng chính vì thế mà dù làm việc trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn cố gắng vượt lên tất cả, không ngừng nỗ lực từng phút, từng giây để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Các nhân viên y tế luôn tất bật với công việc để chăm sóc, điều trị cho sản phụ mắc Covid-19 - Ảnh: Diễm Hằng

Theo bác sĩ Thủy, việc điều trị cho bệnh nhân luôn được cân nhắc một cách cẩn trọng. Tùy vào tình trạng thai phụ, độ tuổi của thai nhi mà các y bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Với người mắc Covid-19, có một tỉ lệ người bệnh diễn tiến rất nhanh khiến các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra quyết định đầy khó khăn, ưu tiên cứu mẹ hay cứu con? Tuy nhiên, dù buộc phải đưa ra lựa chọn nào thì đội ngũ y bác sĩ cũng sẽ có phương án tốt nhất để có thể cứu được cả mẹ và con.

Khi thai nhi trên 37 tuần, nếu tình trạng sản phụ bắt đầu "có vấn đề" thì các bác sĩ sẽ chủ động chấm dứt thai kỳ để tránh rủi ro cho mẹ và bé. Bởi nếu không, khi tình trạng sản phụ mắc Covid-19 diễn tiến nặng sẽ dẫn đến thiếu oxy ở mẹ, từ đó dẫn đến thiếu oxy ở thai nhi khiến suy thai cấp hoặc mất tim thai. Trong trường hợp thai chưa đủ trưởng thành, khi sản phụ được tiên lượng nặng, tùy vào tuổi thai mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, đã có nhiều sản phụ rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" đã được cứu sống thành công.

Nhưng cũng có trường hợp các bác sĩ bất lực, không thể cứu được sản phụ từ tay tử thần khi tình trạng bệnh diễn tiến quá nhanh, nặng.

BS CKI Lữ Thị Khánh Phương, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức - Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, khi sản phụ mắc Covid-19 có tuổi thai càng lớn thì khó thở nhiều hơn, suy hô hấp nhanh hơn. Trong điều kiện quá tải, việc phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp trở nặng hết sức khó khăn.

"Có nhiều ca thật sự bất lực bởi mức độ trở nặng quá nhanh. Đội ngũ y bác sĩ đã làm hết sức rồi nhưng vẫn không thể nào cứu được bệnh nhân. Bên cạnh nỗi buồn, chia sẻ thì mình cũng phải nhớ hoài những ca bệnh này để rút kinh nghiệm cho những ca bệnh sau", bác sĩ Phương chia sẻ.

Làm việc 200-300% sức lực

Khu điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Hùng Vương ban đầu có 120 giường nhưng thực tế hiện mỗi ngày đều có gần 190 sản phụ mắc Covid-19 đang điều trị tại đây. Từ khi tiếp nhận bệnh nhân đến nay, bệnh viện đã điều trị cho hơn 600 sản phụ mắc Covid-19. Nói như vậy để thấy rằng, áp lực lên đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện là rất lớn. Mỗi ngày làm việc đều luôn tất bật và thật sự căng thẳng.

Các bác sĩ điều trị cho sản phụ mắc Covid-19 - Ảnh: Diễm Hằng


TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, số lượng sản phụ mắc Covid-19 tăng nhanh khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề về nhân lực.

Hiện nhân sự tại bệnh viện đang trong tình trạng "chia 5 xẻ 7", do được huy động để tham gia vào các mặt trận của ngành y tế như chia sẻ nguồn nhân lực hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine. Bên cạnh đó, một nhóm nhân viên y tế của bệnh viện mắc Covid-19 hoặc là F1.

"Nguồn nhân lực là điều quan trọng để chiến thắng dịch. Dù chúng ta có nhiều máy móc, máy móc hiện đại nhưng nếu không có con người thì cũng không thể nào giúp người bệnh vượt qua bệnh tật. Đây là một bài toán vô cùng khó khăn", bác sĩ Tuyết nhấn mạnh.

Đứng trước thử thách đó, các nhân viên bệnh viện càng phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chạy đua với thời gian để cứu sống sản phụ, đồng thời đảm bảo an toàn cho bé. Hiệu suất làm việc của mọi người ở thời điểm hiện tại không phải là 100% mà lên tới 200 - 300%.

Bệnh nhân mắc Covid-19 không có người thân bên cạnh, ngoài vấn đề chuyên môn, các y bác sĩ còn phải đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, động viên tinh thần cho bệnh nhân… Số lượng công việc tăng nhiều lần so với bình thường nên áp lực công việc đối với đội ngũ y tế là rất lớn.

Theo bác sĩ Thủy, hiện đội ngũ y bác sĩ phải căng mình làm việc để đảm bảo phát hiện kịp thời ca bệnh có nguy cơ trở nặng, hội chẩn các chuyên gia, bác sĩ gây mê hồi sức để đưa ra phương án điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Với không ít sản phụ mắc Covid-19, tình trạng bệnh có được cải thiện hay không không còn đơn giản là dựa vào máy móc nữa mà còn phụ thuộc cả vào ý chí. Vì vậy, các y bác sĩ phải luôn túc trực bên cạnh, an ủi, chia sẻ với bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Đối với các bé có mẹ dương tính với Covid-19, sau khi sinh xong sẽ được tách mẹ chuyển về Khoa Nhi để chăm sóc, tránh nguồn lây của bệnh.

Chung sức đẩy lùi dịch bệnh

"Mọi người đều ráng hết sức. Người này truyền năng lực tích cực cho người kia. Lớp trước truyền cho lớp sau. Điều gì chưa biết thì phải tranh thủ cập nhật tài liệu của các đơn vị bạn, các nước có kinh nghiệm điều trị Covid-19. Khi bước chân vào nghề y rồi thì không có suy nghĩ nào khác ngoài quyết tâm phải điều trị tốt nhất cho bệnh nhân", BS CKI Lữ Thị Khánh Phương nói.

Bệnh viện Hùng Vương đã điều trị cho hơn 600 sản phụ mắc Covid-19 trong thời gian qua

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cho hay, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng bệnh viện hiểu rằng đây là nhiệm vụ; đồng thời cũng là trách nhiệm đối với thành phố, người dân trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

"Hầu hết nhân viên đều nhận thức được rằng, đây là công việc mang tính chuyên môn. Khi chúng tôi có kiến thức, kỹ năng thì chúng tôi cũng mong muốn đóng góp công sức để giúp thành phố đẩy lùi dịch bệnh", bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh.

Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đánh giá Bệnh viện Hùng Vương đang làm tốt vai trò của mình.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh đại dịch bệnh tại TPHCM vẫn đang diễn biến phức tạp, phụ nữ có thai cũng dễ mắc Covid-19 như những đối tượng khác. Đồng thời, ông Tuấn cho biết, hiện tỷ lệ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Hùng Vương là rất thấp, chỉ khoảng 5%. Những kinh nghiệm của các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và xử trí đối với thai phụ mắc Covid-19 các tuổi thai khác nhau, mức độ biểu hiện lâm sàng khác nhau là rất quý giá đối với chuyên ngành sản phụ khoa trên cả nước khi phải ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh.

Qua thông tin trao đổi giữa hai đơn vị, được biết Bệnh viện Hùng Vương đang gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Hội LHPN TPHCM đã vận động chị em làm bảo mẫu ở các trường mầm non trên địa bàn tham gia vào lực lượng tình nguyện viện ở bệnh viện. qua đó, đã giới thiệu được gần 40 người tình nguyện tham gia, hiện có 13 người đã chính thức đến bệnh viện để hỗ trợ bệnh viện. Bên cạnh đó, Hội cũng nắm tình hình để hỗ trợ, chia sẻ với các sản phụ có hoàn cảnh khó khăn bị mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Đông Quân (thực hiện)