Cựu cán bộ Hội nặng tình với trống quân

26/09/2023 14:25
Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách. Ảnh: NVCC

Chúng tôi tìm tới thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) một ngày nắng cuối tháng 9, để nghe, cảm về trống quân của đất xứ Đoài xưa qua sự thể hiện của Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách (67 tuổi) - Chủ nhiệm câu lạc bộ trống quân Phúc Lâm.

Nên duyên vợ chồng nhờ trống quân

Ngồi đối diện tôi là người phụ nữ nhanh nhẹn, trẻ hơn so với tuổi 67 của mình, đôi mắt sáng toát lên sự thông minh cùng khuôn mặt phúc hậu, thân thiện. Bà say sưa kể về làn điệu trống quân quê mình.

Theo Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách, mẹ bà là Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Chải - nghệ nhân hát có tiếng ở trong vùng. Có lẽ vì vậy nên bà sớm được thừa hưởng cái gene nghệ thuật của mẹ. Chính mẹ là người thầy đã truyền dạy cho bà những làn điệu trống quân thuở lên 9, lên 10.

"Tôi đến với trông quân khi còn là cô bé 10 tuổi, mẹ là người truyền dạy cho tôi, cứ như vậy tình yêu dành cho trống quân lớn dần theo năm tháng và giọng hát của tôi cũng được trau chuốt, ngọt ngào hơn", bà Mách nói về những ngày đầu được mẹ truyền dạy trống quân.

Sống trong môi trường có nhiều người là nghệ nhân hát trống quân như bà nội và mẹ nên bà Mách cũng được trời phú cho chất giọng hay, cùng một chút năng khiếu bẩm sinh. Bà học rất nhanh các làn điệu hát giao duyên mượt mà của trống quân...

Không những là cô gái có giọng hát hay, Mách còn năng nỗ trong các hoạt động giao lưu văn nghệ của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ nên cái tên Kiều Thị Mách làng Phúc Lâm được đám trai làng và các làng lân cận để ý, muốn có được trái tim người đẹp, trong đó có anh chàng Đào Văn Chén (hiện 70 tuổi, là Nghệ nhân ưu tú trống quân của Câu lạc bộ trống quân Phúc Lâm).

Cựu cán bộ Hội nặng tình với trống quân - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách (trái) và mẹ là Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Chải. Ảnh: NVCC

"Chính trong những buổi giao lưu văn nghệ, thi tài đối đáp thông qua những điệu hát giao duyên ngọt ngào của trống quân như: Ước gì (thời) anh lấy được nàng thì anh (này)/Mua gạch (ấy) Bát Tràng đem về xây (ư…) - "Lưu không"... là công cụ để gửi gắm tình cảm, "tình trong như đã mặt ngoài còn e" của hai người", bà Mách kể lại chuyện tình yêu của hai người.

18 năm là cán bộ Hội phụ nữ cơ sở

Xuất thân là cán bộ Hội cơ sở, với thâm niên 18 năm có lẻ, tham gia Ban chấp hành Hội LHPN xã Phúc Tiến, Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách luôn đau đáu, nặng tình với trống quân. Bà quyết tâm khôi phục lại cũng như thành lập Câu lạc bộ trống quân của làng. 

Bà Mách không nản chí, kiên trì đến vận động, thuyết phục nhiều lần với phương châm "mưa dầm thấm lâu", nhờ đó nhiều cụ, gia đình trong thôn tin vào bà và đồng ý cho con cháu tham gia.

Cựu cán bộ Hội nặng tình với trống quân - Ảnh 2.

Nghệ nhân Kiều Thị Mách cùng chồng là Nghệ nhân ưu tú Đào Văn Chén trong dịp mừng thọ đầu năm

"Ngày đó, đời sống người dân còn khó khăn, họ chỉ lo làm ăn kinh tế nên chuyện hát hò, sinh hoạt văn nghệ trở nên xa xỉ đối với người trong thôn. Nhưng với kinh nghiệm là cán bộ Hội cơ sở lâu năm và uy tín bản thân, tôi dùng cách tiếp cận với phương châm "mưa dầm thấm lâu" để vận động các cụ, người dân tham gia câu lạc bộ", nghệ nhân Mách kể cái khó của ngày đầu thành lập Câu lạc bộ.

Năm 2014, Câu lạc bộ trống quân Phúc Lâm được thành lập với sự nhất trí cao của người dân thôn Phúc Lâm và chính quyền xã Phúc Tiến. Lúc đầu, Câu lạc bộ chỉ có 6-7 người vào sinh hoạt, thành phẩn chủ chốt như nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Chải, cụ Chăn, cụ Đặt... 

Năm 2016, tại cuộc thi các làn điệu dân ca của Thành phố Hà Nội. Câu lạc bộ trống quân Phúc Lâm đoạt 2 giải, 1 giải đặc biệt và 1 giải A...

"Hiện tại, Câu lạc bộ có 29 thành viên, người cao tuổi nhất là Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Chải (92 tuổi), trẻ nhất là cháu Đào Ngọc Minh Châu (12 tuổi, cháu nội của nghệ nhân Kiều Thị Mách). Điều đặc biệt, Câu lạc bộ có 6 nghệ nhân ưu tú là điều kiện tốt để phát triển câu lạc bộ cũng như công việc truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày nay", bà Mách cho biết.

Với niềm đam mê ca hát, tâm huyết giữ làn điệu trống quân của quê hương Nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách và các thành viên trong gia đình đã cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật hát trống quân truyền thống của quê hương.

Hát trống quân phổ biến ở Bắc bộ thường được tổ chức vào ban đêm trong những tuần trăng tháng 7, tháng 8 âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc. Hát trống quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn